Người Tày và chuyện se tơ dệt vải
Trong gia đình của người Tày bản địa trước kia, hầu như nhà nào cũng có một khung cửi dệt. Mọi đồ dùng từ váy, áo, gối, chăn và cả của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng đều làm từ vải tự dệt. Dệt vải được xem là tiêu chuẩn để đánh giá phẩm hạnh, sự khéo léo, cần mẫn của người phụ nữ Tày.
Bà Nguyễn Thị Điện, dân tộc Tày, thôn Soi Trinh, xã Trung Hòa (Chiêm Hóa) chia sẻ: Trước kia người Tày dệt thổ cẩm bằng sợi bông nhuộm chàm hoặc sợi tơ tằm đã được nhuộm màu. Ngày nay giá tơ tằm đắt nên người dệt thổ cẩm chuyển sang dùng len để dệt với các màu: đen, đỏ, vàng, xanh tạo ấn tượng mạnh. Mỗi người phụ nữ ngay từ khi mới sinh ra cho đến khi trưởng thành họ đã được các mẹ, các bà của mình dạy cách biết trồng bông, trồng dâu, nuôi tằm để lấy sợi, lấy tơ dệt vải. Từ những mảnh vải ấy, bằng đôi bàn tay khéo léo, người phụ nữ lại cùng nhau may, khâu lên thành những chiếc áo, chiếc quần hay những tấm chăn, màn, gối đệm cho mình, cho chồng con và cả những người thân yêu của họ.
Phụ nữ Tày duyên dáng bên khung cửi
Hiện nay, thổ cẩm của đồng bào Tày đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo. Đến với các khu du lịch homestay, chắc hẳn chúng ta sẽ ấn tượng với hình ảnh phụ nữ Tày vẫn cần mẫn dệt vải bên chiếc khung cửi được truyền qua bao thế hệ. Đó có thể là chiếc túi du lịch bằng thổ cẩm, hay ví cầm tay, chiếc địu trẻ em... với những hoa văn độc đáo, phản ánh sinh động cuộc sống lao động, sản xuất của cộng đồng người Tày từ xa xưa.
Người Dao và lời tự sự của núi rừng
Nếu hoa văn trên vuông thổ cẩm của người Tày được dệt nên bởi đôi bàn tay thông qua chiếc khung cửi thì với phụ nữ Dao, những hoa văn ấy hoàn toàn xuất phát từ đôi bàn tay hay lam hay làm và trí tưởng tượng phong phú. Theo bà Chúc Thị Man, dân tộc Dao, thôn Cổ Yểng, xã Thanh Tương (Na Hang), bà được mẹ dạy thêu từ bé. Nói là dạy nhưng thực chất là bà chủ yếu tự học và quan sát. Ngày nào cũng thấy mẹ ngồi thêu, bà lại lân la ngồi bên cạnh. Lớn lên chút thì bà tò mò hỏi về cách thêu, về họa tiết hoa văn. Theo thời gian, các hình ảnh ấy ăn sâu vào tiềm thức rồi bà tự tay thêu được lúc nào không hay. Cách truyền nghề chân chất, mộc mạc cứ thế được duy trì trong mỗi nếp nhà người Dao. Để rồi, quả ngọt mà cộng đồng người Dao đỏ được hưởng là nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia
Vừa thoắt thoắt thêu chiếc khăn đội đầu, chị Bàn Thị Phương, dân tộc Dao đỏ ở thôn Bản Lục, xã Đà Vị (Na Hang) chia sẻ, hoa văn này nhìn thì khá cầu kỳ nhưng có thể hiểu một cách đơn giản, đó là sự mô phỏng từ thiên nhiên. Người Dao sống dựa vào thiên nhiên nên cây cối, hoa lá, thú rừng được mô phỏng hết sức sinh động qua trí tưởng tượng và đôi tay khéo léo của phụ nữ. Thêm vào đó, là sự phối màu tinh tế, trong đó màu đỏ là chủ đạo đã làm nên bộ trang phục rực rỡ của phụ nữ Dao đỏ.
Người Mông và câu chuyện tần tảo của người phụ nữ
Trong số các bộ trang phục truyền thống của dân tộc, có lẽ y phục của phụ nữ Mông gây ấn tượng hơn cả. Điểm nhấn nổi bật trong bộ trang phục độc đáo ấy là chiếc váy rực rỡ, xòe rộng như những chiếc ô. Theo chia sẻ của chị Giàng Thị Sao, xã Thanh Tương (Na Hang), trong gia đình, người phụ nữ Mông phải lo toan mọi việc, từ cơm nước, lợn gà đến lên nương, làm rẫy. Và một chiếc váy dài vừa độ, xòe rộng dường như phù hợp với điều kiện làm việc trong mọi hoàn cảnh. Song, dù có lam lũ, vất vả thì trông họ vẫn duyên dáng, quyến rũ trong những chiếc váy thổ cẩm với những nếp gấp điệu đà, rực rỡ sắc màu.
Với bộ trang phục độc đáo, phụ nữ Mông xuất hiện ở đâu là thu hút sự chú ý ở đó
Quan sát ta thấy, có nhiều loại hoa văn trên trang phục người Mông như hoa văn hình học, hoa văn hiện thực, hoa văn hình người, hoa văn hình hoa đào… Sự sắp xếp những mảng mầu tối, sáng, nóng lạnh đi cạnh nhau làm nổi bật lên những đường nét hoa văn, đặc biệt quan trọng khi nhìn từ xa hay đi giữa núi rừng. Tất cả phản ánh nghệ thuật và thẩm mỹ, ước vọng … trong đời sống của dân tộc Mông.
Dù mỗi tấm thổ cẩm, mỗi bộ trang phục truyền thống ở dân tộc Tày, Dao, Mông hay các dân tộc có sự khác nhau song tựu trung lại đều phản ánh sinh động phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của dân tộc đó. Nhìn vào bộ trang phục, nhìn vào vuông thổ cẩm ta thấy hồn cốt dân tộc. Đó là niềm tự hào, là bản sắc, là tài sản của mỗi dân tộc được truyền lại qua mỗi thế hệ, trở thành di sản của nhân loại.
Gửi phản hồi
In bài viết