Bảo tồn di tích trong không gian du lịch

07:38, 12/07/2025

Thành Nam Chơn là di tích quân sự có tuổi đời hơn 200 năm, gắn liền với những dấu ấn đầu tiên của lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp tại Đà Nẵng. Di tích này hiện nằm lặng lẽ dưới chân ngọn Hải Vân và còn hệ thống thành hào khá nguyên vẹn, nhưng đang bị cây cối phủ lấp, chưa được bảo tồn và phát huy giá trị đúng cách. 

 

Ghi dấu hai chiến công mở đầu lịch sử kháng Pháp

Thành Nam Chơn nằm tại làng Chơn Sảng xưa, nay thuộc phường Hải Vân (thành phố Đà Nẵng). Vị trí “tựa sơn, vọng thủy”, một bên dựa vào dãy Hải Vân, một bên nhìn ra vịnh Đà Nẵng khiến khu vực này từ sớm được chọn làm cứ điểm phòng thủ trọng yếu trong hệ thống bảo vệ phía nam kinh thành Huế.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phương, Trưởng bộ môn Việt Nam học, Trường đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, làng Chơn Sảng có thể đã hình thành từ thế kỷ XVII, còn tên gọi Nam Chơn từng là một trong bảy nhà trạm (thuộc hệ thống “thất trạm”) thời chúa Nguyễn trên tuyến thiên lý bắc-nam. Sang thời Nguyễn, Nam Chơn từ trạm dịch được nâng thành đồn phòng thủ.

Nằm trên trục chiến lược từ Hải Vân Quan, Chơn Sảng, Định Hải, Câu Đê, Điện Hải đến Phước Ninh, Thạc Gián, đồn Nam Chơn không chỉ là điểm gác án ngữ, mà còn là mắt xích vận chuyển hậu cần.

Chính nơi đây, hai cuộc tập kích quân Pháp vào cuối thế kỷ XIX đã khắc tên Nam Chơn vào lịch sử chống ngoại xâm. Tháng 9/1858, liên quân Pháp-Tây Ban Nha đổ bộ vào bán đảo Sơn Trà, mở màn cuộc xâm lược Việt Nam. Để ngăn chặn, triều đình cử tướng Nguyễn Tri Phương vào trấn thủ mặt trận Quảng Nam-Đà Nẵng. Cuộc kháng cự dai dẳng khiến viên chỉ huy Pháp Regault de Genouilly phải xin từ chức.

Người thay thế là thiếu tướng Francois Page quyết tấn công đồn Nam Chơn vào ngày 18/11/1859, hòng giành một thắng lợi mang tính biểu tượng. Nhưng trận đánh này thất bại, thiếu tá công binh Déroulède tử trận, quân Pháp tổn thất nặng nề, uy danh của Francois Page bị tổn hại. Dù chiếm được đồn, nhưng chỉ một tháng sau, quân triều đình nhà Nguyễn phản công, buộc Pháp rút lui khỏi Chơn Sảng.

Năm 1886, tại chính địa điểm này, phong trào Cần Vương tiếp tục đánh dấu chiến công hiển hách. Đêm 28/2, dưới sự chỉ huy của Nguyễn Duy Hiệu, 300 nghĩa quân ém quân từ làng Nam Ô, vượt eo biển Hải Vân tập kích trạm Chơn Sảng. Toàn bộ toán công binh Pháp bị tiêu diệt. Nghĩa quân ta rút lui an toàn.

Hai trận đánh cách nhau gần 30 năm nhưng cùng khẳng định vị trí đặc biệt của đồn Nam Chơn trong giai đoạn đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Tiến sĩ Nguyễn Minh Phương cho rằng: “Cả hai trận đều mang ý nghĩa lớn, bởi khi quân Pháp nổ súng ở Đà Nẵng, đây là nơi đầu tiên họ phải chấp nhận thất bại. Những chiến công tại Nam Chơn góp phần làm chậm lại bước tiến xâm lược, buộc Pháp phải chuyển hướng đánh vào Nam Kỳ”.

