Vật dụng cần thiết
Bên cạnh những đồ dùng cá nhân cơ bản, bạn nên chuẩn bị thêm một ít lương khô, gói năng lượng, điện giải, bình nước... với khối lượng đủ dùng trong vài ngày. Ngoài ra, bạn cũng cần mang theo những vật dụng cần thiết để dùng trong trường hợp khẩn cấp như dao đa năng, đèn pin, túi cứu thương, bật lửa, pháo sáng, còi và gương (để báo hiệu vị trí của bạn cho đội cứu hộ).
Giữ vững tâm lý
Khi phát hiện bị lạc đường, bạn phải thật bình tĩnh, giữ tâm lý ổn định. Điều này chi phối khá nhiều khả năng tư duy và kỹ năng sinh tồn của bạn. Hãy hít một hơi thật sâu, quan sát xung quanh và suy nghĩ xem cần làm gì trước. Sự bình tĩnh có thể giúp bạn nhớ lại được những dấu mốc và tìm được đường cũ.
Chọn điểm cao để quan sát
Hãy tìm một vị trí cao như trèo lên cây, vách đá... để tìm nơi có người sinh sống và nhờ họ trợ giúp. Nếu là ban đêm, bạn sẽ dễ dàng phát hiện ánh đèn hoặc ánh lửa từ xa để đến đó. Nếu không phát hiện dấu hiệu liên quan đến cuộc sống bình thường, bạn hãy lắng nghe và tìm tiếng nước chảy để xác định vị trí của một dòng sông, con suối... và đi xuôi về phía hạ lưu, chắc chắn bạn sẽ tới được khu vực có người dân sinh sống.
Di chuyển
Có một thực tế là người bị lạc trong rừng thường hay quay trở lại vị trí ban đầu sau một hồi lang thang tìm kiếm. Điều này sẽ khiến bạn nhanh bị kiệt sức và hoảng loạn. Vì thế, hãy quan sát hướng mặt trời, mặt trăng, vị trí ngọn núi... để xác định hướng di chuyển đúng. Nhưng cách tốt nhất là hãy ở yên một chỗ, tìm cách báo hiệu cho đội cứu hộ vị trí của bạn bằng cách đốt pháo sáng, nhóm lửa, dùng gương phản chiếu hay thổi còi báo hiệu...
Tìm nguồn nước
Trong lúc chờ đội cứu hộ, hãy chia nhỏ đồ ăn, nước uống để cầm cự cho tới khi có người đến. Cơ thể bạn có thể nhịn đói trong nhiều ngày, nhưng sẽ không thể chịu được cơn khát quá 2 - 3 ngày. Vì thế, hãy tìm đến các nguồn nước như sông, suối, ao, hồ, thậm chí là nước từ khe núi, lá cây... để cung cấp nước cho cơ thể, tránh tình trạng bị suy kiệt vì khát.
Gửi phản hồi
In bài viết