Cảnh trong phim "Tro tàn rực rỡ". (Ảnh: Internet)
Do có chung một tính từ trong tên nên người xem không khỏi liên tưởng tới hành trình của “Đêm tối rực rỡ”. Cũng là một phim có chất lượng nổi bật của điện ảnh Việt thời gian gần đây nhưng mãi tới khi gần hết thời gian chiếu mới được khán giả quan tâm, kháo nhau đi xem.
Cả hai phim đều mượn một biểu tượng thị giác rực rỡ để đối lập với bối cảnh thực tại. Ở phim của Aaron Toronto, đó là chiếc bàn thờ rực sáng trong đêm của nhà có đám. Đó là chút thể diện cuối cùng mà các thành viên trong một gia đình đang tan rã có thể trưng ra cho thiên hạ. Bàn thờ như sự hiện diện của tổ tiên đang chứng giám những việc của người còn sống. Nó giống như nơi trú ngụ cuối cùng của lương tâm còn sót lại nơi người sống mà nếu mất đi nữa thì mất hết…
Còn các nhân vật ở xóm Thơm Rơm trong phim của Bùi Thạc Chuyên thì trông vào sự rực rỡ của những đám cháy nhà. Để cái ao đời (tưởng chừng) bình lặng của họ được khuấy động lên một chút. Đám cháy - một tai nạn tình cờ bỗng chốc trở thành cứu cánh. Và cuối cùng không còn gì để đốt, họ sẵn sàng lấy chính mình ra làm nguyên liệu…
Nếu “Đêm tối rực rỡ” phần nào khái quát được một số đặc tính cố kết của gia đình Việt, tính cách Việt thì “Tro tàn rực rỡ” lại đi vào những trường hợp cụ thể, có phần dị thường. Nổi lên tất nhiên là người dám đốt nhà mình: Tam. Trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư, Tam giống một kẻ nhát gan, bất đắc chí tình cờ phát hiện ra mình có thể làm được một việc để khẳng định quyền lực. Và dẫn đến thói nghiện thể hiện. Còn trong phim, hành động của Tam mang màu sắc bệnh lý đi kèm với các triệu chứng trầm cảm do sốc mất con. Nhưng ở cả truyện và phim, người vợ đều không đủ bản lĩnh để chống lại hoặc cứu vớt chồng. Và cuối cùng cả hai dù sống hay chết thì cũng đều bị chìm lấp trong “tro tàn rực rỡ”.
Không phải vô cớ mà hai truyện ngắn Tro tàn rực rỡ và Củi mục trôi về của Nguyễn Ngọc Tư được kết hợp để chuyển thành phim. Chủ đề toát lên từ hai tác phẩm này là tính nam độc hại vẫn đang gặm nhấm xã hội. Cả hai truyện đều khởi đầu bởi một vụ cưỡng hiếp. Và đều đi đến một kết cục giống nhau: nạn nhân không được đền bù hay xin lỗi và đều đi đến việc chấp nhận và rồi thật lòng yêu kẻ từng hãm hại, thậm chí định giết mình.
Diễn viên Phương Anh Đào dù diễn rất tốt nhưng hình như ngoại hình hơi mạnh mẽ so với nhân vật Nhàn quá sức cam chịu. Một số phân tích cứ đi theo hướng đấy là phụ nữ khi yêu. Nhưng thực ra đây cũng là một kiểu ve vuốt cho chủ nghĩa nam quyền lỗi thời. Những người phụ nữ trong phim đều chịu thương chịu khó, đều hoàn toàn có thể làm chủ đời mình (giống như nhân vật mẹ chồng của Hậu), chẳng có cớ gì mà họ cứ phải chịu đựng những ông chồng dở hâm dở khùng.
Hậu cũng cam chịu Dương- người từng hiếp cô trong cơn say. Giống như Dương chịu cưới cô khi cái thai trong bụng lớn lên đã là quá may mắn rồi. Những kẻ như Dương không hề được giáo dục phải biết hối cải. Chính Hậu mới bị bố đánh vì chửa hoang. Nhưng Hậu yêu Dương nên cô cứ kiên trì kéo chồng lại gần qua những câu chuyện liên miên độc thoại. Trong suốt phim, Dương không có một lời nào đáp lại vợ. Hắn cũng như Tam dù rất yêu chiều con gái nhưng lại con người sinh ra con mình như một thứ đồ thừa. Cho đến khi thứ đồ thừa đó chịu lên tiếng đòi vị trí, quyền lợi của mình.
Sau khi khiến cho khán giả bức bách suốt gần hai tiếng, “Tro tàn rực rỡ” cũng hé lộ một cái kết có tính xoay chuyển. Khi nhân vật không chịu lặp lại vết xe đổ của các thế hệ đi trước. “Đêm tối rực rỡ”còn kết thúc có hậu hẳn hoi (dù đạo diễn thừa nhận nó hơi cương) - khi bình minh lên, các thành viên trong gia đình đã biết nắm tay nhau để vượt qua thương đau. Những vết thương do chính họ gây ra cho nhau… Nhưng cũng không phải không có lý vì gia đình vẫn có vị trí đặc biệt quan trọng trong vận hành xã hội ở Việt Nam.
Và cũng hy vọng vào một cái kết có hậu nơi quầy vé cho “Tro tàn rực rỡ”. Một bộ phim hiếm hoi trong bối cảnh còn khá ảm đạm của phim Việt vẫn được làm với tâm huyết và sự nghiêm túc.
Gửi phản hồi
In bài viết