Người đưa thương hiệu về làng
Chúng tôi về xã Chi Thiết, đến gặp ông Nguyễn Xuân Hằng, Giám đốc HTX Nông - Lâm nghiệp, xã Chi Thiết (Sơn Dương) người đã đưa thương hiệu bưởi “Sáu ba” về làng. Trong căn nhà xây khang trang sạch đẹp, ông Hằng kể, quê gốc của ông huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Những năm 60 ông theo bố mẹ lên xã Chi Thiết, theo vùng kinh tế mới, an cư lập nghiệp tại đây.
Năm 1987, trong một lần về quê giỗ họ được tận mắt thấy những cây bưởi trĩu nặng, quả vàng óng, đẹp, múi có màu vàng, mọng nước, ăn giòn, có vị thanh mát. Đặc biệt lại ít sâu bệnh, không nhiều công chăm sóc. Ông đã xin 8 cây bưởi ở Thái Bình lên trồng, chỉ với ý định mang hương vị quê hương lên vùng đất mới phục vụ cho việc sinh hoạt của gia đình.
Sau đó, ông Hằng tỷ mỷ học hỏi cách chăm sóc và kỹ thuật phòng bệnh cho cây. Ông dồn hết tâm huyết vào giống bưởi này, vì ông hiểu thế nào là câu “chín tháng trồng cây, một ngày trông quả”. Cây không phụ công người trồng, bưởi mang từ quê lại rất thích hợp với thổ nhưỡng nơi đây, lớn rất nhanh, xanh tươi, xòe tán, ra hoa kết trái. Sau 3 năm trồng và chăm sóc, những cây bưởi bắt đầu ra quả, đến năm thứ năm thì 8 cây bưởi cho thu hoạch rộ, đạt từ 100 - 200 quả, được thương lái trả giá cao, người tiêu dùng khen ngợi về năng suất chất lượng tốt.
Ông Nguyễn Xuân Hằng, Giám đốc HTX Nông - Lâm nghiệp, xã Chi Thiết (Sơn Dương) bên cây bưởi cổ của gia đình.
Tiếng lành đồn xa, người dân trong xã thấy ông Hằng có giống bưởi quý đã đến xin giống về trồng, ban đầu chỉ có 1 - 2 hộ dần dần lên đến 63 hộ trong toàn xã và các xã bên. Với tiềm năng đó, ông Hằng suy nghĩ muốn phát triển được một vùng chuyên canh cho giống bưởi này, thì chính ông và Ban Chủ nhiệm HTX Nông - Lâm nghiệp xã Chi Thiết phải thành lập vùng chuyên canh cho giống bưởi này. Ông đã tuyên truyền vận động 63 hộ trồng bưởi trong xã tạo dựng thương hiệu, liên kết sản xuất cho quả bưởi này với tên gọi bưởi “Sáu ba” cho riêng HTX của mình.
Gia đình bà Nịnh Thị Hà là một trong 2 hộ đầu tiên trồng giống bưởi “Sáu ba” chia sẻ, thời gian trước, gia đình bà cùng một số hộ chủ yếu chỉ làm ruộng, nương. Năm 1990, được ông Hằng vận động, giúp đỡ từ đồng vốn, cây giống, chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình chăm sóc cây bưởi. Bà cùng các hộ đã chuyển sang trồng trên 1,5 ha bưởi “Sáu ba”. So với việc trồng ngô, làm nương rẫy thì chăm sóc cây bưởi đơn giản hơn rất nhiều, hiệu quả kinh tế cao hơn rõ rệt, mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng.
Điều đặc biệt cây bưởi “Sáu ba” có vỏ màu xanh hơi vàng khi còn non, đến khi chín, vỏ quả chuyển hẳn sang màu vàng, khi ăn có mùi thơm thanh mát, cuốn hút rất đặc trưng của quả. Theo quan niệm dân gian, quả bưởi tượng trưng cho tài lộc, thịnh vượng. Đây là đặc sản ăn Tết không thể thiếu trong mỗi gia đình người dân Chi Thiết.
Bưởi “Sáu ba” thường ra hoa vào đầu mùa xuân, đến cuối mùa thu. Những trái bưởi bắt đầu chín vàng rực báo hiệu quả đã đến độ chín, sẵn sàng cho thu hoạch. Quả bưởi trung bình nặng từ 1,5 - 2kg đã tạo nên một giống bưởi có chất lượng và hương thơm đặc trưng riêng so với vùng đất khác của tỉnh.
