Cơ sở đào tạo nghề trọng điểm của tỉnh
Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang, tiền thân là trường Kỹ nghệ Tuyên Quang được thành lập năm 2003 theo Quyết định số 62/2003/QĐ-UB ngày 05/5/2003 của Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang. Đến năm 2007, trường đổi tên thành trường Trung cấp nghề Tuyên Quang, năm 2006 nhà trường được đầu tư xây dựng tại địa điểm mới thuộc xã Ỷ La (nay là phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang).
Với mục tiêu trở thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề kỹ thuật cao đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh và đất nước, năm 2010 nhà trường đã được nâng cấp lên thành trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên quang theo Quyết định số 596/QĐ-BLĐTBXH ngày 12/5/2010 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Từ khi thành lập đến nay, nhà trường luôn nhận được sự quan tâm từ các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương. Đến nay, nhà trường có cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị dạy nghề từng bước được đầu tư theo hướng công nghệ mới, đáp ứng công tác đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường lao động, doanh nghiệp. Đội ngũ cán bộ viên chức nhà trường có truyền thống đoàn kết, gắn bó, tâm huyết với sự nghiệp với trình độ chuyên môn ngày càng được nâng cao. Hiện nay, toàn trường có 148 cán bộ, giảng viên, nhân viên, trong đó trình độ thạc sỹ, đại học chiếm trên 95%.
Lãnh đạo trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang và lãnh đạo các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thăm xưởng thực hành của nhà trường.
Trong thời gian qua, trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề tại nhà trường. Cùng với việc đẩy mạnh việc liên kết trong đào tạo, chú trọng giáo dục học sinh, sinh viên cả về kiến thức và kỹ năng nghề, đào tạo lý thuyết gắn với thực hành, nhà trường còn thường xuyên phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp để tư vấn hướng nghiệp cho học viên, thực hiện đào tạo theo nhu cầu của xã hội, từng bước nâng cao tỷ lệ học viên ra trường có việc làm ngay.
Nhà trường đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đã đào tạo hàng chục vạn nhân lực từ công nhân kỹ thuật đến trình độ cao đẳng các ngành nghề Điện công nghiệp, Công nghệ thông tin, Công nghệ ô tô, Hàn, Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Kế toán doanh nghiệp, Chăn nuôi thú y, Vận hành máy thi công nền, Kỹ thuật xây dựng, Kinh doanh thương mại và dịch vụ, Quản lý và kinh doanh nông nghiệp... đang làm việc ở trong và ngoài nước. Kết quả của quá trình đào tạo theo hướng gắn kết với hoạt động thực tiễn của nhà trường đã đào tạo ra nhiều thế hệ sinh viên thành đạt, có nhiều đóng góp trong các lĩnh vực, ngành kinh tế trong tỉnh và trong nước. Theo thống kê, số học viên, sinh viên có việc làm trong vòng 6 tháng kể từ khi tốt nghiệp đạt trên 84% với mức thu nhập trung bình từ 6 đến 15 triệu đồng/tháng.
Đào tạo nghề Vận hành máy thi công nền cho học sinh Lào theo chương trình hợp tác của tỉnh với các địa phương của
nước bạn.
Anh Vũ Kiên Giang hiện đang làm việc tại Nhà máy thủy điện Sông Lô 8B (huyện Yên Sơn) cho biết, anh theo học ngành Điện Công nghiệp tại trường Cao đẳng Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang và sau khi ra trường, anh xin được việc làm ngay với mức thu nhập hơn 8 triệu đồng/tháng. Anh nhận thấy việc lựa chọn học nghề là rất cần thiết để mỗi người có việc làm ổn định và trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang chính là một địa chỉ tin cậy vì có môi trường học tập tốt, các thầy cô luôn quan tâm giúp học viên hoàn thành chương trình, vững tay nghề sau khi ra trường.
Đến nay, trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang đã trở thành địa chỉ đào tạo nghề có uy tín, trong nhiều năm luôn là trường dẫn đầu trong công tác đào tạo nghề của tỉnh và 6 tỉnh miền núi phía Bắc. Nhà trường đã áp dụng có hiệu quả mô hình học tập kết hợp với sản xuất, nhờ đó đã có những đóng góp nhất định cho việc ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các tỉnh miền núi phía Bắc.
Tiếp tục hành trình phát triển
Với nhiều đóng góp trong công tác, trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang đã được các cấp các ngành ghi nhận, khen thưởng như: Chính phủ tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua (năm 2011), Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2013). Nhiều năm liền, nhà trường được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen, nhiều nhà giáo, học viên, sinh viên đạt giải cao tại các cuộc thi, hội thi tay nghề, thi ý tưởng sáng tạo cấp toàn quốc...
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và phát triển, trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang cũng gặp phải không ít khó khăn, thách thức. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế cũng như nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, nhà trường đã đề ra nhiều giải pháp. Đồng chí Nguyễn Thanh Hà, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - công nghệ Tuyên Quang cho biết, hiện nay nhà trường đang triển khai các giải pháp toàn diện.
Đào tạo nghề Điện Công nghiệp tại trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang.
Trọng tâm là tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án “Xây dựng trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang thành cơ sở đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao của tỉnh” theo Quyết định số 640/QĐ-UBND ngày 22/10/2021 của UBND tỉnh. Đồng thời, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên phù hợp với vị trí việc làm đáp ứng yêu cầu từng ngành nghề đào tạo; đa dạng hóa các hình thức truyền thông, tư vấn về giáo dục nghề nghiệp tại các trường THCS, THPT, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh; hợp tác với các doanh nghiệp trong tỉnh và khu vực để đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực theo yêu cầu của doanh nghiệp; cung ứng nguồn nhân lực; tổ chức đào tạo theo mô hình đào tạo kép, sản xuất kết hợp với đào tạo tại doanh nghiệp; đào tạo kết hợp sản xuất trong trường.
Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, hình thành các nhóm ngành nghề, lĩnh vực; tăng cường vận động, thu hút các nguồn vốn trong nước và nước ngoài cho đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; thường xuyên cập nhật công nghệ mới, có tham khảo chương trình đào tạo tương ứng của nước ngoài; xây dựng chương trình liên thông giữa các cấp trình độ đào tạo trong cùng ngành, nghề hoặc với các ngành, nghề khác hoặc liên thông lên trình độ cao hơn trong hệ thống giáo dục quốc dân... Nhà trường phấn đấu trở thành nơi đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có tay nghề chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội.
Gửi phản hồi
In bài viết