Trước ngày 18-1-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Đại hội trù bị của Đảng, yêu cầu các đại biểu cần nghiên cứu sâu sắc các văn kiện, thảo luận thật kỹ những vấn đề chính là đẩy mạnh cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và xây dựng Đảng Lao động Việt Nam.
Ngày 18-1-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự phiên họp trù bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. Sau khi nghe báo cáo của cac đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Người nói: Báo cáo cần tập trung phân tích sự cần thiết thống nhất Mặt trận Việt Minh và Mặt trận Liên Việt làm một.
Ngày 24-1-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Nha Bình dân học vụ, thông báo Nha được thưởng Huân chương Kháng chiến và khen ngợi thành tích xóa nạn mù chữ của Bình dân học vụ.
Trong tháng 1-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và hoàn thành Báo cáo chính trị trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng.
Đầu năm, Người viết bài Đẩy mạnh chiến tranh du kích, nêu nguyên tắc đánh giặc là: biết địch, biết ta, trăm trận trăm thắng.
Ngày 6-2-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 03/SL, bãi bỏ khoản quân lương tính bằng 10% thu hoạch.
Ngày 7-2-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ, nhận định tình hình thế giới về quân sự, ngoại giao; thông qua ba vấn đề: củng cố và xây dựng chính quyền cấp xã; đẩy mạnh phong trào thi đua; quy định về lề lối làm việc giữa Trung ương với các địa phương.
Nơi diễn ra Đại Hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa. Ảnh: Hoàng Thảo
Thôn Phú An, xã Vinh Quang (nay thuộc xã Kim Bình), huyện Chiêm Hóa (lần thứ nhất từ tháng 2 đến tháng 3-1951).
Ngày 9, và ngày 10-2-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Đại hội trù bị của Đảng. Người giải thích thắc mắc của một số đại biểu về Cương lĩnh của Đảng; vấn đề ba giai đoạn chiến lược; vấn đề đổi tên Đảng; Đảng của ai? Giai cấp nào lãnh đạo?
Ngày 11-2-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, buổi chiều, Người đọc Báo cáo chính trị.
Ngày 13, ngày 14-2-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa Hội nghị Trung ương mở rộng bàn về các vấn đề quân sự. Người phân tích sự phát triển nhanh chóng của bộ đội dẫn đến những khó khăn về hậu cần, nhưng đây là dấu hiệu của sự trưởng thành, hứa hẹn nhiều triển vọng tốt đẹp.
Sáng ngày 19-2-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự phiên họp bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. Buổi tối, Người dự cuộc họp của Ban Chấp hành Trung ương mới bàn về các vấn đề: sắp xếp bộ máy của Đảng, chuẩn bị Hội nghị Trung ương lần thứ nhất, triển khai kế hoạch Đảng ra hoạt động công khai và vấn đề thống nhất Mặt trận Việt Minh - Liên Việt.
Ngày 28-2-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 304, trên đường hành quân về xuôi.
Cuối tháng 2-1951, từ Tân Trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi Bắc Kạn để phổ biến các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng.
Ngày 1-3-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Trần Đăng Ninh thăm đơn vị công binh làm nhiệm vụ xây dựng căn cứ an toàn tại Khuôn Điển, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn.
Tổng Bí thư Trường Chinh phát biểu tại Đại hội toàn quốc thống nhất Mặt trận Việt Minh - Liên Việt, họp từ ngày 03 đến ngày 07 tháng 3 năm 1951 tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.
Ngày 3-3-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự buổi lễ ra mắt quốc dân của Đảng Lao động Việt Nam. Cùng ngày, Người dự Lễ khai mạc Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt. Ngày 11-3-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự Hội nghị liên minh nhân dân ba nước Việt Nam - Cao Miên - Lào và thành lập khối liên minh chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương.
Đồng chí Siêu Hiêng, đại biểu Ítxarắc (Miên), phát biểu tại Đại hội Liên minh nhân dân ba nước Việt Nam - Cao Miên - Lào ở xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, tháng 3 năm 1951.
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài Phong trào mua công trái, khen ngợi đồng bào Tuyên Quang hăng hái thi đua mua công trái, nêu rõ: “Mua công trái là một việc đã ích cho nước (giúp kháng chiến), lại lợi cho nhà (Chính phủ sẽ trả vốn và lãi)”.
