Xây dựng đời sống văn hóa mới trong mỗi cộng đồng dân cư

15:14, 27/06/2025

BHG - Với cách làm đổi mới, sáng tạo, phù hợp thực tiễn, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ngày càng lan tỏa đến từng thôn, bản, tổ dân phố; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nếp sống của từng cá nhân, gia đình, cộng đồng dân cư.

Đã thành thói quen, mỗi buổi chiều, sau khi kết thúc công việc, chị Hoàng Thị Thủy, thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì) lại cùng các chị em trong tổ dân phố ra nhà văn hóa tập thể dục, chơi bóng chuyền hơi, tập luyện các điệu múa dân vũ. Nhà văn hóa được xây dựng rộng rãi, khang trang, khuôn viên có sân tập, đáp ứng nhu cầu vui chơi, văn nghệ, thể thao của người dân. Sau một ngày lao động mệt mỏi, mọi người đến đây không chỉ để rèn luyện sức khỏe mà còn để chia sẻ với nhau những câu chuyện trong đời sống hằng ngày, hay những kinh nghiệm phát triển kinh tế, chăm lo đời sống gia đình.

Người dân thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì) tập luyện thể thao.
Người dân thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì) tập luyện thể thao.

Chị Hoàng Thị Thủy cho biết: Trước đây, phong trào tập luyện văn nghệ, thể thao chưa phát triển nhiều. Sau một ngày lao động, buổi tối mọi người ai về nhà nấy, làng trên xóm dưới vắng vẻ, im lìm. Những năm gần đây, cuộc sống ngày càng đổi mới, tối đến là nhà văn hóa, đèn đường bật sáng trưng, mọi người rủ nhau tập thể thao, văn nghệ để nâng cao sức khỏe. Thanh niên thì đá bóng, cầu lông; phụ nữ đánh bóng chuyền hơi, nhảy dân vũ; người cao tuổi thì tập dưỡng sinh, thơ ca, văn nghệ. Không khí vô cùng sôi động, qua đó, không chỉ giúp nâng cao sức khỏe và đời sống tinh thần mà còn góp phần thắt chặt tinh thần đoàn kết, tình làng, nghĩa xóm.

Thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa, các địa phương đã vận động nhân dân đẩy mạnh hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Đến nay, toàn tỉnh có trên 26% số người tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên; trên 16% gia đình thể thao, 530 câu lạc bộ, 1.580 điểm/nhóm tập thể dục, thể thao; 2.915 đội thể thao cơ sở, số lượng các giải đấu phong trào trên 877 giải/năm. Hiện, toàn tỉnh có trên 1.000 đội văn nghệ quần chúng và văn nghệ dân gian hoạt động rất sôi nổi, đa dạng, từ cấp tỉnh đến cơ sở, đóng góp tích cực vào đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

Đoàn viên, lực lượng vũ trang huyện Hoàng Su Phì dọn dẹp các tuyến đường, đảm bảo mỹ quan sạch, đẹp.
Đoàn viên, lực lượng vũ trang huyện Hoàng Su Phì dọn dẹp các tuyến đường, đảm bảo mỹ quan sạch, đẹp.

Cùng với đó, các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Điển hình như tại huyện Bắc Quang, 100% đám cưới được tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm, không thách cưới cao; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống giảm dần theo từng năm. 100% đám tang không tổ chức quá 48 tiếng, không giết mổ nhiều gia súc (từ 2 con trâu, bò trở lên). Các gia đình khi có tang đã tự giác thực hiện không rải vàng mã trên đường; không nhận vòng hoa, bức trướng, góp phần tiết kiệm, chống lãng phí. Đến hết năm 2024, số hộ đạt gia đình văn hóa trên địa bàn huyện đạt 89,79%; 94% thôn, tổ dân phố được công nhận danh hiệu thôn, tổ dân phố văn hóa; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên, số hộ khá, giàu tăng theo từng năm.

Các hội, đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên tổ chức các buổi ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, trụ sở cơ quan, đơn vị, khu vực chợ, nhà văn hóa thôn, đảm bảo mỹ quan sạch - đẹp. Cùng với xây dựng môi trường sống xanh, sạch, an toàn, thân thiện, các cấp, ngành cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm pháp luật, loại bỏ các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, góp phần xây dựng cộng đồng đoàn kết, gắn bó. Đồng thời, quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí ở thôn, bản, như nhà văn hóa, sân thể thao, thư viện, khu vui chơi... để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương.

Xây dựng đời sống văn hóa từ thôn, bản, khu dân cư là một quá trình quan trọng trong việc phát triển nông thôn, hướng đến xây dựng một cộng đồng văn minh, tiến bộ và giàu bản sắc dân tộc. Quá trình này bao gồm việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, xây dựng các thiết chế văn hóa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Do đó, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành và sự tham gia tích cực của nhân dân, góp phần xây dựng đời sống mới, tiên tiến, hiện đại, giàu bản sắc.

Bài, ảnh: YÊN HOA


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Kỳ bí, chuyện giếng nước thần ở thị trấn Đồng Văn
BHG - Đồng Văn là vùng đất có lịch sử lâu đời, mỗi địa danh và công trình kiến trúc còn hiện hữu đến ngày nay đều gắn liền với những câu chuyện về lịch sử, văn hóa và khoa học địa chất. Câu chuyện về giếng nước thần nằm tại tổ 4, thị trấn Đồng Văn (Đồng Văn) được truyền tai nhau với không ít câu chuyện nhuốm màu huyền thoại.
27/06/2025
Phụ nữ góp phần giữ gìn và phát huy nét đẹp truyền thống dân tộc
BHG - Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trong toàn tỉnh thực hiện tốt phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Hà Giang thời kỳ mới: Tích cực học tập, năng động, sáng tạo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”. Phong trào đã trở thành động lực quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần tự học, tự rèn luyện, khát vọng vươn lên và trách nhiệm gìn giữ văn hóa truyền thống trong mỗi hội viên.
27/06/2025
Hà Giang đạt thành tích Xuất sắc tại Liên hoan "Tiếng kèn Đội ta" khu vực phía Bắc năm 2025
BHG - Trong 2 ngày 23-24.6 tại tỉnh Quảng Bình đã diễn ra Liên hoan “Tiếng kèn Đội ta” đối với các Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi khu vực phía Bắc năm 2025 với chủ đề “Em là mầm non của Đảng”. Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh Hà Giang đã đạt thành tích Xuất sắc. 
25/06/2025
Gia đình ba đời giữ nghề phở đỏ ở Xín Mần
BHG - Giữa nhịp sống hiện đại, tại thị trấn Cốc Pài (Xín Mần), vẫn có những gia đình lặng lẽ gìn giữ nghề truyền thống bằng cả tâm huyết và lòng tự hào. Gia đình chị Lộc Thị Bích, thôn Cốc Pài, là một trong những hộ hiếm hoi còn gắn bó với nghề làm phở đỏ. Qua ba thế hệ, từ ông bà đến cha mẹ và nay là vợ chồng chị Bích, nghề làm phở đỏ không chỉ là nguồn sống mà còn góp phần gìn giữ tinh hoa ẩm thực của quê hương.
25/06/2025