Việc nắm bắt được sự bùng nổ của ô tô điện đã giúp BYD
vươn lên tại Trung Quốc cũng như toàn cầu.
Trong suốt vài thập kỷ qua, nhà sản xuất Volkswagen từ Đức được xem như hãng xe "quốc dân", được yêu thích và sử dụng rộng rãi, giúp hãng xe này trở thành nhà sản xuất bán chạy nhất thị trường Trung Quốc suốt nhiều năm.
Tuy nhiên, những năm gần đây, do sự phát triển nhanh chóng của những nhà sản xuất ô tô nội địa Trung Quốc, những hãng xe nhập khẩu nước ngoài như Volkswagen (VW) tại thị trường tiêu thụ ô tô lớn nhất thế giới này đang dần bị mất đi thị phần vốn có, thu hẹp doanh số.
Tới nay, số liệu quý I-2023 của thị trường Trung Quốc ghi nhận, BYD đã bán được 440.000 xe, trong khi tổng doanh số của Volkswagen là 427.247 chiếc. Ngoài ra, hãng đã xuất khẩu hơn 110.000 xe tới châu Âu, Mỹ Latinh, Đông Nam Á trong cùng kỳ.
Thực tế này khiến Giám đốc điều hành Volkswagen Oliver Blume phải thẳng thắn thừa nhận rằng đối thủ BYD “rất, rất mạnh” khi phát biểu trong khuôn khổ Triển lãm ô tô Thượng Hải năm 2023. Về phần mình, Chủ tịch BYD Wang Chuanfu kỳ vọng có thể vượt qua Volkswagen vào cuối năm 2023.
Gian trưng bày của BYD tại Triển lãm ô tô Thượng Hải năm 2023 đang diễn ra.
Theo giới chuyên môn, nguyên nhân chính giúp BYD vượt mặt Volkswagen để trở thành "thế lực" hàng đầu tại nền kinh tế số 1 châu Á chính là trào lưu xe điện. Trong 3 tháng đầu năm, doanh số của Volkswagen tại Trung Quốc chỉ có khoảng 6% là xe điện. Trong khi đó, gần như toàn bộ xe của BYD tới tay khách hàng đều là xe điện (bao gồm cả xe điện chạy pin và xe hybrid sạc ngoài).
Thực tế, cứ 5 xe điện bán ra tại Trung Quốc lúc này, có 2 chiếc do BYD sản xuất, tương đương thị phần 38,8%. Trong khi đó, Tesla dù gây nhiều chú ý, chỉ mới chạm mốc 10,5% thị phần. Trên toàn cầu, BYD đã bán được 1,86 triệu xe ra thị trường trong năm 2022, nhiều hơn tổng doanh số bán hàng của hãng 4 năm trước đó cộng lại và đưa nhà sản xuất này trở thành hãng xe điện lớn mạnh thứ 2 thế giới, chỉ xếp sau Tesla của Mỹ.
Sự bùng nổ xe điện trong vài năm trở lại đây chủ yếu do chương trình trợ giá của chính phủ Trung Quốc, đặc biệt trong giai đoạn Covid-19 hoành hành. Ở Thượng Hải hiện nay, người dân có thể nhận ngay 10.000 nhân dân tệ (tương đương hơn 30 triệu đồng) khi mua ô tô điện thay thế cho ô tô sử dụng động cơ đốt trong. Tại một số địa phương, mức hỗ trợ có thể lên tới 60.000 tệ (tương đương hơn 200 triệu đồng).
Một số ước tính cho thấy, từ khi được áp dụng từ năm 2009 tới hết năm 2022, Trung Quốc đã rót hơn 200 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 29 tỷ USD) cho các nỗ lực trợ cấp và giảm thuế, giảm lệ phí… như vậy đối với xe điện.
Cùng với đó, Bắc Kinh cũng tạo nhiều thuận lợi về mặt chính sách cho các doanh nghiệp trong nước - trong đó có BYD - trong tiến trình phát triển hạ tầng và chuỗi cung ứng sản xuất xe điện, cũng như mở rộng mạng lưới dịch vụ, trạm sạc phục vụ người dân trong việc sở hữu ô tô chạy điện.
Kết quả là chỉ trong 2 năm 2021-2022, số lượng xe điện bán ra theo năm tại nước này đã tăng từ 1,3 triệu xe lên 6,8 triệu xe, một con số khổng lồ khiến năm 2022 trở thành năm thứ 8 liên tiếp Trung Quốc là thị trường xe điện lớn nhất thế giới.
Gửi phản hồi
In bài viết