Vài vấn đề về thành cổ ở thành phố Tuyên Quang: Bài 2: Mạc Hậu Hợp không thể xây thành Tuyên Quang trong một đêm được

- Một tài liệu ở Tuyên Quang viết, tương truyền năm 1592 trên đường rút chạy Mạc Hậu Hợp đã cho xây xong thành Nhà Mạc trong một đêm, điều đó có đúng hay không? 


Một góc Thành Tuyên. Ảnh: K.T

Chúng tôi khẳng định, tài liệu này không có cơ sở khoa học, các bộ sử Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt Thông sử, Khâm định Việt sử thông giám cương mục đã cho biết, thời Mạc Hậu Hợp có 40 trận đánh nhau ở các nơi, trong các lần đánh nhau, phần lớn quân Mạc thua trận, trong đó năm 1578 Nhà Mạc có cho Mạc Ngọc Liễn đánh lên Tuyên Quang nhưng đã bị Vũ Văn Kỷ của dòng họ Vũ đánh cho đại bại phải rút chạy.

Về ý kiến cho rằng nếu Mạc Hậu Hợp không xây thì con cháu ở Cao Bằng sau này tiến đánh kinh đô đã xây, xin được trao đổi lại là: Sau khi Mạc Hậu Hợp chết, nhà Mạc đã sụp đổ, hậu duệ nhà Mạc được sự bảo trợ của nhà Minh và sự đồng ý của nhà Lê - Trịnh chiếm giữ và tồn tại trên đất Cao Bằng thêm 85 năm nữa, nhưng dù nhiều lần đánh phá các nơi, có lần đánh về kinh thành, nhưng chưa bao giờ nhà Mạc đánh vào Tuyên Quang. Lịch sử chỉ ghi nhận, vào tháng 11/1600 khi Nhai quận, Cao quận của Nhà Mạc thời Mạc Kính Cung có đem quân chạy trốn cuộc phản công của quân Lê - Trịnh ở Kim Thành (Hải Dương), bị Vũ Đức Cung ở Đại Đồng giết chết. Do vậy, có thể khẳng định nhà Mạc không thể xây thành ở Tuyên Quang được. 

Vậy triều đại nào đã xây thành cổ Tuyên Quang? Các sách của nhà Nguyễn như Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam Dư địa chí ước biên… đều viết: thành Tuyên Quang nay được xây dưới triều nhà Nguyễn, bắt đầu từ vua Minh Mệnh chỉ đạo cho xây dựng. Nhưng phải đến đời vua Thiệu Trị năm thứ 4 (1844), thành mới được hoàn thành theo kiến trúc Vauban (Pháp), giống như thành Sơn Tây, Bắc Ninh, Nam Định.

Vauban là ai, tại sao nhà Nguyễn lại cho xây thành Tuyên Quang theo kiến trúc Vauban? Trong cuốn hồi ký “Xứ Đông Dương” của Toàn quyền Đông Dương (1897 - 1902) và Tổng thống Pháp (1931 - 1932)  do NXB Thế giới xuất bản năm 2019, trang 184 có ghi chú “Các pháo đài Vauban là 12 công trình phòng thủ do Nguyên soái Sesbastien le Prestre de Vauban, công trình sư lỗi lạc của Pháp thiết kế vào nửa cuối thế kỷ thứ 17, nằm dọc theo biên giới nước Pháp. Vua Gia Long và các vua Nguyễn sau này đã học tập cách xây thành Vauban kiểu mới này từ người Pháp”.

