Tự hào Thủ đô Kháng chiến

- Tuyên Quang không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ mà còn là nơi ghi dấu những trang sử vàng chói lọi của dân tộc. Từ những cuộc chiến chống ngoại xâm thuở sơ khai đến cao trào Cách mạng Tháng Tám và cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, Tuyên Quang luôn khẳng định vị thế là một trung tâm cách mạng, một “Thủ đô Kháng chiến” đầy tự hào.

Vị trí đặc biệt trong thế trận bảo vệ đất nước

Theo PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ, nguyên Phó Viện trưởng Viện Sử học, Phụ trách Viện Sử học: Trong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc từ buổi bình minh của lịch sử, Tuyên Quang luôn được coi là bức bình phong, là “phên giậu” che chắn cho miền châu thổ. Tuyên Quang là nơi chứng kiến tinh thần quật cường của người Việt trong cuộc đấu tranh chống lại ách đô hộ của phong kiến phương Bắc. Vùng đất này, với địa hình hiểm trở, núi non trùng điệp, đã trở thành một trong những căn cứ địa quan trọng, nơi các cuộc khởi nghĩa nổ ra mạnh mẽ, góp phần vào công cuộc giữ gìn bờ cõi và bản sắc văn hóa dân tộc. Trong các triều đại phong kiến, Tuyên Quang là vùng “biên viễn” trọng yếu, nơi các vua chúa áp dụng chính sách “nhu viễn” để ràng buộc các thổ tù địa phương.

Du khách tham quan Cụm di tích an toàn khu Kim Quan, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan khác của Đảng, Văn phòng Chính phủ ở và làm việc.

Bước sang thế kỷ XX, Tuyên Quang tiếp tục giữ vai trò là căn cứ địa quan trọng trong phong trào cách mạng tiền khởi nghĩa. Năm 1937, tổ chức Đảng đầu tiên được thành lập ở đây. Đến cuối năm 1941, nhiều đơn vị Cứu quốc quân đã hình thành, phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là Trung đội Cứu quốc quân III - lực lượng vũ trang đầu tiên của tỉnh đã khẳng định vị trí chiến lược đặc biệt của Tuyên Quang trong cuộc đấu tranh giành độc lập.

Đặc biệt, Tuyên Quang trở thành một trong những cái nôi của phong trào cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tuyên Quang nhanh chóng trở thành một trong những trung tâm chỉ đạo cách mạng quan trọng là nơi tập trung các nhà lãnh đạo cách mạng tiêu biểu của đất nước, cũng là nơi diễn ra các sự kiện trọng đại góp phần làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa thành công trong cả nước, Tân Trào thực sự là Thủ đô của Khu Giải phóng là căn cứ trung tâm chỉ đạo cách mạng cả nước trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Thủ đô Kháng chiến

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Địa bàn chiến lược Tuyên Quang cũng như căn cứ địa Việt Bắc tiếp tục đảm đương sứ mệnh lịch sử của mình - là ATK, là Thủ đô Kháng chiến.

Không phải ngẫu nhiên mà Tuyên Quang được lịch sử lựa chọn làm Thủ đô Kháng chiến. Từ vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở cách mạng vững chắc, đến lòng dân một lòng theo Đảng, nơi đây hội đủ mọi yếu tố cần thiết để trở thành “cái nôi” của cuộc kháng chiến thần thánh. Lòng dân cách mạng hòa quyện trong thế hình sông núi hiểm trở, cơ động đã đưa Tuyên Quang trở thành một trong những vùng an toàn khu tuyệt đối tin cậy của cách mạng cả nước.

Tuyên Quang là nơi diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (năm 1951) - Đại hội đầu tiên được tổ chức trong nước, trong điều kiện kháng chiến gian khổ. Tại Đại hội này, Đảng ta công khai lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam, đưa ra nhiều quyết sách chiến lược, mở đường cho thắng lợi trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong suốt những năm tháng kháng chiến gian khổ, Tuyên Quang đã thực sự trở thành “Thủ đô Kháng chiến”. Nơi đây, tại những địa danh lịch sử như Tân Trào, Kim Bình, lán Hang Bác Hồ..., những quyết sách quan trọng của Đảng và Nhà nước đã được đưa ra, lãnh đạo toàn dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ và giành thắng lợi cuối cùng. Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh giản dị làm việc trong căn lán nhỏ, cùng các đồng chí lãnh đạo bàn bạc việc nước đã trở thành biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm và niềm tin sắt đá vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.

Theo Đại tá Hà Đình Khiêm, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Tồn tại và phát triển giữa vòng vây của kẻ thù, lại luôn bị kẻ thù tìm đủ mọi cách để tiến công, tiêu diệt, An toàn khu của Trung ương ở Tuyên Quang luôn được tổ chức bảo vệ chu đáo, nghiêm ngặt. Được sự giáo dục, tuyên truyền, nhắc nhở thường xuyên, đồng bào các dân tộc Tuyên Quang coi việc phòng gian, giữ bí mật để bảo vệ cơ quan Trung ương là trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Công tác bảo vệ cơ quan đầu não của Trung ương ở Tuyên Quang không thể tách rời với nhiệm vụ tổ chức chiến đấu để đẩy lùi các cuộc tiến công quân sự của địch, mở rộng và củng cố khu căn cứ địa Việt Bắc. Điển hình là chiến dịch Việt Bắc - Thu đông 1947 làm phá sản hoàn toàn chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch, bảo vệ vững chắc căn cứ địa Việt Bắc - trung tâm đầu não kháng chiến, bảo tồn được chủ lực, đảm bảo an toàn cho các cơ quan Trung ương của Đảng và Chính phủ trong An toàn khu. Tuyên Quang không chỉ là nơi làm việc của các cơ quan lãnh đạo mà còn là hậu phương vững chắc, cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến. Người dân Tuyên Quang đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, đóng góp mọi nguồn lực để phục vụ kháng chiến. Những đoàn dân công hỏa tuyến, những cánh đồng lúa, nương ngô trĩu hạt đã góp phần nuôi dưỡng và tiếp sức cho quân đội ta chiến đấu và chiến thắng.

Thủ đô Kháng chiến không chỉ là danh xưng lịch sử, mà còn là một thương hiệu tinh thần, một niềm tin được trao truyền qua nhiều thế hệ. Niềm tự hào ấy không chỉ tồn tại trong sử sách, trong những biểu tượng xưa cũ, mà hiện hữu trong từng bước chuyển mình của quê hương Tuyên Quang hôm nay.

Giữ gìn và phát huy giá trị Thủ đô Kháng chiến chính là giữ gìn khí phách Việt Nam, là bồi đắp ý chí độc lập - tự cường cho hiện tại và tương lai. Tuyên Quang mãi mãi là minh chứng sinh động cho chân lý: khi Nhân dân đứng dậy, không có thế lực nào có thể ngăn cản được dòng chảy của cách mạng.

Tự hào về quá khứ vẻ vang, tự hào về những đóng góp to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Tuyên Quang hôm nay đang nỗ lực xây dựng một tỉnh giàu đẹp, văn minh, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, xứng đáng với danh hiệu “Thủ đô Kháng chiến” đầy tự hào. Tuyên Quang sẽ mãi mãi là một địa chỉ đỏ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.     

Bài, ảnh: Thanh Phúc

Tin cùng chuyên mục