Tháng 5-1948, Tiểu đoàn 307 thuộc Quân khu 8 được thành lập và liên tiếp đánh thắng giòn giã với các trận Tháp Mười, Mộc Hóa, La Bang... Để biểu dương chiến công của Tiểu đoàn 307, khích lệ tinh thần chiến đấu chung, Quân khu 8 mở cuộc thi sáng tác văn nghệ. Nhà thơ Nguyễn Bính, khi đó công tác tại Nam Bộ đã hưởng ứng cuộc vận động bằng bài thơ “Cửu Long Giang”. Nguyễn Hữu Trí lúc đó hoạt động ở Quân khu 8, đã sáng tác ca khúc “Tiểu đoàn 307” dựa trên ý thơ của Nguyễn Bính: “Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang/ Cửu Long Giang sóng trào nước xoáy/ Ai đã từng nghe tiếng tiểu đoàn/ Tiếng Tiểu đoàn ba trăm lẻ bảy”... Bài hát nhanh chóng được phổ biến từ các trung đội thuộc Tiểu đoàn 307, lan ra các đơn vị trong Quân khu 8 và truyền đi khắp Nam Bộ. Ngày 1-10-1950, lần đầu tiên bài hát được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, lan nhanh trong bộ đội và nhân dân cả nước, như một khúc quân ca của đội quân bách chiến bách thắng. Bài hát đã được trao giải Nhì trong cuộc vận động sáng tác văn nghệ lúc đó.
Nguyễn Hữu Trí (1917-1979) tên thật là Nguyễn Văn Bảy, quê Mỹ Tho (Tiền Giang). Ông say mê âm nhạc từ nhỏ, chơi được nhiều nhạc cụ. Sau năm 1945, ông tham gia Việt Minh, phụ trách đội quân nhạc Quân khu 8. Ông còn sáng tác một số bài khác như “Phá đường” (phổ thơ Tố Hữu), “Ba người chiến sĩ năm 40”, “Tiếng chuông uất hận”... Năm 1952, Nguyễn Hữu Trí bị bệnh nặng, phải về nhà chữa trị. Từ đó cho đến năm 1979, ông dạy học, dạy nhạc và sống ở xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu cho tới ngày qua đời vì tai biến.
Với nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí, phần thưởng quý giá nhất đối với ông là bài hát “Tiểu đoàn 307” đã như một khúc quân ca có sức khái quát về sức mạnh, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân đội ta, mãi đi vào lịch sử kháng chiến của Nam Bộ và cả nước.
Gửi phản hồi
In bài viết