Liên kết phát triển sản xuất
Làm thế nào để lựa chọn giống cây phù hợp, giá trị kinh tế cao, giúp bà con nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng hiệu quả vẫn luôn được Hội Nông dân các cấp trăn trở. Suốt một thời gian dài nghiên cứu thực tế, Hội Nông dân thị trấn Yên Sơn cùng Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và Dịch vụ huyện Yên Sơn đã quyết định đưa cây chanh leo về trồng thử nghiệm tại một số địa phương như thị trấn Yên Sơn, xã Kiến Thiết (Yên Sơn), Thái Hòa (Hàm Yên), Hà Lang (Chiêm Hóa). Tháng 8 - 2023, cây chanh leo bắt đầu bén rễ trên vùng đất mới và phát triển tốt, đến nay đang cho quả lứa đầu tiên với sản lượng khá tốt.
Cây chanh leo cho sản lượng tốt, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho bà con nông dân.
Theo chân Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và Dịch vụ huyện Yên Sơn Lệnh Văn Quán, chúng tôi ghé thăm vườn chanh leo đang được trồng thử nghiệm tại Thái Hòa (Hàm Yên) anh cười bảo: “Sản xuất hữu cơ đa tầng là đây chứ đâu!”. Giàn chanh leo đang vừa ra hoa, vừa cho sai trĩu quả trên giàn, tầng dưới những cây rau màu vẫn đang phát triển tươi tốt phủ một màu xanh tươi mát đầy sức sống.
Là một trong những hộ đầu tiên tham gia trồng chanh leo, ông Lâm Văn Giang, tổ dân phố Thắng Quân, thị trấn Yên Sơn tâm sự, chanh leo đã và đang là cây có giá trị cao của bà con vùng Tây Nguyên với năng suất 40 tấn/ha, cho thu nhập bình quân từ 250 - 300 triệu đồng/năm. Một số vùng ở Lai Châu, Sơn La, chanh leo cũng được ví như “trái vàng” bởi đầu ra ổn định, cho năng suất cao. Gắn bó với Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và Dịch vụ huyện Yên Sơn từ những ngày đầu khảo sát, ông nhận thấy cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Nhiều nơi cây mới chỉ được trồng với mục đích làm bóng mát cũng cho năng suất tốt nên quyết định đầu tư trồng thử nghiệm 100 gốc chanh leo ngay tại vườn gia đình. Đến nay cây sinh trưởng và phát triển tốt, sản lượng quả cho thu hoạch đợt đầu có thể đạt 1,5 - 2 tấn/năm, cho thu lãi trên 200 triệu đồng.
Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và Dịch vụ huyện Yên Sơn kiểm tra chất lượng quả chanh leo khi vào vụ thu hoạch.
Hướng đi mới trong phát triển sản xuất
Dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng quanh vườn chanh leo đang độ chín thơm ngát, quanh vườn là tiếng vo vo của đàn ong mật kéo về ngập tràn, anh Lê Hữu Phú, thôn Ninh Thái, xã Thái Hòa (Hàm Yên) cười bảo: "Lũ ong mật khôn lắm, cây có sạch thì chúng mới về". Hái một quả chanh leo đã chuyển sang màu tím, anh bảo cuối tháng 5, đầu tháng 6 quả chín bắt đầu rộ, khi ấy bước vào vườn sẽ thấy ngát hương thơm. Anh chia sẻ: “Cây chanh leo không kén đất mà chỉ cần đủ ẩm sẽ phát triển tốt. Với điều kiện khí hậu, địa hình tại Tuyên Quang, việc mở rộng diện tích theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng là điều không quá khó. Hy vọng rằng “vị ngọt” mà chanh leo mang lại sắp tới đây sẽ là động lực để bà con mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao thu nhập”.
Ban đầu, chỉ có 7 hộ trong Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và Dịch vụ huyện Yên Sơn tham gia trồng cây chanh leo, đến nay đã có trên 10 hộ giúp đỡ nhau phát triển, mở rộng vùng trồng với diện tích trên 5 ha. Theo anh Đỗ Văn Kiên, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Yên Sơn, qua quá trình đi thực tế tại các địa phương, Hội Nông dân thị trấn cùng Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và Dịch vụ huyện Yên Sơn đã nghiên cứu đưa cây chanh leo trồng thử nghiệm tại một số xã trên địa bàn tỉnh. Cùng với việc hỗ trợ cây giống, các chế phẩm sinh học phòng ngừa sâu bệnh hại, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và Dịch vụ huyện Yên Sơn cũng liên kết với Công ty cổ phần cung ứng Nông Nghiệp Sạch (Hà Nội) đảm bảo bao tiêu đầu ra sản phẩm. Nếu đảm bảo sản lượng cũng như chất lượng, quả chanh leo không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu ra nước ngoài.
Cây chanh leo được trồng thử nghiệm tại thị trấn Yên Sơn sinh trưởng và phát triển tốt, sản lượng quả năng suất cao.
Không giống như nhiều loại cây trồng khác mất nhiều thời gian chăm sóc, cây chanh leo được trồng theo hướng hữu cơ giúp bà con tiết kiệm chi phí đầu tư cũng như thời gian chăm bón. Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và Dịch vụ huyện Yên Sơn Lệnh Văn Quán bảo rằng, lâu nay người dân vẫn có thói quen canh tác dọn sạch sẽ cỏ vườn vì nghĩ rằng cỏ sẽ hút hết chất dinh dưỡng của cây. Thế nhưng hướng đến sản xuất chanh leo hữu cơ, hợp tác xã hướng dẫn bà con chăm sóc cây, phòng bệnh bằng các chế phẩm sinh học, đặc biệt là không sử dụng thuốc diệt cỏ, giữ lại cỏ vườn để giữ độ ẩm, chống xói mòn và tạo môi trường để các loại vi sinh vật có lợi phát triển, giúp đất thêm màu mỡ. Như vậy cây trồng sẽ sinh trưởng tốt, cho năng suất cao, bà con cũng tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí đầu tư chăm sóc.
Bén rẽ trên vùng đất mới, cây chanh leo đang mở ra niềm hy vọng cho người nông dân. Cùng với việc đảm bảo quy trình sản xuất, phòng chống sâu bệnh hại thì việc đẩy mạnh liên kết sản xuất, giữ đầu ra ổn định cho sản phẩm, từng bước hình thành vùng sản xuất nông sản theo hướng hàng hóa sẽ giúp cây chanh leo phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế tại địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết