Bài cuối: Xây dựng thế hệ trẻ Tuyên Quang giàu lý tưởng cách mạng
Bài 1: Chưa phát huy hết giá trị truyền thống
Tuyên Quang - "Thủ đô Khu giải phóng", "Thủ đô Kháng chiến", nơi Trung ương Đảng, Bác Hồ đã ở và làm việc, nơi ghi dấu những trang sử vàng của cách mạng Việt Nam. Với 658 di tích lịch sử - văn hóa, Tuyên Quang có tiềm năng to lớn để giáo dục truyền thống cách mạng. Vì vậy công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng là nhiệm vụ quan trọng để bồi đắp lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường cho người dân.
Nhiều giá trị lịch sử cách mạng vẫn còn ở dạng tiềm năng
Các giá trị văn hóa lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh là sản phẩm vật chất nhưng cũng luôn chứa đựng yếu tố phi vật thể, thể hiện tinh thần yêu nước, sức sáng tạo, đời sống tinh thần, tâm linh của thế hệ trước lưu truyền cho thế hệ sau. Vì vậy, bảo tồn, phát huy các các giá trị văn hóa lịch sử cách mạng gắn với giáo dục truyền thống cách mạng, yêu nước không chỉ nhằm giữ gìn sản phẩm vật chất mà còn góp phần làm cho di sản văn hóa phi vật thể phát huy giá trị tinh thần trong việc giáo dục, nuôi dưỡng, lưu truyền truyền thống cách mạng và bản sắc văn hóa dân tộc.
Thực tiễn cho thấy du lịch lịch sử cách mạng của tỉnh thời gian qua đã mang lại những kết quả nhất định: Góp phần quan trọng bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử cách mạng, trở thành cầu nối quan trọng kết nối các chương trình du lịch về nguồn của cả nước gắn với giáo dục truyền thống cách mạng, yêu nước; bảo tồn di tích lịch sử cách mạng với bảo vệ môi trường thiên nhiên.
Các em học sinh tham quan, nghe giới thiệu về di tích lịch sử cách mạng tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được về phát huy tiềm năng, thế mạnh các giá trị văn hóa lịch sử cách mạng để phát triển du lịch vẫn còn hạn chế, cả về liên kết giữa các tỉnh trong vùng, ngoại vùng và liên kết trong khu vực và quốc tế. Mặc dù tỉnh đã tích cực và chủ động tìm giải pháp để tổ chức, phối hợp thực hiện các ý tưởng về phát huy thế mạnh, tiềm năng nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, hiện nay các giá trị văn hóa lịch sử cách mạng vẫn chưa phát huy hết thế mạnh để phát triển du lịch đóng góp nguồn lực vào phát triển kinh tế như mong muốn.
Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào trải rộng trên địa bàn 11 xã, bao với 138 di tích, cụm di tích. Khu di tích là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan Trung ương ở và làm việc trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, gồm các di tích tiêu biểu như: Đình Hồng Thái, Cụm di tích Nà Nưa, Đình Tân Trào, cây đa Tân Trào… Tuy nhiên, việc khai thác các giá trị văn hóa lịch sử cách mạng ở đây vẫn chỉ dừng lại ở một số điểm di tích chính. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục lịch sử cách mạng ở đây vẫn còn khá đơn điệu, chủ yếu là nghe thuyết minh giới thiệu di tích. Chưa tạo dựng ở đây nhiều loại hình dịch vụ kèm theo...
Vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế
Trong “cơn lốc” của internet, nhiều người dân, đặc biệt là giới trẻ dễ bị cuốn trôi và quên đi những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Sự lo lắng ấy là có cơ sở bởi một bộ phận người dân thiếu nhận thức, bản lĩnh dễ dàng bị những thế lực xấu lợi dụng đi ngược lại truyền thống văn hóa dân tộc, bôi nhọ, xuyên tạc lại những giá trị truyền thống cách mạng. Lướt xem mạng xã hội, chúng ta nhận thấy nhiều người thường chỉ biết đến những thú vui giải trí thời thượng, những nghệ sĩ đình đám trong giới showbiz… hơn là ý thức về cộng đồng, dân tộc và lịch sử đất nước.
Anh Trịnh Văn Cường, Tổ 8, phường Hưng Thành - một phụ huynh học sinh chia sẻ lo ngại khi chính con mình không hiểu biết nhiều về giá trị truyền thống cách mạng của Tuyên Quang: Tôi thấy thành phố Tuyên Quang không cách xa Tân Trào bao nhiêu nhưng từ cấp 2 đến cấp 3 chưa bao giờ được nhà trường tổ chức cho các con đi để tìm hiểu các di tích cách mạng. Khi trao đổi với cô giáo chủ nhiệm thì lấy lý do khó quản lý học sinh, không có kinh phí... trong khi đó lớp vẫn có thể tổ chức cho học sinh đi dã ngoại ở khu du lịch sinh thái.
Tháng 11 vừa qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã thực hiện khảo sát tình hình thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU tại Đảng ủy Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Tuyên giáo các huyện, đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy và một số đảng bộ xã, phường; chi bộ, đảng bộ trường học. Qua khảo sát cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực thì công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế. Ở một số địa phương, đơn vị chưa được thực hiện thường xuyên, chủ yếu tập trung vào các đợt cao điểm, các ngày lễ lớn.
Hình thức, phương pháp tuyên truyền chưa phong phú; việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và phát động các phong trào thi đua, hưởng ứng các cuộc thi về tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, truyền thống cách mạng còn hạn chế. Các hoạt động thực tế, trải nghiệm sáng tạo, tham quan, học tập tại khu di tích lịch sử, bảo tàng chưa được quan tâm đúng mức. Chưa phát huy được giá trị của các ấn phẩm lịch sử đã xuất bản trong việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng tại các địa phương, đơn vị.
Nguyên nhân cũng đã được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ ra: cơ bản do một số cấp ủy chưa thường xuyên quan tâm chỉ đạo việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng. Một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, cách làm tốt chưa kịp thời.
Công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng là nhiệm vụ quan trọng để bồi đắp lòng tự hào dân tộc, củng cố ý chí tự lực, tự cường cho người dân Tuyên Quang. Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, vẫn cần những giải pháp đồng bộ, sáng tạo để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác này, đóng góp vào sự phát triển bền vững của tỉnh và cả nước.
Gửi phản hồi
In bài viết