Từ ngày 13-3 đến ngày 15-3-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam.
Hang Bòng, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (lần thứ nhất từ tháng 5-1951 đến tháng 12-1951).
Ngày 1-5-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 13/SL, bãi bỏ các thứ đóng góp về nông nghiệp, đặt chế độ thu thuế nông nghiệp bằng thóc tính theo hoa lợi.
Ngày 6-5-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 15/SL, thành lập và quy định nhiệm vụ cho tổ chức Ngân hàng Quốc gia Việt Nam; sắc lệnh số 16/SL bổ nhiệm ông Nguyễn Lương Bằng giữ chức vụ Tổng giám đốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trần Đăng Ninh, Nguyễn Lương Bằng (hàng ngồi, từ trái sang phải), Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt, Trường Chinh (hàng đứng, từ trái sang phải) tại chân đèo De xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (năm 1951).
Ngày 20-5-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài Tự phê bình. Người chỉ rõ: “Người có tự phê bình, mới tiến bộ”. Và khẳng định: Đảng cũng thế, “thật thà tự phê bình... làm cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc mau thành công”.
Ngày 26-5-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về công tác tài chính, thuế nông nghiệp, công thương nghiệp và phát hành tiền tệ.
Ngày 9-6-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 28/SL về bổ nhiệm các chức vụ thuộc Ngân hàng quốc gia Việt Nam.
Ngày 14 và ngày 15-7-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị mở rộng bàn về chính sách thuế nông nghiệp. Người nói: Vấn đề thuế nông nghiệp là vấn đề chính trị, vấn đề Đảng. Nhân việc thuế nông nghiệp cần chỉnh đốn Đảng, giáo dục cán bộ.
Ngày 15-7-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 40/SL, ban hành bản Điều lệ tạm thời thuế nông nghiệp.
Ngày 22-7-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 44/SL, bãi bỏ thuế môn bài, thuế lãi doanh nghiệp, thuế lợi tức tổng hợp và các thứ thuế gián thu hiện hành và đặt ra 2 thứ thuế: thuế nông nghiệp và thương nghiệp; thuế hàng hóa.
Ngày 26-7-1951, nhân ngày thương binh, liệt sĩ (27-7), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhờ cụ Bộ trưởng Bộ Thương binh, Cựu binh chuyển cho anh em thương binh kiểu mẫu mấy bộ quần áo mà đồng bào đã biếu Người. Người nhắc nhở chính quyền các cấp, các đoàn thể và đồng bào phải có những biện pháp lâu dài, thiết thực để đền đáp lại cho xứng đáng với sự hy sinh, mất mát của anh em thương binh; nhắc nhở anh em thương binh phát huy nhiệt tình cách mạng, tùy theo sức khỏe của mỗi người để tham gia những công việc thích hợp. Trong tháng 8-1951, Người gửi thư cảm ơn bà Phạm Thị Dược và ông Vũ Đình Dộc ở Tuyên Quang đã gửi tặng Người phiếu công trái trị giá bằng thóc để Người làm giải thưởng thi đua.
Từ ngày 27-9 đến ngay 5-10-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị Trung ương lần thứ hai (khóa II). Hội nghị nghe và thảo luận các báo cáo về tình hình thế giới; nhiệm vụ quân sự; công tác trong vùng địch và kinh tế - tài chính.
Khoảng trung tuần tháng 11-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi ngụy binh quay về với Tổ quốc. Bài đăng trên báo Nhân dân, số 32.
Ngày 21-11-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn y chủ trương của Bộ Tư lệnh đánh quân Pháp khi chúng tiến công ra Hòa Bình và chỉ thị: Chuẩn bị chu đáo và bí mật thì ta sẽ thắng.
Ngày 10-12-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa, khẳng định vai trò của văn hóa nghệ thuật nói chung và văn nghệ sĩ nói riêng đối với sự nghiệp cách mạng.
