Chủ động, chuẩn bị từ sớm, từ xa phòng, chống thiên tai
Ngày 24-7, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Phòng thủ Dân sự quốc gia về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh năm 2025. Phiên họp được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ đến 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và một số xã, phường đặc thù trên cả nước.
![]() |
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh. Ảnh: Duy Tuấn |
Đồng chí Phan Huy Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo tại điểm cầu Tuyên Quang. Dự phiên họp có lãnh đạo các sở ngành, cơ quan liên quan.
Trước khi vào phiên họp, Văn phòng Chính phủ đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức lại 3 Ban Chỉ đạo (gồm Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia; Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn) thành Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, vị trí địa lý cùng biến đổi khí hậu khiến nước ta liên tục phải gánh chịu rất nhiều loại hình thiên tai, đặc biệt là hiện tượng mưa bão, sạt lở đất đá rất bất ngờ, diễn biến nhanh, không theo quy luật. Thủ tướng yêu cầu: Các ngành chức năng, tỉnh, thành phố, địa phương cần thông tin đầy đủ các loại hình thiên tai; thực hiện dự tính, dự báo, có tính định hướng, giải pháp để người dân chủ động nắm bắt, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại gây ra.
Thiên tai gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản
Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm; công tác chỉ đạo, điều hành, ứng phó với các tình huống, thảm họa tiên tai đã bám sát với tình hình thực tế; công tác thông tin tuyên truyền về phòng, chống thiên tai được đẩy mạnh, góp phần quan trọng trong việc nâng cao ý thức của người dân trong việc chủ động ứng phó.
Tuy nhiên, biến đổi khí hậu toàn cầu khiến nhiều loại hình thiên tai xuất hiện với cường độ và mức độ ngày càng lớn, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Thống kê từ năm 2024 đến nay Việt Nam đã xảy ra trên 10.200 vụ tai nạn, sự cố, thiên tai. Trong đó, có 13 trận bão, 3 áp thấp nhiệt đới, 140 trận mưa lớn, 278 trận dông lốc, 409 trận sạt lở đất, đá… Hậu quả làm chết 1.389 người, mất tích 398 người, trên 2.800 người bị thương; nhiều công trình, tài sản bị thiệt hại.
![]() |
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Huy Ngọc chủ trì tại điểm cầu tỉnh. Ảnh: Duy Tuấn |
Tại Tuyên Quang, từ năm 2024 đến nay, thiên tai cũng đã làm 46 người chết, 38 người bị thương, hàng chục nghìn ngôi nhà dân bị hư hỏng cùng rất nhiều công trình, tài sản bị hư hỏng. Ước tổng thiệt hại khoảng gần 3,7 nghìn tỷ đồng.
Trong thời gian tới, dự báo tình hình thời tiết sẽ có rất nhiều diễn biến bất thường, mức độ, cường độ, tần suất thiên tai nhiều khả năng sẽ còn mạnh hơn. Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân và các công trình, các địa phương cần tăng chế độ ứng trực về phòng thủ dân sự ở các cấp; thường xuyên theo dõi nắm chắc tình hình về mọi mặt như: Khí hậu, thời tiết, tai nạn, sự cố, thiên tai, thảm họa; chủ động lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó, khắc phục và tìm kiếm cứu nạn, không để bị động bất ngờ trước mọi tình huống.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp ứng phó với từng tình huống thiên tai, đặc biệt là hiện tượng mưa lũ, ngập úng, sạt lở đất đá; ngành chuyên môn cũng sớm hoàn thành công tác xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai, bản đồ nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đến cấp thôn, bản tại các khu vực trọng điểm…
Chủ động phòng ngừa thiên tai từ sớm, từ xa, kịp thời và hiệu quả
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, thiên tai đang diễn biến rất bất thường, phức tạp, cực đoan. Thực tế cho thấy thiệt hại do thiên tai gây ra trong thời gian qua là vô cùng nặng nề. Thủ tướng Chính phủ cũng ghi nhận, dù thiệt hại rất lớn song các địa phương đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn tái thiết sản xuất, ổn định đời sống. Đồng chí cũng nghi nhận sự đồng lòng hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội đã giúp các địa phương bị thiệt hại nhanh chóng khắc phục hậu quả.
![]() |
Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh. Ảnh: Duy Tuấn |
Hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại thiên tai, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải tuân thủ 3 nguyên tắc cơ bản trong công tác phòng, chống thiên tai: Phải từ sớm, từ xa từ khi chưa xảy ra sự cố; ứng phó phải bình tĩnh, sáng suốt, kịp thời, phù hợp, an toàn, hiệu quả; khắc phục phải cơ bản toàn dân, toàn diện, toàn phần, chung tay hỗ trợ.
Các lực lượng tuyến đầu là Quân đội, Công an phải tích cực hỗ trợ và vận động người dân tham gia phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Phải huy động tốt mọi nguồn lực của nhà nước, địa phương và của toàn xã hội tham gia khắc phục hậu quả. Nâng cao chất lượng công tác cảnh báo, dự báo, nắm tình hình và truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức chủ động phòng, tránh cho người dân. Quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, bình tĩnh, cương quyết trong thực thi nhiệm vụ, giảm thiểu tối đa hậu quả có thể xảy ra…
![]() |
Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh. Ảnh: Duy Tuấn |
Thiên tai diễn biến bất thường, khó định đoán, không đi theo quy luật, đặc biệt thời gian này đang là cao điểm mùa mưa lũ, Thủ tướng đề nghị: Các tỉnh, thành phố, địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, diễn biến thiên tai, tăng cường kiểm tra, đôn đốc bảo vệ an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập xung yếu; tham mưu kịp thời để Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy các cấp ở địa phương sẵn sàng ứng phó thiên tai, giảm thiểu thiệt hại; kiên quyết sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, thậm chí là phải cưỡng chế để cứu dân; các tỉnh, thành phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí từ Trung ương đến địa phương... để truyền thông và đưa các bản tin về tình hình thiên tai, công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả tới các cấp chính quyền và người dân.
Về công tác khắc phục hậu quả thiên tai, phải ưu tiên nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai. Về lâu dài, các địa phương tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc đảm bảo chất lượng, tiến độ thi công các dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
Đoàn Thư
Ý kiến bạn đọc