Đồng chí Vũ Tuấn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Luật An ninh mạng ra đời và có hiệu lực từ đầu năm 2019 là cơ sở pháp lý để điều chỉnh hành vi của người dùng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực; nâng cao văn hóa của người dùng mạng xã hội; tạo ra môi trường Internet an toàn, lành mạnh, kiến tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển. Theo đó, người sử dụng mạng xã hội phải tuân thủ 4 quy tắc ứng xử chung: tôn trọng, tuân thủ pháp luật; lành mạnh; an toàn, bảo mật thông tin; trách nhiệm. Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, Bộ quy tắc ứng xử quy định: tổ chức, cá nhân phải chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo. Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, tung tin giả, tin sai sự thật... gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội...
Việc được học tập trên mạng cũng là một trong những lý do khiến giới trẻ yêu thích mạng xã hội.
Có thể nói, chưa bao giờ việc tiếp cận thông tin phục vụ công việc, học tập, kết nối, giải trí… lại đơn giản, dễ dàng như bây giờ. Chúng ta chỉ cần ngồi nhà mà vẫn cập nhật được mọi việc diễn ra trên thế giới, chỉ nhờ một cú click chuột. Điều đó có nghĩa, mọi thông tin, dù tích cực hay tiêu cực, đều có tác động mạnh mẽ đến người dùng. Bên cạnh những mục đích tốt đẹp, hữu ích như chia sẻ thông tin, bổ sung kiến thức, làm giàu kỹ năng sống; kết nối, giải trí... thì một bộ phận người trẻ hiện nay bị “nghiện” selfie sống ảo, đánh bóng bản thân, hâm mộ, cổ xúy cho những cư xử thiếu chuẩn mực, xúc phạm, tấn công nhau bằng những lời lẽ thô tục, nội dung nhảm nhí, hình ảnh phản cảm, thiếu văn hóa; sa đà vào những tin tức giật gân, gây sốc. Những hành vi tùy tiện, dễ dãi này lặp đi, lặp lại, nếu không có điểm dừng, sẽ trở thành hiện tượng thiếu thẩm mỹ trong đời sống người trẻ...
Để tối ưu hóa hiệu suất học tập, làm việc, tiết kiệm thời gian, không bị rơi vào “ma trận” của những thông tin thiếu thẩm định, tin giả, tin sai sự thật tràn lan trên mạng xã hội, đòi hỏi người dùng phải có được “bộ lọc” tốt. Với người trẻ, khả năng chọn lọc thông tin còn hạn chế, vì vậy luôn cần đến vai trò giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội.
Thầy Ma Văn Thuận, Phó Hiệu trưởng trường THPT Xuân Vân (Yên Sơn) cho biết nhà trường luôn chú trọng tuyên truyền về tính tích cực, những tiện ích trong việc sử dụng mạng xã hội thông qua hoạt động giáo dục của các tổ chuyên môn, Đoàn thanh niên, hội cha mẹ học sinh... nhằm định hướng, nâng cao nhận thức, kỹ năng cho học sinh trong sử dụng mạng xã hội. Chủ động trang bị cho học sinh kỹ năng truy cập, tìm kiếm thông tin, tài liệu liên quan đến học tập; kỹ năng lựa chọn; tương tác... tổ chức các buổi tuyên truyền, tìm hiểu các tình huống thực tiễn vi phạm pháp luật về an ninh mạng. Cùng với đó, giáo viên chủ nhiệm các lớp thường xuyên gần gũi, sâu sát học sinh, kịp thời phối hợp với gia đình hướng dẫn, giúp đỡ các em biết cách hạn chế những ảnh hưởng xấu, những tác động tiêu cực từ mạng xã hội. Đoàn thanh niên đã xây dựng được nhiều chương trình bổ ích, hấp dẫn, tổ chức các cuộc thi... thu hút đông đảo đoàn viên tham gia, đồng thời định hướng cho đoàn viên xây dựng kế hoạch hoạt động, học tập, vui chơi một cách khoa học, hợp lý...
Học sinh trường PTDT Nội trú ATK Sơn Dương khai thác mạng Internet phục vụ việc học tập hiệu quả.
Phát huy vai trò của Đoàn thanh niên trong việc xây dựng văn hóa ứng xử, phát triển nhân cách và lối sống tốt đẹp cho người trẻ, cô giáo Vũ Hương Giang, Bí thư Đoàn trường THPT Ỷ La (TP Tuyên Quang) cho rằng với nhịp sống hiện nay, thay vì cấm đoán, các bậc phụ huynh, gia đình, nhà trường và xã hội cần làm tốt công tác giáo dục, nâng cao nhận thức, hướng dẫn người trẻ sử dụng mạng xã hội đúng cách, an toàn, hiệu quả như: biết cách lựa chọn các trang thông tin chính thống, đáng tin cậy; biết làm chủ, điều tiết và kiểm soát được các hành vi của bản thân... Việc định hình “bộ lọc” cá nhân cho người trẻ sẽ góp phần tạo hệ miễn dịch số để người trẻ có thể nhận diện, sàng lọc và chắt lọc thông tin, tăng sức đề kháng và có cách phòng tránh trước những thông tin tiêu cực, xấu, độc trên các trang mạng xã hội...
Không ngừng làm giàu kỹ năng sống cho mình, em Hà Văn Hoàng, sinh viên Khoa Tâm lý giáo dục & Công tác xã hội K5, trường Đại học Tân Trào chia sẻ: bên cạnh những mặt tích cực thì hiện nay những thông tin giả, tin sai sự thật, những thông tin chưa được sàng lọc, kiểm chứng tràn lan trên không gian mạng, dễ tác động, làm lung lạc những người trẻ chưa có kinh nghiệm và lập trường vững chắc. Vì vậy, hơn lúc nào hết, người trẻ phải có ý thức trang bị cho mình một nhận thức đúng, một phông kiến thức căn bản tốt, không ngừng làm giàu kỹ năng sống cho mình đặc biệt là kỹ năng phân tích, lựa chọn, sàng lọc thông tin một cách chủ động.
Với phương châm “gạn đục, khơi trong”; “lấy xây để chống”, người trẻ cần nhìn thấy những rủi ro và nguy cơ từ mạng xã hội, để từ đó có trách nhiệm hơn trong việc tạo ra những ảnh hưởng tích cực, lối sống văn minh trên không gian mạng, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực, những ảnh hưởng xấu từ mặt trái của mạng xã hội đến bản thân và cộng đồng.
Gửi phản hồi
In bài viết