Tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng xây dựng niềm tin vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo

Đảng ta khẳng định, cùng với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của cách mạng Việt Nam. Tư tưởng của Người mang tính khoa học và cách mạng, đổi mới và phát triển, tiếp tục định hướng, soi sáng con đường cách mạng của dân tộc; là nền tảng để xây dựng niềm tin vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới - nền tảng để Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đổi mới là bản chất của cách mạng, của phát triển. Người chỉ rõ: “Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”(1); đồng thời, nhấn mạnh đó là cuộc chiến đấu chống lại những cái gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Triết lý đổi mới, chân lý đổi mới trong tư tưởng Hồ Chí Minh là ích nước, lợi dân: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm./ Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”(2).

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đổi mới không phải là xóa bỏ hoàn toàn cái cũ, mà chỉ bỏ đi cái gì cũ mà xấu; cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý; cái gì cũ mà tốt thì phát triển thêm; cái gì mới mà hay thì phải kiên quyết làm. Người nhấn mạnh, sức mạnh của đổi mới chính là nhân dân và luôn căn dặn: “Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”(3); phải kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại theo tinh thần cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, Việt Nam sẵn sàng là bạn của các nước dân chủ.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tìm tòi, đổi mới phong cách làm việc, không cứng nhắc, bảo thủ mà rất linh hoạt, mềm dẻo khi xử lý, giải quyết từng vấn đề, sự việc cụ thể. Theo Người, đổi mới phải xuất phát từ thực tiễn, coi đó là xuất phát điểm của tư duy, hành động; là sự kiểm chứng chân lý khoa học. “Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc tranh đấu, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế. Đó là lý luận chân chính”(4). Do vậy, việc tìm tòi, sáng tạo cái mới phải luôn gắn với thực tiễn, chú trọng tổng kết thực tiễn, lấy hiệu quả thực tiễn làm thước đo tính đúng đắn của đổi mới.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng đổi mới là tư tưởng cách mạng, khoa học trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, kết hợp với tinh hoa văn hóa dân tộc, nhân loại, phản ánh và giải quyết nhu cầu khách quan của thực tiễn đất nước; tư tưởng đổi mới là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của dân tộc, Tổ quốc lên trên hết, trước hết, đổi mới vì một nước Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh; phong cách đổi mới là kiên định, sáng tạo, dân chủ, thực tiễn, hiệu quả, nói đi đôi với làm, làm thiết thực, mang lại kết quả thực tế cho nhân dân, cho đất nước. Đó chính là những giá trị bền vững của tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới và là nền tảng để Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm xưởng cơ khí Khu gang thép Thái Nguyên (năm 1964)_Nguồn: hochiminh.vn

Chủ tịch Hồ Chí Minh là trung tâm quy tụ ý chí, khát vọng, niềm tin vào sức mạnh của sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

Cuối thế kỷ XX, khi mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, nhiều nhà lãnh đạo ở các nước xã hội chủ nghĩa bị công kích thì Chủ tịch Hồ Chí Minh lại được thế giới tôn vinh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Công cuộc cải tổ ở Liên Xô không thành công, trong khi đó công cuộc đổi mới ở Việt Nam lại đạt được thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Một trong những nguyên nhân mang tính quyết định là bởi, tư tưởng, nhân cách văn hóa, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta, luôn soi sáng, dẫn đường cho cách mạng Việt Nam tiến lên. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, trở ngại, dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, kiên quyết sửa chữa sai lầm, khuyết điểm; từ đó, đề ra được đường lối đổi mới kịp thời, đúng đắn, sáng suốt nhất.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đất nước thống nhất, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Từ thực tiễn cả nước tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội (1975 - 1986), kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã quyết tâm khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Song, đổi mới như thế nào, con đường, cách thức ra sao là những câu hỏi cấp thiết đặt ra trong thời điểm đó. Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986) nhấn mạnh: “Muốn đổi mới tư duy, Đảng ta phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”(5).

Đại hội VII của Đảng (tháng 6-1991) chỉ rõ, phải nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh(6) và khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991): “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”(7). Sự khẳng định đó cho thấy vai trò to lớn, giá trị lịch sử và ý nghĩa hết sức quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới; thể hiện bước phát triển mới trong tư duy, nhận thức và hoạt động thực tiễn theo nền tảng tư tưởng của Đảng; cùng với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là một bộ phận cơ bản cấu thành hệ tư tưởng, thế giới quan, phương pháp luận của Đảng Cộng sản Việt Nam thời kỳ đổi mới.

Đại hội IX của Đảng (tháng 4-2001) nêu định nghĩa về tư tưởng Hồ Chí Minh: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại... Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta”(8). Đặc biệt, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) được thông qua tại Đại hội XI của Đảng (tháng 1-2011) tiếp tục khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động... Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”(9). Đây là bước phát triển quan trọng trong nhận thức, trong tư duy lý luận của Đảng về tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới.

“Kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”(10), tại Đại hội XIII của Đảng (tháng 1-2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Cương lĩnh chính trị của Đảng tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, lý luận dẫn dắt dân tộc ta vững vàng tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; là nền tảng để Đảng ta hoàn thiện đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới”(11). Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, mặt tích cực là cơ bản, cũng còn không ít khuyết điểm, hạn chế mà chúng ta đang phải đối mặt trong quá trình phát triển đất nước. Trong khi đó, “Các thế lực thù địch chống phá ngày càng quyết liệt. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều thách thức”(12). Vì vậy, “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”(13).

Trong bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2024), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhấn mạnh: “Đảng ta kiên trì lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản. Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên; thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ”(14).

Thực tiễn đã minh chứng, tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là ngọn cờ dẫn dắt sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, mà còn có giá trị bền vững, lâu dài và tạo niềm tin lớn lao đối với sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nói cách khác, trong sự nghiệp đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhận thức đúng đắn, nhất quán, quán triệt, vận dụng sáng tạo và bảo vệ bản chất khoa học, cách mạng, nhân văn của tư tưởng Hồ Chí Minh trong lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đây chính là nhân tố quyết định, làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với công nhân đang thi công dự án mở rộng Nhà ga hành khách T2, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài (thành phố Hà Nội)_Ảnh: TTXVN

Tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam

Nhìn lại lịch sử, trước đổi mới (năm 1986), Việt Nam vốn là một nước có nền kinh tế nghèo nàn, chưa phát triển, lại bị chiến tranh tàn phá, để lại những hậu quả hết sức nặng nề. Sau chiến tranh, đất nước lại chịu sự bao vây, cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây trong gần 20 năm; tình hình khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, gây bất lợi cho Việt Nam. Lương thực, hàng hóa nhu yếu phẩm vô cùng thiếu thốn, đời sống nhân dân hết sức khó khăn, khoảng 3/4 dân số sống dưới mức nghèo. Trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới, do đó kinh tế bắt đầu phát triển và tăng trưởng liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt gần 40 năm qua với mức tăng trưởng trung bình gần 7% mỗi năm. “Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2023 đạt khoảng 430 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong ASEAN và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. GDP bình quân đầu người tăng 58 lần, lên mức khoảng 4.300 USD năm 2023; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008 và sẽ trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 (khoảng 7.500 USD)”(15).

Song song với phát triển kinh tế, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân cũng được quan tâm phát triển. Hiện nay, Việt Nam có gần 80% dân số sử dụng internet, là một trong những nước có tốc độ phát triển công nghệ tin học cao nhất thế giới. Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ. “Năm 2022, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,737, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có trình độ phát triển cao hơn. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2023 được các tổ chức xếp thứ 65/137 quốc gia được xếp hạng”(16).

Trong gần 40 năm đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu chọn lọc tinh hoa thế giới và tư tưởng tiến bộ của nhân loại, phát triển trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, hình thành nên một trường phái đối ngoại, ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”. Đó là vừa kiên định về nguyên tắc, vừa uyển chuyển về sách lược; mềm mại, khôn khéo, nhưng cũng rất kiên cường, đầy bản lĩnh, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân; đoàn kết, nhân ái, nhưng luôn luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Kết quả là, từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia(17), trong đó 7 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện. Việt Nam đã và đang thể hiện tốt vai trò là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế; có nhiều sáng kiến, đề xuất và chủ động, tích cực tham gia hiệu quả vào các hoạt động của ASEAN, Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế khác. Đặc biệt, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ.  Đây là những thành tựu đáng tự hào, là động lực và niềm tin để Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới; từng bước thực hiện khát vọng xây dựng nước Việt Nam hùng cường, đưa dân tộc Việt Nam tiến cùng nhịp bước với trào lưu tiến bộ trên thế giới và ý nguyện hòa bình, phát triển của nhân loại.

Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới và đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đây là minh chứng sinh động và thuyết phục nhất khẳng định giá trị vĩ đại, sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh, đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là linh hồn, ngọn cờ thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong suốt hơn nửa thế kỷ qua”(18) và “Thế giới còn đổi thay nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi”(19).

