Mách bạn mẹo trả lời “Nếu không được nhận, bạn sẽ làm gì?”
Trong số những câu hỏi phỏng vấn khiến nhiều ứng viên “lúng túng nhẹ”, chắc chắn phải kể đến câu: “Nếu không được nhận, bạn sẽ làm gì tiếp theo?”
![]() |
Nghe thì hơi tiêu cực, kiểu như “lỡ rớt rồi thì tính sao” nhưng nhà tuyển dụng không cố ý khiến bạn hoang mang đâu. Đây là câu hỏi để họ nhìn thấy thái độ, định hướng và bản lĩnh của bạn khi đối mặt với thất bại – điều mà bạn sẽ không thể tránh trong môi trường làm việc thực tế.
Nhà tuyển dụng muốn biết gì khi hỏi câu này?
Bạn có kế hoạch rõ ràng cho sự nghiệp của mình không?
Nhà tuyển dụng không đơn thuần tò mò xem bạn sẽ đi đâu, làm gì. Điều họ thực sự muốn biết là bạn có đang đi theo một lộ trình nghề nghiệp rõ ràng hay chỉ “nộp đại” cho vui. Một ứng viên có kế hoạch thường biết mình muốn phát triển ở lĩnh vực nào, vì sao chọn vị trí đó và nếu lỡ không được chọn, họ vẫn có bước tiếp theo, có thể là học thêm kỹ năng, tìm công việc tương tự hoặc tích lũy thêm kinh nghiệm. Ngược lại, nếu bạn ậm ừ, trả lời qua loa hoặc lạc đề, nhà tuyển dụng sẽ dễ nghi ngờ bạn chưa thật sự nghiêm túc với sự nghiệp của chính mình.
Bạn xử lý thất bại thế nào?
Thêm một lý do nữa khiến nhà tuyển dụng đặt câu hỏi này là họ muốn xem phản ứng của bạn trước một tình huống thất bại. Họ muốn biết khi gặp trở ngại, bạn sẽ chọn buông xuôi, chán nản hay chủ động đứng dậy và đi tiếp.
Trong môi trường làm việc, thất bại là điều không thể tránh khỏi, có công việc trễ deadline, có ý tưởng bị từ chối, có lúc mắc lỗi. Ứng viên có thái độ tích cực sẽ coi mỗi thất bại là một bài học, biết rút kinh nghiệm và điều chỉnh để làm tốt hơn ở lần sau. Và đó chính là mẫu người mà nhà tuyển dụng muốn đồng hành lâu dài.
Bạn có quá phụ thuộc vào vị trí này không?
Có quá phụ thuộc vào vị trí này không nghĩa là bạn có thật sự chọn công ty vì phù hợp, hay chỉ đang “nộp bừa” cho có. Nếu bạn quá tha thiết một cách mù quáng, kiểu “Em chỉ cần công việc, chỗ nào cũng được” thì nhà tuyển dụng sẽ lo bạn dễ chán, dễ nghỉ và thiếu định hướng lâu dài. Ngược lại, nếu bạn cho thấy mình đang theo đuổi một mục tiêu rõ ràng và công ty này chỉ là một phần trong hành trình phát triển đó thì họ sẽ tin bạn là người có định hướng, chủ động và có khả năng gắn bó thực sự.
Cách trả lời như thế nào là hợp lý?
Thành thật nhưng tích cực
Bạn không cần phải “gồng” hay cố tỏ ra quá hoàn hảo, cứ thành thật nhưng tích cực là đủ ghi điểm rồi. Ví dụ, bạn có thể nói rằng: “Thật lòng thì em sẽ hơi buồn một chút, vì em thực sự quan tâm đến vị trí này. Nhưng nếu không được chọn, em sẽ coi đây là cơ hội để nhìn lại điểm còn thiếu sót của mình, tìm cách cải thiện và tiếp tục ứng tuyển những công việc phù hợp với định hướng của em”. Câu trả lời kiểu này cho thấy bạn có cảm xúc nhưng không để cảm xúc chi phối, ngược lại, bạn có tư duy tích cực và biết cách bước tiếp.
Khẳng định định hướng rõ ràng
Một cách trả lời thông minh cho câu hỏi “Nếu không được nhận, bạn sẽ làm gì tiếp theo?” là khẳng định rằng bạn có định hướng rõ ràng cho sự nghiệp và công việc này là một phần trong hành trình đó chứ không phải điểm đến duy nhất.
Bạn có thể nói kiểu: “Em đang theo đuổi hướng phát triển trong lĩnh vực [tên lĩnh vực], và công việc này rất đúng với định hướng đó. Nếu chưa có cơ hội lần này, em sẽ tiếp tục tìm kiếm những vị trí tương tự, đồng thời học thêm các kỹ năng như [tên kỹ năng] để nâng cao chuyên môn. Em tin là miễn mình đi đúng hướng, sớm muộn gì cũng sẽ đến được nơi phù hợp.
Câu trả lời như vậy không chỉ cho thấy bạn biết mình muốn gì, mà còn thể hiện bạn là người kiên trì, có chiến lược rõ ràng và không dễ bỏ cuộc.
Một số cách trả lời nên tránh
“Thì chắc em tìm công việc khác thôi, chứ cũng không biết nữa…” - Trả lời kiểu này khiến bạn trông bị động, thiếu kế hoạch, dễ “thấy đâu nhận đó” thay vì đang theo đuổi mục tiêu cụ thể.
“Em nghĩ em rất phù hợp với vị trí này, nên chắc em cũng không có kế hoạch B”: Việc tự tin là tốt, nhưng quá tự tin đến mức không chuẩn bị cho tình huống khác thì lại không ổn. Nhà tuyển dụng có thể thấy bạn hơi "ảo tưởng sức mạnh" hoặc thiếu thực tế. Và thực ra, ai cũng nên có kế hoạch tiếp theo trong trường hợp chưa được chọn.
“Nếu không được nhận thì chắc em chuyển sang ngành khác luôn.” - Trừ khi bạn thực sự đang muốn rẽ hướng thì đây là một câu trả lời không nên nói ra bởi nó khiến nhà tuyển dụng nghĩ bạn thiếu kiên định và dễ bỏ cuộc. Không ai muốn đầu tư thời gian vào một người không chắc chắn với lựa chọn của chính mình.
“Thì chắc là em thất nghiệp thêm một thời gian nữa thôi ạ” - Nghe thì hơi hài hước và có thể bạn chỉ định nói đùa nhưng trong buổi phỏng vấn, đây là câu trả lời thiếu chuyên nghiệp và dễ khiến bạn mất điểm. Dù tâm lý bạn đang mệt mỏi vì tìm việc, hãy cố giữ sự tích cực và thể hiện bản thân vẫn có động lực để bước tiếp.
![]() |
Câu hỏi “Nếu không được nhận, bạn sẽ làm gì tiếp theo?” không phải là lời từ chối mà là một bài kiểm tra nho nhỏ về tư duy dài hạn và sự kiên trì của bạn. Hãy xem đây là cơ hội để thể hiện rằng bạn không chỉ giỏi lúc thuận lợi mà còn bình tĩnh và bản lĩnh khi đối mặt với thử thách. Vì suy cho cùng, nhà tuyển dụng không chỉ cần người làm được việc mà cần người có thể đi đường dài.
Ý kiến bạn đọc