Tính thống nhất giữa phát triển con người về mặt tự nhiên và xã hội

Trong lịch sử tiến hóa lâu dài của con người, sự phát triển về mặt tự nhiên và xã hội trong con người có sự thống nhất chặt chẽ, không tách rời. Hai mặt này làm tiền đề cho nhau, nương tựa vào nhau, giúp con người không ngừng hoàn thiện cả thể chất và tinh thần, góp phần nâng cao khả năng thích nghi với môi trường, thúc đẩy sự phát triển.

Từ thời cổ đại đến nay, con người được không ít nhà tư tưởng đánh giá “như một bí ẩn không thể đạt tới” của tồn tại. Chính vì vậy, vấn đề con người luôn nằm trong trung tâm của sự suy tư, trăn trở, bàn luận, tìm tòi, khám phá của các nhà triết học, các nhà tư tưởng lớn ở cả phương Đông và phương Tây. Một trong số những bí ẩn được bàn đến nhiều là cái gì trong con người là bẩm sinh, do thiên phú; cái gì là do tập nhiễm từ cuộc sống, xã hội mà trong đó con người được sinh ra, được xã hội giáo dục để hành động và trưởng thành.

Điển hình nhất là vào thời cổ đại ở phương Đông, trong các trước tác của mình, Khổng Tử (551 - 479 TCN) đã đề cập đến những nội dung lớn và cơ bản về con người, như nguồn gốc, vai trò, vị trí và nhất là về bản tính của con người trong thế giới nói chung và trong xã hội nói riêng. Coi bản tính của con người là tính thiện, đề cao giáo dục, coi giáo dục có thể giúp con người tránh được cái ác, ông nêu ra quan điểm “học không biết chán, dạy không biết mỏi”; rằng xã hội phải coi trọng giáo dục với hy vọng giáo dục có thể giúp con người tăng thêm tính thiện để từ đó ngăn ngừa cái ác, giảm thiểu tội lỗi, góp phần cải biến xã hội, xây dựng một “xã hội hòa mục”.

Đặc biệt, nhà triết học, nhà tự nhiên học, nhà bách khoa, cha đẻ của nhiều ngành khoa học Hy Lạp nổi tiếng là A-ri-xtốt (Aristotle, 384 - 322 TCN) đã từng coi “con người là một động vật mà do bản tính tự nhiên phải sống trong một nhà nước (con người là một động vật chính trị)” và coi “con người là một sinh vật chính trị, và là một sinh vật chính trị ở mức độ cao hơn loài ong hay các loài thú sống bầy đàn khác”(1). Dựa trên quan điểm quan trọng này, người ta coi A-ri-xtốt là người đầu tiên nêu lên một cách sáng rõ mối quan hệ khăng khít, về tính thống nhất giữa sự phát triển về mặt tự nhiên và mặt xã hội trong con người, trong đó chính mặt xã hội là cái làm nên sự khác biệt căn bản, cái làm nên “mức độ cao hơn” của con người so với tất cả các loài sinh vật khác.

