Tiềm năng rừng gỗ lớn
Một dải màu xanh vút tầm mắt trong thung lũng Đỉnh Mười, ranh giới giữa xã Tân Tiến và Kiến Thiết (Yên Sơn) là rừng gáo trắng của Đội Lâm nghiệp Doàng, Công ty TNHH Lâm nghiệp Tuyên Bình, khác biệt hẳn so với rừng keo xung quanh. Anh Bùi Thu Thủy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Tuyên Bình vừa chạy chiếc xe “công trường” của công ty vừa giới thiệu: Đây là hơn 9 ha cây gáo trắng đã sang năm thứ 4 của chu kỳ sinh trưởng.
Cây được chăm đúng kỹ thuật nên phát triển đảm bảo. Cây gáo trắng được công ty tổ chức trồng khảo nghiệm ở hai mật độ, gồm 5,5 ha mật độ 1.600 cây/ha và 3,5 ha mật độ 1.330 cây/ha. Địa điểm thực hiện trồng tại các lô của Đội lâm nghiệp Doàng, xã Kiến Thiết. Đây cũng là địa phương có mật độ cây gáo trắng sinh trưởng và phát triển khá lớn trong tự nhiên.
Cây gáo trắng đạt đường kính 50 cm sau gần 4 năm trồng và chăm sóc tại Đội lâm nghiệp thôn Doàng, Công ty TNHH Lâm nghiệp Tuyên Bình.
Đến nay, tại mô hình mật độ 1.600 cây/ha, cây sinh trưởng phát triển tốt; đường vanh gốc bình quân đạt 30 - 40 cm; chiều cao vút ngọn bình quân đạt tới 4,5 m. Tại mô hình mật độ 1.330 cây/ha, cây sinh trưởng phát triển tốt. Đường vanh gốc bình quân đạt 50 - 60 cm; chiều cao vút ngọn bình quân đạt 6,5 m.
Cây gáo trắng được đưa vào trồng thử nghiệm đi đôi với nghiên cứu do Sở Khoa học Công nghệ tỉnh triển khai thực hiện đề tài: Nghiên cứu nhân giống bằng hạt và thử nghiệm trồng rừng theo hướng tập trung cây gáo trắng bản địa (Neolamarckia cadamba). Năm 2020, để nghiên cứu tiềm năng sinh trưởng và khả năng thích nghi của cây gáo trắng, Sở Khoa học Công nghệ phối hợp với Công ty TNHH Lâm nghiệp Tuyên Bình tổ chức gieo ươm tại vườn ươm của công ty 52.000 cây giống từ hạt xuất vườn, kết quả có 50.000 cây sống và phát triển. Trong số này có 14.800 cây phục vụ thử nghiệm trồng rừng tập trung của đề tài; 35.200 cây cung cấp ra thị trường.
Phó Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Tuyên Bình Bùi Thu Thủy cũng cho hay: Trong quá trình nghiên cứu, sản xuất cũng gặp một số khó khăn nhất định như, hạt để gieo ươm cây gáo trắng quá nhỏ, khi cây trong giai đoạn nảy mầm thường rất yếu nên phải che chắn tốt nếu không sẽ rất dễ chết yểu. Hơn nữa loài cây này khá kén đất, chỉ phát triển tốt trên vùng đất có độ ẩm tốt, những diện tích đất khô cằn cây trồng chậm phát triển.
Đưa chúng tôi “mục sở thị” khu rừng gáo trắng, ông Lê Văn Hiển, Đội trưởng Đội Lâm nghiệp Doàng chia sẻ, trực tiếp chăm sóc rừng gáo trắng cho thấy cây gáo trắng dễ chăm sóc. Đất trồng đủ độ ẩm, độ dốc ít như thung lũng hay khe núi thì cây phát triển tốt. Diện tích rừng gáo trồng thử nghiệm sống lên đến 98%. Hiện diện tích trồng mật độ 1.600 cây/ha chuẩn bị tỉa thưa trong năm nay để đảm bảo mật độ sinh trưởng tốt nhất cho cây.
