Toàn cảnh tọa đàm. (Ảnh: Tổng cục Du lịch)
Theo tin từ Tổng cục Du lịch, tọa đàm do Tổng cục Du lịch phối hợp với Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam và WWF - Việt Nam tổ chức vào sáng 20/6 tại Đà Nẵng.
Thuộc khuôn khổ dự án “Giảm cầu ngà voi”, tọa đàm là hoạt động nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý du lịch và cơ quan quản lý động vật hoang dã với hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành để thúc đẩy bảo vệ động vật hoang dã.
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) Phạm Lê Thảo cho biết, phát triển du lịch bền vững từ lâu đã được xác định là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Đó là phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc; quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Trong những năm qua, Tổng cục Du lịch đã có nhiều hoạt động thiết thực để phát triển du lịch bền vững. Cụ thể như: xây dựng chính sách, quy hoạch, thẩm định và phê duyệt các dự án phát triển du lịch bền vững; thực hiện các dự án phát triển du lịch bền vững, điển hình là Dự án EU đã tạo nên mạng lưới các trường đào tạo nghề du lịch chuẩn châu Âu, mạng lưới đào tạo viên về du lịch để lan tỏa phát triển nhân lực du lịch…
Bên cạnh đó, thực hiện hợp tác quốc tế về du lịch bền vững, phối hợp với các đối tác triển khai phát triển bền vững như WWF, CITES trong triển khai các hoạt động giảm cầu ngà voi. Đặc biệt, tổ chức các chiến dịch về du lịch bền vững như: giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động du lịch; tổ chức các khóa tập huấn du lịch bền vững cho các cơ quan quản lý du lịch ở địa phương, doanh nghiệp du lịch, người lao động…
Tại tọa đàm, đại diện WWF-Việt Nam đã đưa ra một số giải pháp và hành động để thúc đẩy du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã. Theo đó, cần quản lý sức chứa để kiểm soát luồng khách du lịch qua không gian và thời gian; quản lý sự tham gia của cộng đồng nhằm bảo đảm lợi ích kinh tế đối với người dân trong vùng từ hoạt động du lịch; quản lý việc xây dựng cơ sở lưu trú theo hướng hình thành các cơ sở lưu trú thân thiện với hệ sinh thái, chú trọng tiết kiệm nước và sử dụng những nguồn năng lượng bền vững, sử dụng vật liệu tự nhiên để xây dựng; tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo vệ thiên nhiên, đa dạng sinh học và động vật hoang dã cho du khách.
Khuyến cáo du khách chỉ nên mua hàng hóa từ các khu vực chợ đã được chỉ định khi đến thăm các khu vực bờ biển; khuyến khích du khách sử dụng dịch vụ hướng dẫn viên du lịch địa phương.
Cũng tại buổi tọa đàm, ông Vương Tiến Mạnh - Phó Giám đốc Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cũng đã cập nhật về những yêu cầu của luật pháp quốc tế và các quy định trong nước về bảo vệ động vật hoang dã và ngà voi.
Đồng thời các chuyên gia trong các lĩnh vực pháp luật, pháp lý, giám định khoa học, du lịch đã chia sẻ về các nội dung như: Vai trò của đa dạng sinh học và động vật hoang dã đối với du lịch; bảo tồn động vật hoang dã; Các quy định của pháp luật Việt Nam về kiểm soát buôn bán động vật, thực vật hoang dã; Du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn thiên nhiên; Vai trò của hướng dẫn viên trong thực thi du lịch có trách nhiệm; Hành vi lệch chuẩn của hướng dẫn viên có liên quan tới mua bán động vật hoang dã…
Gửi phản hồi
In bài viết