Trong những ngày ở Hang Bòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ tháng 6, tháng 7, tháng 9, tháng 11, tháng 12-1951 nghe báo cáo tình hình các mặt quân sự, nông nghiệp, thương nghiệp, tài chính, ngân hàng, giáo dục, y tế, ngoại giao 6 tháng đầu và phương hướng hoạt động 6 tháng cuối năm; về tình hình, việc thực hiện biên chế, các vấn đề nội chính, kinh tế, văn hóa - xã hội; nghe báo cáo về vay thóc vụ chiêm và các vấn đề về thuế; kiểm điểm công tác năm 1951, bàn kế hoạch năm 1952, nghe báo cáo tình hình quân sự từ sau cuộc hành quân của địch vào Hòa Bình và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Ngày 26-12-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu chuyến đi kiểm tra tuyến đườngsố 3, thăm cơ quan tiếp nhận biên giới và thăm Nam Ninh, Trung Quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh trao đổi về các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa.
Hang Bòng, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (lần thứ hai từ tháng 1 đến tháng 4-1952).
Ngày 27-1-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài đăng báo Nhân Dân, nhắc nhở đồng bào và chiến sĩ phải kiên quyết chống lại bệnh quan liêu, nạn tham ô, nạn lãng phí.
Ngày 15-2-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ, nghe báo cáo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về tình hình chiến sự ở Bắc Bộ, phê duyệt ngân sách năm 1952, thông qua đề án chỉnh đốn bộ máy chính quyền.
Từ ngày 22 đến ngày 28-4-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II). Người chỉ ra ba nhiệm vụ lớn là: Tiêu diệt sinh lực địch, đẩy mạnh chiến tranh du kích; bồi dưỡng lực lượng của nhân dân, của kháng chiến và bốn công tác chính, trong đó có công tác chấn chỉnh quân đội, chỉnh Đảng; về phá chính sách của địch: “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”.
Thôn Phú An, xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa (lần thứ hai, tháng 5-1952).
Ngày 1-5-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự và nói chuyện tại Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất. Người chỉ rõ: Thi đua là đoàn kết, là tinh thần quốc tế, góp sức giữ gìn hòa bình và dân chủ thế giới, là cải tạo con người.
Quang cảnh hội trường Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ I tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, tháng 5 năm 1952.
Hang Bòng, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (lần thứ ba, từ tháng 6 đến cuối năm 1952).
Ngày 14-6-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 96/SL, sửa đổi bản Điều lệ tạm thời thuế nông nghiệp, quy định những gia đình có thu nhập bình quân hằng năm dưới 71 kg thóc một người thì được miễn thuế. Những vùng bị thiên tai, địch họa thì tùy theo mức độ thiệt hại sẽ được giảm hoặc miễn thuế.
Ngày 25-6-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện tại Hội nghị cung cấp toàn quân lần thứ nhất. Người chỉ rõ: “phải làm thế nào một bát gạo, một đồng tiền, một viên đạn, một viên thuốc, một tấc vải, phải đi thẳng đến chiến sĩ”.
Ngày 13-7-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện tại Hội nghị chiến tranh du kích toàn quốc, nêu lên những kinh nghiệm quý báu của chiến tranh du kích.
Ngày 27-7-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho cụ Bộ trưởng Bộ Thương binh, Cựu binh nhờ chuyển một tháng lương, hai phiếu công trái quốc gia, mỗi phiếu trị giá một tấn thóc cùng lời thăm hỏi ân cần đến thương, bệnh binh.
Ngày 10-8-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 107/SL, tặng danh hiệu Anh hùng thi đua ái quốc cho bảy chiến sĩ thi đua.
Ngày 17-8-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ báo chí, văn nghệ và cán bộ các ngành về cách viết tại Trường chỉnh Đảng Trung ương.
Ngày 4-9-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trường Quân y sĩ (tiền thân của Học viện Quân y ngày nay) trong An toàn khu.
Ngày 9-9-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện tại Hội nghị cán bộ chuẩn bị chiến dịch Tây Bắc. Người chỉ rõ mục đích, ý nghĩa của chiến dịch là tiêu diệt sinh lực địch, tranh thủ nhân dân, giải phóng đất đai.
Ngày 15-9-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và nói chuyện với lớp chỉnh huấn khóa II do Trung ương triệu tập, nêu rõ mục đích, yêu cầu của việc chỉnh huấn.
Ngày 1-10-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố Tám điều mệnh lệnh của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 10-10-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 122/SL thành lập Nhà in quốc gia.