Giá trị kinh tế cao
So với cây keo, loài cây đang được trồng phổ biến trên đất rừng Tuyên Quang thì cây gáo trắng có thời gian sinh trưởng, phát triển và cho thu hoạch là 6 đến 8 năm, và có khả năng kéo dài đến 15 năm, cây trưởng thành có thể đạt chiều cao 50 m, đường kính thân lên tới 1 m. Cành non có màu nâu nhạt, khi trưởng thành sẽ chuyển sang màu nâu xám và có nhiều sọc dài. Tán cây có hình dù, lá cây mọc đối xứng hai bên.
Lá cây có chiều dài khoảng 15 - 20 cm, chiều rộng khoảng 10 - 15 cm. Cây gáo trắng có thân thẳng đứng, gỗ vàng nhạt kết cấu đều, sợi thô và dài, không có mùi vị đặc trưng, dễ chế biến, khô nhanh, không dễ nứt, tính năng bám sơn tốt. Gỗ gáo dùng để sản xuất đồ gia dụng, thùng xe, trang trí kiến trúc, là nguyên liệu tốt để làm ván sợi nhân tạo, ván MDF, bột giấy...
Đồng chí Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ cho biết, việc nghiên cứu mô hình trồng rừng theo hướng tập trung đối với loài cây gáo trắng bản địa nhằm đánh giá khả năng sinh trưởng, đề xuất biện pháp kỹ thuật để áp dụng sản xuất đại trà. Cây gáo trắng đã sang năm thứ 4 chu kỳ sinh trưởng, đang phát triển tốt.
Cán bộ Sở Khoa học Công nghệ kiểm tra độ sinh trưởng của cây gáo trắng trồng tại đội Lâm nghiệp thôn Doàng, Công ty TNHH Lâm nghiệp Tuyên Bình.
Đó là dấu hiệu đáng mừng. Mô hình triển khai thành công sẽ giúp bổ sung cơ cấu trồng rừng cây bản địa, gỗ lớn, có triển vọng đem lại hiệu quả kinh tế cao phục vụ trồng rừng sản xuất tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tuyên Bình và khu vực lân cận; chủ động nguồn giống phục vụ sản xuất, kinh doanh, xây dựng hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cây giống.
Phó Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Tuyên Bình Bùi Thu Thủy bảo, tới đây bán chứng chỉ cacbon thì cây gáo trắng còn có giá trị kinh tế cao hơn nữa. Vì theo đánh giá của chuyên gia lá gáo trắng bản to, mức hấp thụ cacbon lớn, vì vậy sẽ được bán với giá cao gấp đôi, gấp 3 so với cây keo, bạch đàn. Đây cũng là điểm mạnh để cây gáo trắng sẽ được người trồng rừng phát triển thành rừng gỗ lớn.
Với nhiều ưu việt, gỗ từ cây gáo trắng đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh, đáp ứng nhu cầu gỗ chế biến cho các công ty như: Công ty Cổ phần giấy An Hòa, Công ty Woodsland, cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh, các xưởng gỗ ván bóc...
Hiện nay, tỉnh là địa phương có tỷ lệ che phủ rừng đứng thứ 3 cả nước. Cùng với diện tích rừng tự nhiên, toàn tỉnh có trên 140.700 ha diện tích rừng trồng gỗ nguyên liệu, chủ yếu là cây keo, bạch đàn. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, do trồng và khai thác trong nhiều chu kỳ liên tiếp nên một số diện tích rừng keo của tỉnh xuất hiện tình trạng nấm bệnh. Việc nghiên cứu thành công giống cây gáo trắng sẽ mở ra lựa chọn cho người trồng rừng loài cây trồng mới để đảo chu kỳ thay thế diện tích rừng đã thâm canh cây keo, bạch đàn quá lâu.
Gửi phản hồi
In bài viết