Diện mạo Thành phố Hồ Chí Minh sau gần 40 năm đổi mới_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Tiếp tục xây dựng niềm tin vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh

Trong những năm tới, tình hình thế giới, trong nước cùng với những thời cơ, thuận lợi cũng sẽ còn có nhiều khó khăn, thách thức lớn. Trên cơ sở nhận định, đánh giá đúng tình hình, Đại hội XIII của Đảng đề ra mục tiêu phát triển đất nước nhanh, bền vững, phấn đấu: “- Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp./ - Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao./ - Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”(20). Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đó, toàn Đảng, toàn dân ta cần tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, trên tinh thần vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, trên một số mặt chủ yếu:

Một là, kiên định, vững vàng và không ngừng sáng tạo trong xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, hướng tới mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc”. Muốn đổi mới thắng lợi, chúng ta phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; kiên định nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định đường lối đổi mới và những nguyên tắc xây dựng Đảng. Kiên định, nhưng không ngừng sáng tạo, tránh giáo điều, bảo thủ. Trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới phải thường xuyên tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn để nắm bắt, dự báo chính xác những xu hướng phát triển mới của tình hình thế giới, cập nhật tri thức, tiếp thụ tinh hoa văn hóa nhân loại, nhất là những thành tựu mới trong lĩnh vực khoa học - công nghệ; không ngừng hoàn thiện đường lối đổi mới, luôn có sự kế thừa, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới.

Hai là, quán triệt nguyên tắc đổi mới là lấy lợi ích tối cao của dân tộc, của nhân dân, hạnh phúc của con người làm mục tiêu; lấy mục tiêu độc lập dân tộc, chủ quyền, thống nhất và sự giàu mạnh của quốc gia làm mục đích trên hết, trước hết; lấy quyền làm chủ và lợi ích của nhân dân, sự phát triển toàn diện và hạnh phúc của con người Việt Nam làm đạo lý đổi mới. Nhân dân là chủ thể của đổi mới và là người thụ hưởng thành quả của đổi mới; con người là mục tiêu và động lực của sự nghiệp đổi mới. Đó chính là bản chất nhân văn của đổi mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh và cũng là giá trị bền vững và sức sống mãnh liệt của đổi mới.

Ba là, đổi mới cần dựa trên quy luật vận động khách quan của lịch sử, phù hợp với nhu cầu, khát vọng của nhân loại. Toàn cầu hóa và sự phát triển bùng nổ công nghệ thông tin, cùng hệ thống kết cấu hạ tầng toàn cầu, làm cho các quốc gia ngày càng xích lại gần nhau hơn; hợp tác và hội nhập quốc tế sâu rộng trở thành một xu thế lớn không thể đảo ngược. Tư tưởng và sự chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự gắn bó chặt chẽ cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, về việc tăng cường hợp tác quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trên cơ sở hòa bình, hữu nghị, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi,... vẫn còn nguyên giá trị. Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh để xác định, tranh thủ nguồn lực bên ngoài là rất quan trọng, nhưng phát huy nguồn lực nội sinh là yếu tố quyết định; ngoại lực phải kết hợp với nội lực để nhân lên sức mạnh tổng hợp quốc gia; hợp tác, hội nhập, nhưng phải giữ vững nguyên tắc độc lập, tự chủ, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, dựa vào sức mình là chính.

Bốn là, đổi mới là một quá trình cách mạng lâu dài, gian khổ, muốn giành thắng lợi, trước hết phải phát huy tinh thần gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là đổi mới phong cách tư duy, phong cách lãnh đạo, để phát huy  cao nhất sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về tư tưởng, đạo đức cách mạng, phong cách làm việc của người cách mạng. Người đã truyền lại cho chúng ta bài học lớn về phong cách tư duy, phong cách đổi mới; nhạy bén nắm bắt diễn biến lịch sử, chủ động tranh thủ thời cơ, giữ vững nguyên tắc và mạnh bạo sáng tạo, kịp thời đổi mới, gắn liền lý luận với hành động(21).

Thực tiễn công cuộc đổi mới đất nước trong gần 40 năm qua đã khẳng định giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh chính là nền tảng trong xây dựng niềm tin vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa phồn vinh, hùng cường và thịnh vượng./.

TS ĐẶNG KIM OANH

Tổng Biên tập Tạp chí Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

--------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 284
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 65
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 617
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 273
(5) Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 47, tr. 459
(6) Xem: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, 2007, t. 51, tr. 33
(7) Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, 2007, t. 51, tr. 147
(8) Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, t. 60, tr. 130
(9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 88
(10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 26
(11), (12), (13) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 25 - 26, 32, 33
(14) Nguyễn Phú Trọng: “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”, Tạp chí Cộng sản số 1.030 (1-2024), tr. 9##- 10
(15), (16) Nguyễn Phú Trọng: “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”, Tlđd, tr. 10, 11
(17) Bùi Thanh Sơn: “Ngoại giao Việt Nam năm 2023: Gặt hái những thành tựu mới mang ý nghĩa lịch sử”, Tạp chí Cộng sản, số 1.031 (2-2024), tr. 10
(18) Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Chủ biên): Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 99
(19) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Thế giới còn đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr. 3
(20) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 112
(21) Xem: Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh - Tinh hoa và khí phách của dân tộc, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 219

Theo Tạp chí Cộng sản điện tử

Tin cùng chuyên mục