Sau A-ri-xtốt, có rất nhiều nhà tư tưởng và nghiên cứu khoa học từ những lập trường khác nhau cũng đưa ra các quan niệm đáng chú ý về con người, về nhiệm vụ nghiên cứu con người. Nổi bật nhất là vào thế kỷ XVIII, I. Can-tơ (I. Kant, 1724 - 1804), nhà triết học nổi tiếng, người mở đầu nền triết học cổ điển Đức, đã khái quát rất ngắn gọn, nhưng thật sự súc tích mục đích tối hậu của triết học “KHÔNG GÌ KHÁC HƠN LÀ TOÀN BỘ VẬN MỆNH CỦA CON NGƯỜI”(2). Đến thời mình, khi xem xét vấn đề con người, C. Mác và Ph. Ăng-ghen, một mặt, kế thừa những quan điểm của các nhà khoa học và triết học tiền bối; mặt khác, các ông đã vượt họ, đi xa hơn họ rất nhiều. Cụ thể là, cùng với việc thừa nhận nguồn gốc tự nhiên và tổ tiên động vật của con người, các ông đặc biệt nhấn mạnh bản chất xã hội của con người, coi con người là một thực thể sinh học - xã hội. Các luận điểm hết sức quan trọng này đã được C. Mác và Ph. Ăng-ghen trình bày rõ trong nhiều tác phẩm lớn, như Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844, Gia đình thần thánh, Luận cương về Phoi-ơ-bắc, Hệ tư tưởng Đức, Tư bản hay Biện chứng của tự nhiên, Lút-vích Phoi-ơ-bắc và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức,... Đối với C. Mác và Ph. Ăng-ghen, sự tiến hóa về mặt tự nhiên và sự phát triển về mặt xã hội của con người có sự thống nhất chặt chẽ, không tách rời nhau, làm tiền đề cho nhau, nương tựa vào nhau, thúc đẩy lẫn nhau trong suốt quá trình hình thành, tiến hóa lâu dài, liên tục biến đổi và hoàn thiện không ngừng của loài người trên trái đất này dưới những tác nhân lợi và hại khác nhau, đôi khi đó là những tác nhân tự nhiên vô cùng mạnh mẽ và nguy hiểm. 

Trong tác phẩm Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844, khi nói về mặt tự nhiên, về vai trò của giới tự nhiên đối với cấu tạo, sự hình thành và sự biến đổi của cơ thể con người cũng như của tất cả các loài động vật nói chung, C. Mác đã khẳng định mạnh mẽ rằng, “giới tự nhiên... là thân thể vô cơ của con người... Con người sống bằng giới tự nhiên... con người là một bộ phận của giới tự nhiên”(3). Một năm sau, vào mùa Xuân năm 1845, trong Luận cương về Phoi-ơ-bắc (Bản thảo năm 1845), khi xem xét mối quan hệ giữa mặt tự nhiên và mặt xã hội trong con người, C. Mác còn quả quyết mạnh mẽ hơn: “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa tất cả các quan hệ xã hội”(4).

Các luận điểm quan trọng trên đây của C. Mác chỉ cho chúng ta thấy rằng, cần phải xem xét nguồn gốc phát sinh loài người và bản chất của con người từ các góc độ khác nhau, cả từ góc độ tự nhiên lẫn góc độ các quan hệ xã hội; bởi vì, đối với C. Mác, con người là một thực thể thống nhất sinh học  - xã hội. Một khi đã thừa nhận như vậy thì đương nhiên phải thừa nhận vai trò quan trọng của môi trường mà trong đó con người sống và hoạt động, cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, cả mặt tự nhiên và mặt xã hội đối với sự hình thành, xuất hiện, sự tiến hóa lâu dài và phát triển của con người với tính cách một loài trên trái đất qua các giai đoạn lịch sử khác nhau. Luận điểm coi con người là một thực thể thống nhất sinh học - xã hội đóng vai trò gợi mở và định hướng quan trọng cho các ngành khoa học nghiên cứu về con người và về việc giáo dục, đào tạo con người.

C. Mác và Ph. Ăng-ghen tại tòa soạn Die Neue Reinische Zeitung _Nguồn: sputnikmediabank.com

Tuy nhiên, vào thời mình, đúng như C. Mác đã khẳng định, các khoa học cụ thể cùng tham gia nghiên cứu con người chưa thể xác định được thật cụ thể và chính xác những chất vô cơ nào, những nguyên tố hóa học nào vốn có trong giới tự nhiên, bằng một cách nào đó, đã kết hợp lại được với nhau để tạo nên các cấu trúc hết sức hợp lý của cơ thể con người nói riêng và của các loài động vật nói chung, nên việc các ông chưa thể bàn luận nhiều và chưa thể luận chứng đủ sâu sắc về vai trò của chúng cũng là điều có thể giải thích được. Có lẽ vì thế mà C. Mác đã phải thẳng thắn thừa nhận rằng, “chúng ta không thể đi sâu nghiên cứu thể chất của bản thân con người”(5).

Cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học, kỹ thuật và công nghệ hiện đại, vấn đề con người ngày càng cuốn hút mạnh mẽ hơn sự quan tâm của rất nhiều nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khoa học khác nhau, kể cả khoa học chính trị và các chính trị gia. Tuy rằng phương pháp và mục đích nghiên cứu có thể khác nhau, song đều xoay quanh các vấn đề quan trọng, như nguồn gốc phát sinh con người; bản tính, bản chất, mặt cấu tạo sinh học, mặt xã hội trong con người; ảnh hưởng và vai trò của môi trường sống, cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, đối với sự hình thành, tiến hóa, phát triển, vận mệnh và tương lai của các thế hệ người kế tiếp theo thời gian, nhất là trước những hiểm họa khó lường về nhiều mặt do sự biến động bất thường của điều kiện tự nhiên và những tác động ngày càng rõ nét hơn, mạnh mẽ hơn do chính con người gây ra.

Thành tựu khoa học từ giữa thế kỷ XX đến nay, trước hết là của vật lý học, lý - sinh học, hóa học, hóa - sinh học; các ngành sinh học khác, như cổ sinh vật học, sinh học phân tử, di truyền học phân tử và di truyền học quần thể; khảo cổ học,... đã cung cấp cho chúng ta nhiều bằng chứng khá xác thực về nguồn gốc và nơi phát sinh, về cấu tạo, về sự tiến hóa - cả tiến hóa vĩ mô và tiến hóa vi mô - của loài người. Tất cả tài liệu do các khoa học hiện đại cung cấp đưa chúng ta đến kết luận chắc chắn rằng, con người là một chỉnh thể, một sản phẩm cao nhất trong sự tiến hóa của vật chất, là một cơ thể phức tạp nhất mà giới tự nhiên đã sản sinh ra. Đặc biệt, về mặt thể chất, cơ thể con người, không phân biệt màu da hay chủng tộc, đều được cấu tạo giống nhau chỉ từ những gì vốn có sẵn trong thiên nhiên. Luận điểm này giờ đây đã được các khoa học, trước hết là hóa - sinh học, lý - sinh học và nhất là di truyền học hiện đại xác nhận là hoàn toàn đúng đắn(6). Thành tựu của các khoa học này đã phản bác một cách có căn cứ đối với mọi loại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc thượng đẳng và chủng tộc hạ đẳng vốn là cơ sở của chủ nghĩa phát-xít cũ và mới.

Trong quá trình tiến hóa, con người hiện đại vẫn không hoàn toàn tách biệt khỏi những mối liên hệ về nguồn gốc phát sinh với tổ tiên xa xôi của mình. Cụ thể, đó là những yếu tố vật chất, những yếu tố hữu cơ; những yếu tố làm cho con người hình thành và hoạt động như một cá thể, như một hệ thống có cấu trúc vô cùng phức tạp phục tùng các quy luật sinh học; nói tóm lại, đó là toàn bộ các tiền đề sinh học của con người. Các tiền đề sinh học ấy là cơ sở quan trọng thúc đẩy sự hình thành, sự tiến triển, sự biến đổi và sự hoàn thiện của bản tính con người, nhất là của các yếu tố tạo thành mặt xã hội của con người. Có thể nói, những yếu tố xã hội ấy chính là những gì xuất hiện dưới ảnh hưởng của các điều kiện và quy định xã hội khác nhau tạo nên con người với tư cách một cá thể, cá nhân, mà trong nhiều trường hợp nếu thiếu chúng thì rất nhiều phẩm chất, đặc tính, cấu trúc đặc biệt, như ngôn ngữ, khả năng tư duy trừu tượng, quy phạm đạo đức, cung cách và hành vi ứng xử,... của một con người - cá nhân sẽ không thể hình thành được.

