Lớp học vắng bóng học sinh tại trường tiểu học Neungsil (Suwon, Hàn Quốc).
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) khẳng định việc mở cửa trở lại các trường học không thể chờ tới khi toàn bộ học sinh và giáo viên được tiêm vắc xin hay số ca nhiễm Covid-19 giảm xuống con số 0.
Trong thông báo chung phát đi, Tổng Giám đốc UNICEF Henrietta Fore và Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay nhấn mạnh tới sự cần thiết của học tập trực tiếp, cho rằng trường học không phải yếu tố chính làm lây lan Covid-19, nhưng khuyến nghị mọi nỗ lực mở cửa trở lại các cơ sở giáo dục cần được tính toán dựa trên thực trạng y tế và nguy cơ rủi ro tại cộng đồng. Lãnh đạo các tổ chức này cũng cho biết đã ghi nhận hơn 156 triệu học sinh tiểu học và trung học cơ sở trên toàn cầu đang bỏ lỡ việc học tập vì dịch bệnh.
Cùng ngày, báo cáo thường niên về an ninh lương thực và dinh dưỡng của Liên hợp quốc (LHQ) cho thấy, mức độ đói nghèo và suy dinh dưỡng trên thế giới đã trở nên tồi tệ hơn trong năm 2020, với phần lớn mức tăng chủ yếu do đại dịch Covid-19 gây ra.
Cụ thể, số người thiếu ăn trên thế giới trong năm 2020 đã tăng 18% so với năm 2019 (thêm 118 triệu người) lên tới khoảng 768 triệu người. Đây là mức tăng mạnh nhất trong hàng thập kỷ qua. Trong đó, có 418 triệu người ở châu Á, 282 triệu người ở châu Phi và 60 triệu người ở Mỹ Latinh và vùng Caribe. Tại châu Phi, 21% người dân bị thiếu ăn, cao hơn gấp đôi so với bất kỳ khu vực nào khác.
Trong khi đó, số người không thể tiếp cận đầy đủ lương thực trong năm 2020 đã tăng 320 triệu người lên 2,37 tỷ người. Mức tăng trong năm 2020 này tương đương với mức tăng của 5 năm trước cộng lại.
Cũng theo báo cáo, suy giảm kinh tế do hậu quả của các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 gây ra trên toàn cầu đã góp phần làm gia tăng số người thiếu ăn trên thế giới trong năm 2020.
Châu Âu
Tại Hà Lan, Thủ tướng Mark Rutte xin lỗi vì đã nới lỏng các biện pháp phòng dịch quá sớm trong bối cảnh số ca nhiễm tại nước này tăng nhanh trở lại.
Tại Tây Ban Nha, chính quyền vùng Valencia đã phê duyệt việc phong tỏa hơn 30 thị trấn trong bối cảnh dịch bệnh có xu hướng lây lan nhanh chóng trong nhóm người trẻ tuổi chưa tiêm phòng vắc xin.
Hy Lạp và Pháp sẽ bắt buộc tất cả nhân viên y tế phải tiêm phòng vắc xin ngừa Covid-19. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran tuyên bố, Paris hướng tới hoàn tất kế hoạch này trước ngày 15-9, đồng thời khẳng định những cá nhân không chấp hành sẽ không được đi làm, bị từ chối trả lương.
Nhân viên y tế tại Pháp sẽ bị cấm làm việc hoặc từ chối trả lương nếu không tiêm phòng đầy đủ vắc xin Covid-19.
Châu Á - châu Đại dương
Hàn Quốc đã ghi nhận ngày thứ sáu liên tiếp số ca nhiễm mới ở mức trên 1.000, mặc dù số xét nghiệm vào cuối tuần ít hơn ngày thường. Chính phủ nước này đã áp đặt các quy định giãn cách xã hội mức cao nhất (cấp độ 4) để ngăn chặn làn sóng thứ tư dịch Covid-19 ở khu vực thủ đô Seoul, trong vòng 2 tuần.
Tại Nhật Bản, Tokyo bắt đầu áp dụng tình trạng khẩn cấp lần thứ tư, kéo dài đến hết ngày 22-8. Cùng với thủ đô, tình trạng khẩn cấp ở Okinawa, cũng như tình trạng gần như khẩn cấp ở Chiba, Saitama, Kanagawa và Osaka đồng loạt được kéo dài đến mốc trên.
