Chủ trương lãnh đạo toàn diện, cụ thể
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. |
Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngay từ đầu mỗi nhiệm kỳ Đại hội XI, XII và XIII của Đảng, các Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương đều bàn và ban hành những nghị quyết, kết luận, quy định hết sức quan trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; lần sau sâu sắc, toàn diện và cụ thể, rõ ràng hơn so với lần trước.
Nếu như Hội nghị Trung ương 4 khóa XI mới chỉ tập trung bàn và ra Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng” thì đến Hội nghị Trung ương 4 khoá XII đã có sự bổ sung, đổi mới rất căn bản về phạm vi và nội dung, bao gồm toàn bộ các vấn đề “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05 “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Quy định số 08 “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”; Quy định số 47 “Về 19 điều đảng viên không được làm”. Đặc biệt là việc thành lập, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và đi vào hoạt động rất có hiệu quả của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tạo sự chuyển biến tích cực, rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Đến Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 4 khóa XIII, Trung ương đã bàn và quyết nghị về công tác xây dựng Đảng vừa cơ bản, lâu dài vừa tập trung trọng tâm, cấp bách và hợp lòng dân; với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, gắn chặt phòng với chủ động tiến công để xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Nội dung Kết luận 21-KL/TW Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã mở rộng phạm vi không chỉ xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả xây dựng hệ thống chính trị, bổ sung nhấn mạnh thêm 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp là “Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm”.
Để chống chủ nghĩa cá nhân, xây dựng Đảng thực sự trong sạch vững mạnh, cùng với Kết luận 21-KL/TW Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII, Trung ương đã ban hành Quy định 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm - một căn cứ, cơ sở quan trọng để xem xét, xử lý các vi phạm của cán bộ, đảng viên và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đảng mạnh lên khi biết tự sửa chữa sai lầm
Cũng từng có ý kiến, nếu chúng ta xử lý hết cán bộ vi phạm thì lấy đâu ra người làm việc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kiên quyết: “Ai xứng đáng thì làm, không thì thôi. Không sợ thiếu cán bộ”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Bất cứ trường hợp nào vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm minh, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố niềm tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân”. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng quyết liệt, chặt chẽ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. “Muốn cây xanh tốt, thì phải chăm tưới tắm, loại trừ “sâu bệnh”. Muốn Đảng vững mạnh thì phải xử lý, loại bỏ những cán bộ đảng viên suy thoái, biến chất. Có như thế Đảng mới được nhân dân yêu quý và tin tưởng.
Đảng đã nhìn nhận rõ và chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm: Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức chưa đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu, đặc biệt là sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói không đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tự phê bình và phê bình; công tác kiểm tra, giám sát của nhiều tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên còn hạn chế. Hệ thống chính trị ở nước ta chưa thực sự trong sạch, vững mạnh như mong muốn; không ít cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền, làm việc ở những ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực vẫn thiếu tu dưỡng và rèn luyện, vẫn sa vào chủ nghĩa cá nhân, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bị xử lý kỷ luật của Đảng và xử lý hình sự...
Trong lịch sử Đảng ta cũng cho thấy, một khi Đảng tự nhận ra sai lầm, khuyết điểm và tự nghiêm khắc, quyết tâm khắc phục, sửa chữa thì sức mạnh của Đảng càng được nâng lên; Nhân dân càng tin yêu và ủng hộ Đảng. Đó cũng chính là một bài học sâu sắc, một nhân tố quan trọng bảo đảm cho sự vững mạnh của Đảng, bảo đảm sự ổn định chính trị và sự phát triển bền vững của đất nước.
Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người kế tục và thực hành xuất sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nhà lãnh đạo lỗi lạc, nhà lý luận uyên bác, tài ba của Đảng. Đồng chí để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong công tác tư tưởng, lý luận của Đảng với nhiều bài viết, bài phát biểu, các công trình nghiên cứu, kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, thể hiện tầm cao lý luận, tư duy chiến lược, tư tưởng lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu Đảng ta trên những vấn đề cốt lõi, hệ trọng nhất của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đổi mới.
Một trong số đó có thể kể đến bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2024). Bên cạnh mục đích, ý nghĩa của bài viết nhằm khơi dậy tinh thần tự hào, tin tưởng và quyết tâm cho cả dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng, bài viết cung cấp cho cán bộ, đảng viên nguồn lý luận phong phú để xây dựng các luận điểm, luận cứ để đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Có thể nói đây là một bài viết rất tâm huyết, sâu sắc, trí tuệ với tầm nhìn chiến lược, khoa học của Tổng Bí thư được toàn Đảng, toàn dân ủng hộ và được bạn bè quốc tế trân trọng, đánh giá cao. Toàn bộ đường lối chiến lược, sách lược của Đảng đã được thể hiện trong bài viết, có giá trị như kim chỉ nam trong quá trình phát triển tư duy và hoạt động thực tiễn của Đảng.
80 tuổi đời, 55 năm tuổi Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cống hiến trọn đời mình cho Đảng, cho đất nước, cho Nhân dân.
Tại Lễ trao tặng Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng vào tháng 2-2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có phát biểu tâm huyết: Tôi xin nguyện suốt đời phấn đấu, hy sinh, tuyệt đối trung thành với lý tưởng, sự nghiệp cách mạng của Đảng, ra sức tu dưỡng, rèn luyện; cố gắng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xứng đáng là một đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, như lời của một bài hát: “Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương; nếu là chim hãy là chim câu trắng; nếu là đá hãy là đá kim cương; nếu là người hãy là người cộng sản!”.
Với một Người Cộng sản chân chính Nguyễn Phú Trọng, không có niềm vui, hạnh phúc nào bằng: “Dân vẫn luôn tin yêu Đảng. Đó là niềm hạnh phúc lớn lắm!”.
Gửi phản hồi
In bài viết