Sau hơn 7 tháng phát động cuộc thi, ban tổ chức đã nhận được 191 tác phẩm dự thi của 165 tác giả. Trong đó, khoảng 60% tác phẩm có nội dung cung cấp thông tin tư liệu, tài liệu lịch sử khẳng định pháp lý, khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam nói chung cũng như chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
40% tác phẩm là cảm nhận về tình yêu đối với biển đảo Tổ quốc Việt Nam; ca ngợi sự cống hiến, hy sinh của người chiến sĩ hải quân, cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư; phản ánh về cuộc sống ngư dân và quá trình bám biển của ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc; tuyên truyền, kêu gọi về nâng cao nhận thức bảo vệ chủ quyền biển đảo trong các tầng lớp nhân dân.
Theo ban tổ chức cuộc thi, tác giả dự thi khá đa dạng, gồm các chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông, nhà nghiên cứu lịch sử; giáo viên, sinh viên; các văn nghệ sĩ; cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang; một số kiều bào đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài...
Đặc biệt, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã phát động phong trào tham gia viết bài dự thi đến cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển đang công tác tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển các vùng 1, 2, 3, 4. Trong 61 tác phẩm của 60 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển, một số tác phẩm có sự đầu tư công phu về tư liệu lịch sử, cung cấp kiến thức rất có giá trị...
Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người lao động cho biết, trong 44 tác phẩm vào vòng sơ tuyển và 20 tác phẩm vào vòng chung khảo, Hội đồng chấm giải đã làm việc nghiêm túc, công tâm, khách quan để chọn ra 5 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải, gồm 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba và 2 giải Khuyến khích. Trong đó, tác giả Phương Dung (Phóng viên Phát thanh Truyền hình Quân đội) đã giành giải Nhất với tác phẩm “Mộ Nước”.
Tại lễ trao giải, ban tổ chức cũng phát động cuộc thi viết lần 2 năm 2021-2022 với chủ đề "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" và cuộc thi ảnh "Thiêng liêng cờ Tổ quốc".
Gửi phản hồi
In bài viết