Theo Đại Nam thực lục và Đại Nam nhất thống chí đến đời vua Minh Mệnh (Nhà Nguyễn) trước khi xây thành, đây: ''là lũy đắp bằng đất, chỉ tùy theo thế núi lệch lạc và chật hẹp mà đắp quanh. Đến tháng 5 - 1832 Tổng đốc Lê Đại Cương xét xem địa thế, bàn với Thự Tuần phủ Nguyễn Hữu Khuê, tâu xin vua Minh Mệnh nhân cũ mà thêm rộng ra: 2 mặt trước và sau đều 55 trượng, 2 mặt tả hữu đều 65 trượng, đằng trước mặt và bên tả bên hữu có 3 cửa. Trước hết hãy đắp thành  đất, để đất rắn chắc, rồi sau mới xây đá ong. Ngọn núi đất ở trong thành sửa lại cho bằng phẳng, dời hành cung đến dựng ở đấy. Đằng trước xây kỳ đài và vọng lâu. Phía trước kỳ đài có hồ cũ, nay đào lại cho vuông. Bên tả về phía trước dựng dinh Tuần phủ, phía sau dựng 2 tòa kho tàng, bên hữu ở phía trước dựng dinh Án sát, phía sau dựng hai tòa khám đường và nhà ngục''.

Vua Minh Mệnh dụ rằng “Những điều nghĩ ấy đều đã phải rồi. Duy thành còn hơi hẹp, bốn mặt nên mở rộng thêm, đều đủ trên dưới 70 trượng. Nếu hình thế chỉ như vậy mới đẹp thì cũng chuẩn y lời, không cần phải gượng gạo cốt ở một chữ “phải” mà thôi”  (Trang 315 Đại Nam thực lục tập III  - NXB Giáo dục 2007).

Sách “Minh Mệnh chính yếu” (trang 1648 - NXB Thuận Hóa năm 2010) viết : “Thành ấy ở bờ đàng tây sông Tam Kỳ, trước kia đắp vòng lũy đất là theo địa thế của núi nên vừa lệch vừa hẹp, đến bây giờ quan Tổng đốc là Lê Đại Cương bàn với quan Thự phủ là Nguyễn Hữu Khuê, tâu xin theo chỗ cũ mà đắp rộng thêm ra, đàng trước, đàng sau đều dài 55 trượng, đàng tả đàng hữu đều dài 65 trượng mà xây bằng đá ong, lại di chuyển hành cung lên trên đỉnh núi đất và đàng trước dựng cột cờ”

Vẫn sách Đại Nam thực lục viết: Tháng 10-1844 “phái 2.000 biền binh ở tỉnh Sơn Tây đến ứng dịch, Lãnh binh Nguyễn Trọng Thao đôn đốc công việc. Giai cũng đi lại trông nom. Thành tỉnh Tuyên Quang nguyên đặt ở dưới chân núi đất, dưới có đá chằng chịt, thợ làm rất khó, trải 3 tháng thành mới xây xong. Quan quân làm việc đều được hưởng theo ưu hạng (đằng trước, đằng sau, bên tả, bên hữu thành đều dài 65 trượng, cao 7 thước, 2 tấc, xây bằng đá ong; đằng trước và hai bên tả hữu đều xây một cửa”  (trang 668 tập 6 Đại Nam thực lục NXB Giáo dục 2007).

Theo sách Đại Nam nhất thống chí, thì “chu vi thành Tuyên Quang 274 trượng, cao 7 thước 2 tấc, hào rộng 4 thước, sâu 5 thước, mở 3 cửa. Trong thành có một quả núi bằng đất, có hành cung dựng ở địa phận xã Ỷ La huyện Hàm Yên. Trấn sở đời Lê đóng ở đây, bản triều đầu đời Gia Long vẫn theo như thế. Năm Thiệu Trị thứ tư, xây bằng đá ong” (Đại Nam Nhất thống chí trang 399 tập 4 - NXB  Thuận Hóa 2006).

Trước những căn cứ khoa học do chính các nhà sử học xưa và nay viết, và kết quả điền dã ở nhiều tỉnh nghiên cứu về thành cổ để đối chiếu với thành Tuyên Quang; có thể khẳng định rằng: NHÀ NGUYỄN ĐÃ XÂY THÀNH NÀY CỔ TUYÊN QUANG TRÊN LŨY CỦA NHÀ LÊ. KIẾN TRÚC CỦA THÀNH TUYÊN QUANG LÀ KIẾN TRÚC THEO THIẾT KẾ THÀNH VAUBAN CỦA PHÁP!

Phí Văn Chiến

Tin cùng chuyên mục