Trong tháng 10-1952, từ Tân Trào Chủ tịch Hồ Chí Minh đi dự Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô.
Ngày 12-12-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị để bàn việc sửa và làm rõ thêm một số điểm kỷ luật trong đợt cải cách ruộng đất.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp của Hội đồng Chính phủ tháng 7, tháng 8, tháng 10, tháng 12-1952; kiểm điểm công tác 6 tháng đầu năm, bàn về công tác 6 tháng cuối năm; về tình hình chiến sự trong nước, thảo luận và quyết định một số vấn đề: ban hành chế độ doanh nghiệp quốc gia, tạm cấp ruộng đất của thực dân Pháp và bọn Việt gian cho nông dân; thảo luận phương hướng công tác năm 1953, ngân sách năm 1953, thông qua quyết định đặt danh hiệu Gia đình vẻ vang và Bảng vàng danh dự tặng cho gia đình có con, em đi bộ đội; nghe báo cáo về những thắng lợi trong Chiến dịch Tây Bắc và đồng bằng Bắc Bộ; kiểm điểm công tác của Chính phủ năm 1952, thảo luận chương trình công tác của Chính phủ năm 1953.
Khuôn Điển, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn (từ tháng 1 đến tháng 8-1954)
Ngày 1-1-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị chỉ định cơ quan lãnh đạo, chỉ huy chiến dịch, triển khai kế hoạch điều động lực lượng lên Tây Bắc.
Ngày 14-3-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho cán bộ, chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ Người căn dặn: Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang. Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng những đơn vị và cá nhân xuất sắc nhất.
Ngày 15-3-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng gửi điện tới toàn thể cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ, khen ngợi quân đội ta đã chiến thắng hai trận đầu tiên ở Điện Biên Phủ và nhắc nhở: phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan khinh địch, giành toàn thắng cho chiến dịch này.
Ngày 8-5-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc đã chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên Phủ.
Trong tháng 5-1954, tại cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về chủ trương đàm phán ở Hội nghị Giơnevơ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Ta kháng chiến, ta đàm phán cũng đều nhằm một mục đích giành độc lập, thống nhất thật sự cho dân tộc.
Đầu tháng 7-1954, Chủ tịchHồ Chí Minh đi Liễu Châu hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai.
Thời gian ở Khuôn Điển, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ tháng 2, tháng 5, tháng 7-1954, kiểm điểm công tác năm 1953, đặt chương trình công tác năm 1954 và thông qua ngân sách năm 1954; bàn về tình hình sản xuất, nghe báo cáo về tình hình quân sự, về Hội nghị Giơnevơ, về cải cách ruộng đất và một số vấn đề khác.
Ngày 15-7-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị lần thứ sáu (mở rộng) Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Người đọc bản báo cáo: Tình hình và Nhiệm vụ mới. Người kết luận: Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc nhưng sách lược của ta thì linh hoạt.
Ngày 10-8-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài: Quê đâu cho bằng quê nhà, tố cáo thủ đoạn lừa bịp, dụ dỗ, ép buộc của thực dân Pháp và tay sai đối với một số đồng bào ở vùng do chúng kiểm soát di cư vào Nam. Khuyên những người đang bị chúng mê hoặc hãy tỉnh táo suy nghĩ để khỏi rơi vào cảnh không cửa không nhà.
Ngày 1-9-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào, quân đội, cán bộ toàn quốc và kiều bào ở nước ngoài nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Người nêu lên một số công tác cần kíp mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải tiến hành là củng cố các lực lượng vũ trang, tiếp tục tiến hành cải cách ruộng đất để thực hiện người cày có ruộng, củng cố chính quyền, ổn định kinh tế, xã hội ở những vùng mới giải phóng.
Ngày 2-9-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh vố 219-SL thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Huân chương Quân công hạng Nhì cho các Thiếu tướng: Văn Tiến Dũng, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Chánh và Sắc lệnh 220 B-SL thưởng Huân chương Độc lập và Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho sáu đơn vị ở Nam Bộ.
Ngày 5-9-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Phủ Chủ tịch ở Lập Binh rời sang Thái Nguyên trên đường về Thủ đô Hà Nội.
Theo Địa chí Tuyên Quang
Gửi phản hồi
In bài viết