Người phụ nữ Tày têm trầu.
Từ xa xưa, cũng như đồng bào Kinh, các bà, các mẹ người đồng bào dân tộc thiểu số cũng thường ăn trầu và dạy lại cho các con, các cháu cách têm trầu. Một miếng trầu đầy đủ gồm có lá trầu không, cau, vỏ cây, vôi tôi. Tuy nhiên, ở từng nơi, các thành phần có thể thay đổi, hoặc lược bỏ cho phù hợp. Bà Ma Thị Bấm, dân tộc Tày, thôn Tống Pu, xã Bình An (Lâm Bình) chia sẻ, dân tộc Tày ở địa phương bà ăn trầu thường không có cau, chỉ có lá trầu, vỏ cây, vôi tôi. Bởi vì không quen vị và khi ăn dễ bị say. Đặc biệt, vỏ cây để ăn trầu cũng không dùng vỏ cây chay như người Kinh, mà dùng vỏ cây khoai trong rừng. Vỏ cây được người dân lấy về, dùng chày đập nát, rồi phơi khô để ăn dần. Vỏ cây khoai có vị đăng đắng, nhưng ăn thơm, khi quyện với lá trầu và vôi lại có vị rất thanh.
Tục ăn trầu có từ xa xưa, vì vậy bộ dụng cụ để ăn trầu như: cơi đựng trầu, bình vôi, cối giã trầu… cũng được làm từ nhiều chất liệu khác nhau. Có thể bằng đồng, gốm hay bằng bạc và một số chất liệu khác, tuỳ vào việc lựa chọn của người sử dụng. Việc đầu tư đồng bộ các dụng cụ để ăn trầu cho thấy đây không chỉ là một phong tục phản ánh đời sống sinh hoạt của đồng bào, mà còn trở thành nét văn hoá đặc sắc.
Miếng trầu không thể thiếu trong các ngày lễ quan trọng, nó tượng trưng cho tình yêu đôi lứa khi trở thành lễ vật để nhà trai mang sang nhà gái trong lễ ăn hỏi, lễ cưới; hay chính là sợi dây gắn kết cộng đồng để người thân, bạn bè ngồi cùng nhau mượn miếng trầu bắt đầu câu chuyện… Bà Vi Thị Sửu, 82 tuổi, dân tộc Cao Lan, thôn 15, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) cho biết, trong lễ ăn hỏi, lễ dẫn cưới của chàng trai, cô gái Cao Lan không thể thiếu cơi trầu, để chúc cho đôi trẻ luôn gắn bó, yêu thương, chung thuỷ với nhau. Bên cạnh đó, trong các ngày lễ, Tết, miếng trầu cũng được dùng để mời khách, thể hiện sự trân trọng, gắn kết cộng đồng. Hằng năm, xã tổ chức Lễ hội Đình Giếng Tanh tại thôn, trong phần lễ và phần hội không thể thiếu cơi trầu.
Ngày nay, người trẻ ít ăn trầu hơn, nhưng không vì thế mà cơi trầu, quả cau mất đi ý nghĩa tốt đẹp vốn có. Dù có cách sử dụng khác nhau, nhưng phong tục ăn trầu vẫn luôn được gìn giữ, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết