Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp. Ảnh: Huy Hoàng
Bức tranh kinh tế quý I nhiều điểm sáng
Nội dung nhận được nhiều ý kiến thảo luận, đóng góp tại phiên họp là báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh quý I, phương hướng, nhiệm vụ quý II-2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, quý I-2024, trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn, dưới sự lãnh đạo kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều điểm sáng.
Các địa phương hoàn thành gieo cấy 18.439,6 ha lúa, đạt 101,9% kế hoạch; cây ngô lấy hạt đã trồng 8.262 ha, đạt 102,7% kế hoạch. Toàn tỉnh thu hút 917.500 nghìn lượt khách du lịch, đạt 33,4% kế hoạch, tăng 4% so với cùng kỳ; tổng thu từ khách du lịch đạt 1.080 tỷ đồng, đạt 30% kế hoạch, tăng 7% so với cùng kỳ.
Các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự phiên họp thường kỳ tháng 3. Ảnh: Huy Hoàng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 9.069,7 tỷ đồng, bằng 25,9% kế hoạch, tăng 8,4% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 33,8 triệu USD, bằng 19,9% kế hoạch, tăng 2,4% so với cùng kỳ.
Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 5.447,3 tỷ đồng đạt 23% kế hoạch năm, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2023. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đến ngày 15-3-2024 đạt 15,4% kế hoạch... An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Tại phiên họp, đại biểu các sở, ngành địa phương thảo luận, bàn giải pháp khắc phục một số hạn chế như: Việc thúc đẩy sản xuất - kinh doanh cho các doanh nghiệp còn hạn chế, nhiều dự án hiện nay đang gặp khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục về thỏa thuận giải phóng mặt bằng đất đai, xây dựng, quy hoạch xây dựng, môi trường, các thủ tục phòng cháy chữa cháy. Đặc biệt việc giao đất và cho thuê đất cho các dự án rất chậm, còn nhiều vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm, là điểm nghẽn trong việc thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh quý I năm 2024. Ảnh: Huy Hoàng
Việc triển khai thi công các dự án đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng điểm và 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến nay đã được một năm, tuy nhiên việc triển khai thành lập các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp rất chậm; việc lập quy hoạch vùng huyện, quy hoạch sử dụng đất hằng năm còn chậm.
Một số sản phẩm công nghiệp đạt thấp so với kế hoạch giao. Việc thực hiện pháp luật về lâm nghiệp ở một số nơi chưa nghiêm. Thực hiện các mô hình, dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế.
Việc hoàn thiện các tiêu chí và hồ sơ minh chứng các xã mục tiêu nông thôn mới năm 2022 và năm 2023 còn chậm. Doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, chưa đầu tư nhiều vào lĩnh vực sản xuất tạo ra giá trị gia tăng cao. Việc nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị cấp cơ sở chưa quyết liệt thực hiện ngay từ đầu năm...
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, trong quý I tỉnh đã nỗ lực điều hành và đạt được những kết quả hết sức quan trọng. Những hạn chế, khó khăn, vướng mắc được các sở, ngành chỉ ra qua thảo luận, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, hoàn thiện báo cáo theo hướng đánh giá chi tiết tiến độ thực hiện kế hoạch, kết quả đạt được, phân tích rõ hạn chế, nguyên nhân; nghiên cứu kịch bản tăng trưởng cho từng quý.
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thường kỳ. Ảnh: Huy Hoàng
Đồng thời đánh giá kỹ một số nội dung như tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, tiến độ dự án ngoài ngân sách... để từ đó xác định nhiệm vụ trọng tâm của quý II và của năm. Các lĩnh vực trọng tâm, nhiệm vụ trọng tâm phải được các sở, ngành, địa phương tập trung cao độ tháo gỡ khó khăn vướng mắc, làm động lực tăng trưởng.
Để hoàn thành mục tiêu quý II và cả năm, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm quy chế làm việc, bám sát chương trình công tác và công việc phát sinh để đảm bảo chất lượng, tiến độ, tuân thủ chặt chẽ kỷ luật kỷ cương hành chính.
Cùng với đó phải khắc phục tình trạng né tránh đùn đẩy trách nhiệm, không dám tham mưu giải quyết công việc theo đúng tinh thần của Thủ tướng Chính phủ: Chỉ bàn làm, không bàn lùi, không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm.
Chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho Lễ hội Thành Tuyên
Tại phiên họp, lãnh đạo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch trình bày Kế hoạch Tổ chức Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ hội Thành Tuyên 2024.
Theo dự thảo, Liên hoan được tổ chức theo quy mô quốc tế, Lễ hội Thành Tuyên được tổ chức theo quy mô cấp quốc gia với nhiều hoạt động hấp dẫn trong khuôn khổ chương trình. Thời gian dự kiến từ 31-8 đến ngày 15-9 tại TP Tuyên Quang và một số địa phương.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, năm 2023 Lễ hội Thành Tuyên và Liên hoan qua những miền di sản được Tuyên Quang tổ chức rất thành công. Năm nay, cần chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, để hoạt động này thành công hơn năm 2023.
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao Cờ thi đua cho các đơn vị. Ảnh: Huy Hoàng
Đối với Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cần làm việc kỹ với Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch về nguồn vốn, quy mô. Các hoạt động tổ chức Lễ hội Thành Tuyên, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cần làm việc cụ thể với các địa phương, đơn vị để việc tổ chức chu đáo hơn, nhất là việc mời các đại diện nước ngoài... Đống chí nhấn mạnh, để Lễ hội thành công, việc thiết kế mô hình, ý tưởng, tổ chức thực hiện phải được chuẩn bị chu đáo, từ sớm. Việc truyền hình trực tiếp chương trình phải được lên kế hoạch sớm, trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.
Đối với Tờ trình về việc phê duyệt chủ trương lập Đề án xây dựng Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào trở thành trung tâm giáo dục truyền thống cách mạng của cả nước gắn với phát triển du lịch, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch rà soát lại, bổ sung những nội dung liên quan đến hiệu quả của Đề án.
Khắc phục triệt để tồn tại về hoạt động bảo vệ môi trường do khai thác khoáng sản
Trong báo cáo Kết quả thực hiện Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2017 do Sở Tài nguyên và Môi trường trình bày, qua khắc phục, vẫn còn một số hạn chế như tình trạng nợ đọng thuế tiền cấp quyền, thuế tài nguyên do nhiều doanh nghiệp nợ đọng đã tạm dừng hoạt động; một số đơn vị đã được cấp quyền khai thác nhưng chưa tiến hành khai thác hoặc tạm dừng khai thác để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu...
Cho ý kiến vào nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn yêu cầu phải thực hiện nghiêm kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra, giao các sở, ngành liên quan rà soát lại các nội dung chưa hoàn thành, hoàn thành trong tháng 4-2024.
Tại phiên họp, các đại biểu nghe, cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng khác.
Trước đó, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trao Cờ thi đua của UBND tỉnh tặng các đơn vị thuộc các khối thi đua có thành tích xuất sắc trong phong trào Thi đua yêu nước.
Gửi phản hồi
In bài viết