Sự phát triển bước ngoặt về mặt xã hội của con người được đánh dấu bằng việc con người bắt đầu biết sử dụng các dụng cụ có sẵn trong tự nhiên, tiến dần đến chỗ chế tạo được các công cụ hoàn toàn mới, tạo ra các tư liệu sinh hoạt hoàn toàn mới phục vụ cuộc sống của mình. Từ thời điểm ấy, con người đã thoát ra khỏi trạng thái động vật để bước vào lịch sử xã hội loài người. Về điều này, trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức, C.  Mác và Ph.  Ăng-ghen đã viết rằng: “Bản thân con người bắt đầu bằng tự phân biệt với súc vật ngay khi con người bắt đầu sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt của mình - đó là một bước tiến do tổ chức cơ thể của con người quy định”(7). Trải qua thời gian, nhờ có lao động và sự giao tiếp xã hội thường xuyên mà con người hình thành tiếng nói, ngôn ngữ, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ quá trình con người thoát khỏi giới động vật để hình thành xã hội loài người. Do vậy, các nhà khoa học thống nhất quan điểm rằng, con người tuy là “một bộ phận của giới tự nhiên”, “sống trong lòng tự nhiên” như C. Mác nói, nhưng nếu không được giao tiếp với cộng đồng người trong xã hội, không được giáo dục thì không thể phát triển bình thường, không thể trở thành con người theo đúng nghĩa. Bởi vậy, đúng như I. Can-tơ đã khái quát rất chính xác: con người chỉ có thể trở thành người thông qua giáo dục. Con người không gì khác hơn là những gì được giáo dục tạo nên. Nói cách khác, một con người với cấu tạo cơ thể và thể chất sinh học, đặc biệt là có một bộ não bình thường, vẫn phải nhờ sự giao tiếp xã hội, giao tiếp với cộng đồng người, nhất là nhờ có giáo dục thì mới có thể phát triển để trở thành con người theo đúng nghĩa. Nói tóm lại, tác động của các yếu tố xã hội đến con người thông qua các cơ quan, tổ chức bình thường của cơ thể, đồng thời cũng thông qua việc học tập và rèn luyện, thông qua quá trình giáo dục và lao động.

Lịch sử từ xa xưa đến nay cho thấy rõ, giáo dục là một hiện tượng đặc trưng, đặc biệt của xã hội loài người, đồng thời cũng là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người trong xã hội, gắn liền với tiến trình vận động, phát triển của xã hội loài người. Giáo dục tồn tại và phát triển không ngừng cùng với sự tồn tại và phát triển không ngừng của xã hội. Ảnh hưởng của giáo dục đối với con người, nhất là đối với thế hệ trẻ, là vô cùng quan trọng. Bởi vậy, tất cả xã hội đều coi trọng giáo dục. Trong một xã hội tiến bộ thì giáo dục là chức năng quan trọng bậc nhất của cả gia đình, xã hội và nhà nước. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục thế hệ trẻ. Người nhấn mạnh: “Giáo dục các em là việc CHUNG của gia đình, trường học và xã hội. Bố mẹ, thầy giáo và người lớn phải cùng nhau phụ trách; trước hết là phải làm gương mẫu cho các em trước mọi việc”(8). Người cũng chỉ rõ các nội dung giáo dục gồm có thể dục để làm cho thân thể khỏe mạnh; giáo dục trí dục, mỹ dục và đức dục để trẻ em lớn lên thành những người công dân tốt.

Nhà triết học giáo dục nổi tiếng người Mỹ Giôn Đi-uy (John Dewey, 1859 - 1952) cũng từng viết: “Tiến trình truyền dạy này diễn ra thông qua việc người lớn tuổi hơn truyền đạt cho người trẻ tuổi những tập quán làm việc, suy nghĩ và bày tỏ tình cảm. Nếu không có việc truyền đạt những lý tưởng, hy vọng, kỳ vọng, tiêu chuẩn, quan điểm từ những người đã từng trải qua cuộc sống cộng đồng cho những người đang bước vào cuộc sống ấy, thì đời sống xã hội sẽ không thể tiếp tục duy trì”(9). Xã hội không thể tồn tại, chứ chưa nói đến phát triển, nếu thiếu sự truyền đạt hay sự truyền dạy này. Cũng chính Giôn Đi-uy đã viết: “Xã hội không chỉ tiếp tục tồn tại nhờ vào tiến trình truyền dạy, nhờ vào sự truyền đạt; mà hoàn toàn có thể nói rằng xã hội quả đang tồn tại trong tiến trình truyền dạy, trong sự truyền đạt”(10). Khi biết được điều kiện xã hội, điều kiện sống tác động ra sao đối với từng lứa tuổi, chúng ta có thể làm cho việc rèn luyện, giáo dục, học tập có kết quả hơn, nhất là giai đoạn con người ở độ tuổi vị thành niên.