Tại Đông Nam Á, tình hình dịch tiếp tục nóng lên. Indonesia ghi nhận thêm 40.427 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 2.567.630 ca kể từ khi đại dịch bùng phát hồi đầu tháng 3 năm ngoái. Đây cũng là lần đầu tiên số ca mắc Covid-19 ghi nhận theo ngày tại Indonesia vượt mức 40.000 ca, theo đó chính thức đẩy quốc gia Đông Nam Á này đối mặt với “kịch bản xấu nhất” theo đánh giá của chính phủ trước đó..
Cùng ngày, Lào cho biết số ca mắc Covid-19 ở nước này đã tăng ở mức 3 con số - 106 ca. Nguy cơ lây lan Covid-19 trong cộng đồng ở nước này rất lớn do số lao động Lào làm việc ở các nước láng giềng trở về nước tiếp tục tăng cao.
Tại Campuchia, tổng số bệnh nhân Covid-19 đã vượt ngưỡng 61.000 người sau khi ghi nhận thêm 911 ca mắc mới trong 24 giờ qua.
Về phần mình, Philippines ghi nhận thêm 5.204 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 1.478.061 ca.
Thái Lan đã áp đặt các biện pháp phòng dịch Covid-19 được cho là nghiêm ngặt nhất trong hơn một năm qua tại thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận. Nhà chức trách đã lập 145 chốt kiểm dịch tại 10 tỉnh có nguy cơ cao lây lan dịch Covid-19, trong đó riêng Bangkok có 88 chốt, nhằm hạn chế tối đa hoạt động di chuyển không thiết yếu của người dân. Người lao động được khuyến cáo làm việc tại nhà, trong khi hệ thống giao thông công cộng phải ngừng hoạt động từ 21h hằng ngày.
Riêng tại Bangkok, lệnh giới nghiêm được áp đặt từ 9h tối hôm trước đến 4h sáng hôm sau. Các quy định được siết chặt trong bối cảnh số ca mắc mới Covid-19 tại Thái Lan đang tăng vọt do biến thể Alpha và Delta.
Tại Trung Đông, Israel cho phép tiêm mũi vắc xin của Pfizer/BioNTech thứ ba cho tất cả các bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu. Những đối tượng đủ điều kiện tiêm ngay lập tức vắc xin mũi thứ ba bao gồm những người từng bị ghép tim, phổi, thận và một số bệnh nhân ung thư. Bộ Y tế Israel khẳng định, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy bệnh nhân bị ức chế miễn dịch không phát triển phản ứng miễn dịch đầy đủ sau hai liều vắc xin.
Cùng với nhiều nước Ả Rập khác, Saudi Arabia thông báo sẽ gửi gói cứu trợ tới Tunisia với 1 triệu liều vắc xin Covid-19 trong bối cảnh quốc gia Bắc Phi đối mặt nguy cơ khủng hoảng hệ thống y tế. Tunisia đã ghi nhận số ca nhiễm tiến sát mốc nửa triệu người.
Australia thông báo bang New South Wales (NSW) có thêm 112 ca lây nhiễm trong cộng đồng, số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất kể từ đầu năm đến nay, đánh dấu ngày thứ năm liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục. Nguyên nhân khiến các ca nhiễm mới tăng vọt tại NSW là do sự bùng phát của biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh tại Sydney bất chấp thành phố lớn nhất Australia này bước vào tuần thứ ba áp đặt lệnh phong tỏa.
Châu Mỹ
Tại Mỹ, hãng dược Johnson & Johnson cho biết đang thảo luận với Cơ quan Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) về một nguy cơ hiếm về rối loạn thần kinh, hội chứng Guillain-Barre, được ghi nhận sau khi tiêm vắc xin Janssen. Xứ Cờ hoa hiện vẫn là điểm nóng về dịch trên toàn cầu, với 34.753.255 ca nhiễm bệnh.
Châu Phi
Tại Nam Phi, Tổng thống Cyrill Pamaphosa bày tỏ lo ngại việc cướp bóc, nổi loạn và biểu tình xảy ra trong nhiều ngày tại quốc gia này đã phá hủy các nỗ lực tiêm phòng vắc xin Covid-19 ở nhiều khu vực. Trong 24 giờ qua, Nam Phi đã ghi nhận thêm 11.182 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 2.206.781 trường hợp.
Gửi phản hồi
In bài viết