Vào ngày rằm, đồng bào Tày, Cao Lan đều làm bánh truyền thống dâng lên tổ tiên
Rằm tháng Bảy - lễ "Pây Tái" - là một trong hai cái Tết quan trọng nhất của người Tày, sau Tết Nguyên đán. Đây là dịp để con cháu báo hiếu với cha mẹ.
Anh Ma Văn Hiếu, dân tộc Tày, thôn Bản Nhuầy, xã Năng Khả (Na Hang) cho biết, đồng bào Tày rất coi trọng ngày Rằm tháng Bảy. Vào dịp này, con cháu dù ở đi làm ăn xa đều sắp xếp thời gian để về thăm bố, mẹ. Vợ chồng anh ra ở riêng nhưng đến ngày này đều về nhà bố mẹ hai bên nội ngoại. Rằm tháng Bảy này, vợ chồng chị đã chuẩn bị quà cho cha mẹ là một đôi vịt béo, một chục bánh gai. Ngoài ra vợ chồng chị cũng tự tay tay chuẩn bị những “bộ đồ giấy” được thiết kế đẹp mắt với nhiều màu sắc sặc sỡ để “gửi” cho ông bà tổ tiên.
Phụ nữ Dao đỏ thường mặc trang phục truyền thống đến nhà anh em, họ hàng ăn rằm.
Ngày Rằm tháng Bảy, người Tày còn có phong tục đến Tết thầy Tào. Thầy Tào là người được các gia đình có con ốm yếu, quấy khóc gửi thầy nhận làm con nuôi. Theo quan niệm của người Tày, với sức mạnh của thầy Tào, đứa trẻ sẽ được khỏe mạnh, tránh được mọi tai ương, dễ nuôi hơn… Vì thế, ngày Rằm tháng Bảy họ đều dành thời gian đến thăm thầy Tào, thể hiện tấm lòng biết ơn thầy Tào.
Với đồng bào Dao, thường lấy ngày 14 (âm lịch) là ngày chính Rằm. Tuy nhiên, bà con không ăn Rằm vào mỗi ngày 14, mà rải ra cả tháng. Vì thế, từ 1/7 (âm lịch), nhà nhà đều chuẩn bị gạo nếp ngon, lợn gà, rượu để chuẩn bị đón Rằm. Ông Trương Xuân Hào, thôn Cổ Yểng, xã Thanh Tương (Na Hang) cho biết, người Dao quan niệm ăn Rằm càng đông đủ con cháu, hàng xóm thì càng đông vui. Cỗ Rằm tháng Bảy được tổ chức theo từng gia đình. Nhà nào có điều kiện thì chuẩn bị 5 - 7 mâm cỗ để mời anh em, hàng xóm. Đặc biệt, khác với một số dân tộc khác, vào ngày này hầu hết các gia đình đều mời thầy đến làm lễ cúng. Các bài cúng gọn nhẹ, thể hiện lòng biết ơn tổ tiên, xua đuổi tà ma và những điều xui xẻo, cầu cho gia chủ mạnh khỏe, may mắn. Đối với người Dao, Tết Rằm tháng Bảy cũng là thời điểm để phân phát, bố thí thức ăn cho các cô hồn không nơi nương tựa. Đây chính là một tục lệ không thể thiếu trong đời sống tín ngưỡng tâm linh của người Dao, thể hiện tấm lòng nhân ái đối với con người và chúng sinh.
Trong ngày rằm, đồng bào Mông thôn Khuổi Khít, xã Kiến Thiết (Yên Sơn) thường quây quần,
duy trì làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống.
Mỗi dân tộc có phong tục ăn rằm khác nhau, tuy nhiên hầu hết họ đều làm bánh trong ngày này. Trong đó, đồng bào Cao Lan thường làm bánh gai, bánh mật và làm bún ăn với thịt vịt hoặc thịt gà. Đồng bào Dao gói bánh chưng gù, bánh dày, bánh mật; đồng bào Mông giã bánh dày, mổ lợn, gà; đồng bào Tày, Nùng gói bánh gai, làm xôi đỏ đen... Vào ngày này, phụ nữ dân tộc thường mặc trang phục truyền thống, đoàn viên cùng người thân bên mâm cỗ. Bên chén rượu nồng, họ còn cùng nhau biểu diễn các làn điệu truyền thống của dân tộc mình như Páo Dung, Then, múa Khèn...
Hiện nay, phong tục đẹp trong ngày Rằm tháng Bảy vẫn được đồng bào dân tộc gìn giữ với những nét văn hóa đặc sắc, đậm tính nhân văn.
Gửi phản hồi
In bài viết