Bị lãng quên giữa vùng du lịch

Hiện đồn Nam Chơn vẫn còn dấu vết của hai nền thành và hệ thống hào phòng thủ, phần lớn nguyên trạng, nhưng lại đang bị cỏ cây và bụi thời gian che lấp. Từ năm 2012, sau khi hơn 120 hộ dân là bệnh nhân phong tại khu vực Làng Vân được di dời về đất liền, khu vực này được quy hoạch làm khu du lịch sinh thái phía tây thành phố. Thành Nam Chơn nằm trong vùng quy hoạch, nhưng chưa được quan tâm đúng mức.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phương nhận định, di tích này nếu được phục dựng đúng hướng sẽ là điểm đến độc đáo, thu hút du khách quan tâm đến lịch sử, văn hóa. Ông phản đối các đề xuất di dời di tích hoặc xây dựng mô hình ảo 3D thay thế: “Mô hình 3D chỉ nên là công cụ hỗ trợ. Nếu không giữ được chứng tích gốc, sau một thời gian sẽ mất đi cả sức hấp dẫn lẫn giá trị lịch sử”.

Chung quanh đồn Nam Chơn là chuỗi các địa danh gắn với chiều dài lịch sử vùng đất này: Hải Vân Quan, đường Thiên lý bắc-nam, hầm đường bộ Hải Vân, làng biển Nam Ô, pháo đài Định Hải, thành Điện Hải… Tất cả tạo nên một không gian di sản liền mạch, có thể phát triển thành cụm du lịch văn hóa-lịch sử mang dấu ấn riêng của Đà Nẵng.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phương cho rằng việc khởi công Khu phức hợp Du lịch nghỉ dưỡng Làng Vân hồi tháng 6 vừa qua là cơ hội để tích hợp bảo tồn di tích vào không gian du lịch mới và “không thể để thành Nam Chơn tiếp tục bị quên lãng ngay trong lòng một khu du lịch hiện đại”.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng Hà Vỹ cho biết: Đồn Nam Chơn đã được đưa vào danh mục kiểm kê, bổ sung tư liệu để hướng tới việc xếp hạng và bảo tồn lâu dài. Mô hình 3D có thể được triển khai như tư liệu hỗ trợ, nhưng không thay thế thực thể di tích. Ông khẳng định: “Quan điểm của thành phố là phải bảo tồn đồn Nam Chơn và khai thác đúng giá trị, gắn với phát triển du lịch.


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phở chua vùng cao
Giữa những dãy núi đá tai mèo cheo leo, đồng bào dân tộc ở Đồng Văn, Mèo Vạc vẫn giữ gìn món phở chua như một phần ký ức và hương vị riêng của miền cao nguyên đá.
11/07/2025
Bắc Mê - Vẻ đẹp bên dòng Gâm
Sau khi thực hiện chính quyền hai cấp, xã Bắc Mê được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị hành chính, gồm: xã Yên Phong, Lạc Nông và thị trấn Yên Phú. Nằm ở nơi địa đầu Tổ quốc, Bắc Mê mang trong mình vẻ đẹp trầm mặc, hoang sơ của núi rừng và chứa đựng những dấu ấn lịch sử hào hùng của một vùng đất kiên cường trong kháng chiến cứu nước. Nơi đây có dòng sông Gâm hiền hòa, uốn lượn như dải lụa xanh vắt ngang núi rừng, vừa là nguồn sống của người dân, vừa là chứng nhân lịch sử, gắn bó mật thiết với những bước chuyển mình của vùng đất giàu tiềm năng.
11/07/2025
Sức hút từ Gia đình Haha
Ngày 6-6, chương trình truyền hình thực tế “Gia đình Haha - Những ngày trời bao la” chính thức được giới thiệu. Đây là dự án mới do YeaH1 sản xuất, tiếp nối loạt chương trình thực tế như Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, Chị Đẹp Đạp Gió Rẽ Sóng và Tân Binh Toàn Năng.
11/07/2025
Nà Hang tổ chức chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Nà Hang chào kỷ nguyên mới”
Tối 10-7, xã Nà Hang tổ chức chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Nà Hang chào kỷ nguyên mới”. Đây là chương trình nghệ thuật đầu tiên nhằm chào mừng bước chuyển mình của địa phương sau khi chính thức hợp nhất ba đơn vị hành chính: thị trấn Na Hang, xã Thanh Tương và xã Năng Khả thành xã Nà Hang.
11/07/2025