Gia đình ông Trần Quang Minh, thôn Yên Thượng, xã Trung Yên có 1,6 ha keo 1 năm tuổi. Mới đây, khi đi thăm vườn keo ông phát hiện nhiều cây keo bị vàng lá, có cây bị héo toàn bộ lá, sau đó chết hàng loạt nhưng không rõ nguyên nhân nên ông đã báo cáo với chính quyền.
Ông Minh cho biết, trong hơn 1,6 ha keo của gia đình đã có khoảng 0,6 ha đã bị héo lá, thân khô, vỏ trong cây keo bị thối đen và chết. Sau khi được cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết cây keo chết là do bị nhiễm nấm bệnh, phải chặt bỏ các cây đã chết để đốt thì mới chặn được nguồn lây lan, nên mấy ngày hôm nay gia đình ông đang huy động người chặt toàn bộ số cây nhiễm bệnh, sau đó mới phun thuốc phòng trừ.
Gia đình ông Trần Quang Minh, thôn Yên Thượng, xã Trung Yên (Sơn Dương) chặt bỏ cây keo chết héo.
Gia đình ông Viên Văn Ánh, thôn Cả, xã Tân Trào cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Rừng keo rộng 1 ha của ông Ánh bắt đầu xuất hiện tình trạng chết cây cách đây hơn 1 tháng và đến nay diện tích đã lan rộng khoảng 0,5 ha. Ông Ánh cho biết, đầu tiên cây có biểu hiện là ở phần ngọn cây bị khô, lá vàng, sau khoảng vài tuần cây chết, lan rất nhanh, không thể cứu vãn. Những năm trước cũng có hiện tượng keo chết nhưng chỉ lác đác 1 vài cây, không đáng kể, không hiểu sao năm nay lại chết hàng loạt như vậy. Vì rừng keo mới chỉ được 1 năm tuổi nên ông Ánh cũng chỉ chặt bỏ để làm củi đốt chứ bán không được.
Đồng chí Ma Văn Tụ, Chủ tịch UBND xã Trung Yên cho biết, toàn xã có trên 600 ha rừng trồng, phần lớn là rừng trồng cây keo. Sau khi nhận phản ánh về tình trạng cây keo chết hàng loạt, chính quyền xã đã tiến hành kiểm tra và xác định, diện tích cây bị chết khoảng hơn 17 ha tập trung ở các thôn Yên Thượng, Quan Hạ, Trung Long, Hoàng Lâu. Ngay sau đó, địa phương báo cáo với các ngành chức năng liên quan. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến nhân dân về dấu hiệu bệnh, cách xử lý và biện pháp phòng bệnh chết héo cây keo.
Theo các hộ trồng keo, chưa bao giờ xảy ra tình trạng keo chết hàng loạt như hiện nay. Mặc dù người dân đã được chính quyền địa phương hướng dẫn phương pháp diệt trừ bệnh như phun thuốc, rắc vôi bột ở những gốc cây nhiễm bệnh để tránh lây lan, không cắt tỉa cành về mùa mưa... nhưng những phương pháp trên đều khó thực hiện vì keo trồng trên đồi với diện tích lớn. Tình trạng keo chết khô đã gây thiệt hại lớn cho bà con, bởi cây keo nhiễm bệnh phải chặt bỏ chứ không thể bán gỗ nguyên liệu do cây còn non, gỗ xốp.
Theo báo cáo từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sơn Dương, diện tích keo chết héo trên địa bàn huyện hiện nay là hơn 20 ha.
Biểu hiện nhiễm bệnh chết héo trên cây keo.
Ông Vũ Đình Tám, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sơn Dương cho biết, qua kiểm tra thực tế tại các hộ có keo chết, ngành chức năng tạm thời xác định cây keo chết héo là do nấm bệnh gây ra. Khi cây bị tổn thương ở bất kỳ bộ phận nào (rễ, thân, cành), khuẩn nấm xâm nhập và gây hại dẫn đến thối rễ, gỗ bị biến màu và cây không có khả năng phục hồi. Nấm bệnh có xu hướng lây lan mạnh trong điều kiện thời tiết mưa ẩm, hiện tại chưa có thuốc đặc trị loại nấm gây hại này. Để hạn chế thiệt hại và ngăn chặn nguồn lây lan bệnh chết héo cây keo, hiện nay huyện đang tích cực khuyến cáo người dân thực hiện ngay các biện pháp phòng trừ.
Theo đó, các tổ chức, cá nhân làm rừng khi phát hiện keo chết héo, không có khả năng phục hồi tiến hành chặt, chuyển toàn bộ cây và các bộ phận của cây bị bệnh ra khỏi rừng để tiêu hủy; rắc vôi bột vào quanh gốc cây bị bệnh đã tiêu hủy để ngăn chặn nguồn bệnh lây lan; phát dọn thực bì đảm bảo rừng thông thoáng; không tỉa cành vào mùa mưa hoặc khi thời tiết có độ ẩm cao; sử dụng dụng cụ cắt tỉa cành sắc gọn tránh gây sát thương cơ giới tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh xâm nhiễm, lây lan. Chăm sóc kịp thời, đúng kỹ thuật để cây khỏe, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh; bón bổ sung phân vi sinh tổng hợp, các chế phẩm sinh học. Luân canh cây trồng khác đối với những rừng đã trồng keo 2 - 3 chu kỳ...
Về lâu dài, người trồng rừng cần tuân thủ chặt chẽ kỹ thuật trồng rừng ngay từ khi xử lý thực bì, cuốc hố và trồng cây; trồng đúng khung thời vụ, bảo đảm mật độ. Thời kỳ đầu cây non, sức đề kháng kém, bà con phải thường xuyên thăm rừng, bón phân cân đối cho cây, phát sạch cỏ dại để rừng được thông thoáng; nên trồng hỗn giao theo lô, các lô cạnh nhau cần trồng giống cây hoặc loài cây khác nhau...
Gửi phản hồi
In bài viết