Đặc sản của Chi Thiết
Đồng chí Trần Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Chi Thiết cho biết, nhận thấy rõ tiềm năng, lợi thế từ việc phát triển cây bưởi “Sáu ba”, xã đã tích cực tuyên truyền vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng bưởi. Ban đầu chỉ manh nha một vài hộ gia đình, đến nay, toàn xã có 63 hộ tham gia với diện tích gần 14 ha trên 7 thôn, sản lượng đạt từ 4.000 - 5.000 quả/ha. Giá bán hiện tại ở vườn là 5 -12 nghìn đồng/quả. Nhiều hộ đã áp dụng quy trình Vietgap, đảm bảo tạo ra sản phẩm chất lượng bưởi ngon, an toàn cho người tiêu dùng. Tháng 12-2020, bưởi “Sáu ba” của HTX Nông - Lâm nghiệp Chi Thiết đã được UBND tỉnh xếp hàng sản phẩm OCOP 3 sao. Đây là điều kiện để quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả có múi của xã. Qua đó, mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế của xã ngày càng phát triển bền vững. Nhiều hộ gia đình ở xã không chỉ thoát nghèo, mà còn vươn lên làm giàu nhờ cây bưởi “Sáu ba”, như hộ gia đình anh Nguyễn Xuân Đấu, thôn Gốc Lát, trồng trên 1.000 cây; Riêu Xuân Thọ, thôn Chi Thiết, trồng 600 cây… Đến năm 2021, số hộ nghèo toàn xã giảm còn 50 hộ, chiếm 5,8%.
Người dân xã Chi Thiết (Sơn Dương) chăm sóc cây bưởi “Sáu ba”.
Cây bưởi mang về thu nhập tốt hơn cho nông dân nhưng đồng thời cũng đòi hỏi sự đầu tư công phu hơn, yêu cầu trình độ canh tác cao hơn so với một số cây trồng khác. Ông Phùng Văn Quý, thôn Phú Thị, thành viên của HTX Nông - Lâm nghiệp cho biết, để có được những mùa trái ngọt bội thu, ngoài sự “ưu ái” của đất trời là cả một quá trình nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của xã. Bên cạnh đó, HTX không ngừng mở rộng liên kết các thành viên trong HTX phát triển cây bưởi tại địa phương, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt cho các thành viên để chăm sóc cây, đạt được năng suất, chất lượng cao nhất, mang hương vị đặc trưng của miền đất Sơn Dương.
Những vườn bưởi trĩu quả trên mảnh đất Chi Thiết được các thương lái và khách hàng rất ưa chuộng. Chị Mai Thanh Tuyết, Đoan Hùng, Phú Thọ bày tỏ: “Nhà mình mỗi dịp cuối năm đều đặt trước nhà vườn quen bưởi “Sáu ba” vừa thắp hương vừa biếu họ hàng. Cây càng lâu năm thì quả rất đẹp với mùi hương thơm ngát, bày bàn thờ tổ tiên ấm lòng nơi cõi tâm linh, nhắc nhở mọi người luôn nhớ về quê hương, nguồn cội”.
Bên cạnh việc chú trọng hỗ trợ, mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, ông Nguyễn Xuân Hằng, Giám đốc HTX Nông -Lâm nghiệp, xã Chi Thiết (Sơn Dương) cho biết, trong thời gian tới, HTX sẽ phối hợp với UBND xã tham mưu cho UBND huyện tập trung đẩy mạnh công tác giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là thông qua việc xây dựng bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm. HTX còn muốn chế biến thành rượu bưởi, mứt bưởi, mở rộng diện tích trồng bưởi lên đến 20 ha, tạo cơ hội cho người dân nơi đây được phát triển làm giàu. Từ đó, khẳng định chất lượng sản phẩm, đưa sản phẩm bưởi của xã trở thành sản phẩm đặc trưng của huyện, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ và kích hoạt sản xuất phát triển.
Những trái bưởi “Sáu ba” Chi Thiết (Sơn Dương) được các chủ vườn tranh thủ hái để thương lái đưa hàng đi các tỉnh, thành. Nơi đây, người trồng bưởi thường đón Tết sớm nhất và cũng muộn nhất, kéo dài từ đầu tháng Chạp đến cận Tết, bởi mỗi năm chỉ có một vụ bưởi Tết, là mùa làm ăn cho cả năm. Chia tay bà con nông dân xã Chi Thiết, chúng tôi thầm chúc vụ bưởi Tết này thắng lớn, mang đến ấm no cho người dân.
Gửi phản hồi
In bài viết