Một xã hội tiến bộ và phát triển vì con người thì con người phải luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong các chương trình, kế hoạch xây dựng và phát triển của đất nước, dân tộc, trong đó có chương trình và kế hoạch phát triển giáo dục. Trái lại, một xã hội chậm tiến, bảo thủ, trì trệ, lạc hậu, không có những điều kiện xã hội thiết yếu phục vụ con người thì con người, nhất là thế hệ trẻ, không thể phát triển cả về thể chất, năng lực trí tuệ và tinh thần. Nói tóm lại, con người không thể sống biệt lập, cũng không thể phát triển ở bên ngoài cộng đồng người, không thể thiếu sự giao tiếp thường xuyên với cộng đồng xã hội. Chính vì vậy mà bản chất con người mang tính xã hội sâu sắc.

Chăm lo con người phát triển toàn diện cả thể chất và tinh thần, nhất là thế hệ trẻ _Ảnh: Tư liệu

Cuộc sống của con người trong thời hiện đại đang phải đối mặt với nhiều thách thức rất khó lường xuất phát cả từ phía giới tự nhiên lẫn từ phía các quan hệ xã hội. Dưới tác động vô cùng mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, của những biến động to lớn do các cuộc cách mạng xã hội tạo nên, thì cả hệ sinh thái tự nhiên và xã hội con người đều không thể tránh được những biến đổi. Điều này đòi hỏi khả năng thích nghi kịp thời và sự đồng tiến hóa của cả mặt tự nhiên và mặt xã hội trong con người. Sự đồng tiến hóa này là nét đặc trưng tiêu biểu nhất diễn ra trong suốt lịch sử loài người, có thể là cùng với sự ra đời của các nền văn minh nhân loại từ xa xưa, nhưng mạnh mẽ nhất là dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại bắt đầu từ những năm giữa thế kỷ XX đến nay. Chính sự đồng tiến hóa này là bằng chứng rõ rệt nhất về tính thống nhất giữa sự phát triển của con người cả về mặt tự nhiên và về mặt xã hội.

Một vấn đề quan trọng được đặt ra ở đây là dù với những cấu tạo, cả vi mô và vĩ mô của bộ máy cơ thể cực kỳ phức tạp, hết sức tinh vi, hoàn chỉnh tuyệt vời như hiện thời, nhưng liệu con người có đủ khả năng để thích nghi với tất cả tác nhân khác nhau, nhất là các tác nhân có hại, như các chất phóng xạ, các hóa chất cực kỳ độc hại đang gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, thực phẩm? Đây là những mối lo mà cả xã hội và từng con người đang phải đối mặt và xã hội không thể không tìm cách giải quyết rốt ráo trước khi quá muộn. Hằng ngày, hằng giờ chúng ta đang chứng kiến việc con người phải chống chịu những tác động hết sức bất lợi do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự tàn phá không thương tiếc các cánh rừng đại ngàn nguyên sinh, dẫn đến nạn hạn hán kéo dài và các trận lũ lụt khủng khiếp, làm biến đổi khí hậu của trái đất, đe dọa cuộc sống bình thường của con người và mọi sinh vật. Thời gian qua, con người đã và đang khai thác tự nhiên quá mức, làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên không tái tạo chỉ vì mục tiêu phát triển kinh tế đơn thuần, đặc biệt là việc con người sản sinh ra những tác nhân vô cùng độc hại từ các chất thải công nghiệp; những hóa chất phát ra từ nhiều loại vũ khí được sử dụng trong các cuộc chiến tranh ở nhiều khu vực trên thế giới... đang đẩy chính con người vào thế bị động. Bởi vậy, ngoài việc con người buộc phải biết học cách tự giác thích nghi thì còn buộc các cấu trúc tinh vi của cơ thể, như phân tử, tế bào, mô cho đến cơ quan, hệ thống trong cơ thể phải có những biến đổi mà chính con người không thể sớm tự mình nhận biết. Chắc chắn là con người như một thực thể sinh học - xã hội không thể có những đột biến đủ khả năng để thích nghi kịp thời, ngay lập tức, tuyệt đối và vô điều kiện với tất cả tác nhân có hại ấy.

Trong tình hình đó, hơn lúc nào hết, các ngành khoa học và công nghệ hiện đại cùng với bộ máy quản lý nhà nước cần có những hiểu biết thật sự chính xác, tìm ra những biện pháp xử lý và những phương tiện vật chất đủ khả năng ngăn chặn một cách hiệu quả những tác động có hại, những ảnh hưởng xấu đối với các cấu trúc sinh học vốn rất bền vững, nhưng cũng cực kỳ tinh vi, nhạy cảm của con người, làm sao để con người kịp thời có những thay đổi trong lối sống vừa thuận theo thiên nhiên, vừa chủ động góp phần làm tăng dần từng bước khả năng thích nghi của mình. Bởi vì, như các khoa học sinh học nói chung và ngành di truyền học hiện đại nói riêng đã chứng minh rằng, các đặc tính, những khả năng và phẩm chất của một cá nhân con người không chỉ phụ thuộc vào cấu trúc di truyền được bố mẹ trao truyền lại, mà còn phụ thuộc và chịu những sự tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ khác nhau của cả môi trường xã hội cũng như môi trường vật lý mà trong đó con người đã được sinh ra, tồn tại và phát triển; nghĩa là sự tồn tại và phát triển của con người vừa không cưỡng lại được các quy luật sinh học, các quy luật tự nhiên, vừa bị các yếu tố khác nhau trong môi trường xã hội chi phối. Bởi vậy, ngày nay, con người vừa là đối tượng trực tiếp của khoa học tự nhiên, vừa là đối tượng của liên ngành các khoa học xã hội. Một phức hợp các khoa học nghiên cứu con người cả từ góc độ tự nhiên lẫn góc độ xã hội thực sự đã hình thành và tiên đoán của C. Mác về thời đại mà “khoa học tự nhiên bao hàm trong nó khoa học về con người cũng như khoa học về con người bao hàm trong nó khoa học tự nhiên: đó sẽ là một khoa học”(11) đã trở thành hiện thực. Như vậy, khoa học nhất thiết phải xem xét sự phát triển con người từ góc độ thống nhất giữa mặt tự nhiên và mặt xã hội, tránh sự tuyệt đối hóa một trong hai mặt đó. 

Thực tế lịch sử và đòi hỏi ngày càng cao của thời đại đặt ra cho chúng ta hôm nay nhiệm vụ vừa phải chăm lo phát triển mặt thể chất cho con người, nhất là cho thế hệ trẻ, vừa phải chăm lo phát triển giáo dục. Một xã hội phát triển vì con người phải bảo đảm các điều kiện tốt nhất để con người phát triển toàn diện cả thể chất và tinh thần./.

GS, TS NGUYỄN TRỌNG CHUẨN

Phó Chủ tịch Hội Triết học Việt Nam

-------------------------

(1) A-ri-xtốt: Chính trị luận, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2013, tr. 47
(2) I. Can-tơ: Phê phán lý tính thuần túy, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2004, tr. 1176
(3), (4) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 42, tr. 135, 372
(5) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 29
(6) Xem: Nguyễn Trọng Chuẩn: Một số vấn đề về triết học - con người - xã hội, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002
(7) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 29
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 10, tr. 175
(9), (10) Giôn Đi-uy: Dân chủ và giáo dục - Một dẫn nhập vào triết lý giáo dục (Phạm Anh Tuấn dịch), Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2008, tr. 19, 20
(11) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 42, tr. 179

Theo Tạp chí Cộng sản điện tử

Tin cùng chuyên mục