Hội An - Điểm sáng giữ gìn và phát huy giá trị di sản

10:24, 18/07/2025

Từ một thương cảng cổ xưa đến đô thị Di sản văn hóa thế giới, Hội An (Đà Nẵng) là một trong những địa phương làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa qua những cách thức sáng tạo, hấp dẫn. 

 

Một góc trong phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam).
Một góc trong phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam).

Trong đó, hệ thống các bảo tàng ở Hội An đang ngày càng khẳng định vai trò cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, giữa cộng đồng với du khách.

Với những đổi mới trong trưng bày, trải nghiệm tương tác và ứng dụng công nghệ số, chuỗi bảo tàng chuyên đề tại Hội An không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh địa phương mà còn có thể trở thành mô hình tham khảo thiết thực về xây dựng chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ giữa không gian di sản vật thể và phi vật thể.

Liên kết không gian, chuyên đề hóa nội dung

Những năm qua, đô thị di sản Hội An thường xuyên được vinh danh trong nhiều cuộc bình chọn quy mô quốc tế. Theo thống kê năm 2024, thành phố Hội An (thuộc tỉnh Quảng Nam trước đây) đón hơn 4,4 triệu lượt khách, trong đó khoảng 3,2 triệu là khách quốc tế; sáu tháng đầu năm 2025, Hội An đón 2,8 triệu lượt khách, tăng 17,4% so với cùng kỳ.

Từ sau ngày 1/7, thành phố Hội An chia thành ba phường là Hội An, Hội An Đông, Hội An Tây và xã Tân Hiệp thuộc thành phố Đà Nẵng.

Cùng với các hoạt động lễ hội, sự phát triển của hệ thống bảy bảo tàng đã góp phần tạo nên sức hút văn hóa đặc trưng, gồm: Bảo tàng Hội An (hay còn gọi là Bảo tàng Lịch sử-Văn hóa Hội An), Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh, Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch, Bảo tàng Văn hóa dân gian, Bảo tàng Nghề y truyền thống, Bảo tàng Thổ sản Hội An, Bảo tàng Tơ lụa Hội An. Các bảo tàng được bố trí hài hòa trong khu phố cổ, chủ yếu trong các ngôi nhà cổ di sản, tạo nên bản đồ văn hóa liên hoàn, thuận tiện cho du khách tham quan bộ hành trong bán kính 1-2 km.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Chí Trung, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, hiện vật như những “chứng nhân lịch sử” giúp công chúng hiểu sâu hơn về kiến trúc và đời sống theo từng thời kỳ. Các bảo tàng chuyên đề giúp du khách tiếp cận hệ thống cổ vật một cách trực quan và thuyết phục.

Mỗi bảo tàng tập trung vào một khía cạnh cụ thể của văn hóa Hội An. Chẳng hạn như: Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh trưng bày các hiện vật khảo cổ từ nền văn hóa bản địa hơn 2.000 năm; Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch giới thiệu hành trình giao thương cổ xưa qua các hiện vật gốm từ Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Á...; Bảo tàng Nghề y truyền thống tái hiện tri thức bản địa qua dược liệu, thảo mộc, sản vật địa phương và các phương pháp chữa bệnh dân gian. Cuối năm 2024, Bảo tàng Thổ sản Hội An chính thức đi vào hoạt động, góp phần hoàn chỉnh mạng lưới bảo tàng chuyên đề, với hơn 300 hiện vật, bản đồ cổ, hình ảnh về các sản vật đặc hữu như yến sào, hồ tiêu, rau, mắm, quế, trà, trầm hương...

Không gian nơi đây kết nối chặt chẽ với các bảo tàng khác và hệ thống di tích, tạo thành tuyến khám phá xuyên suốt, giàu chiều sâu văn hóa.

Thực tế, ngay từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, chính quyền và ngành du lịch Hội An đã quan tâm xây dựng mô hình bảo tàng gắn với du lịch. Đặc biệt, các nguyên tắc nghiệp vụ bảo tàng quốc tế (theo ICOM) đã được áp dụng từ sớm, từ khâu thu nhận, bảo quản, nghiên cứu đến tuyên truyền, giáo dục.

Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ ở hệ thống bảo tàng trên cả nước, Hội An cũng chú trọng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ bảo tàng, nhất là năng lực ứng dụng công nghệ, xử lý ảnh, truyền thông. Nhờ đó, các sản phẩm giới thiệu hiện vật ngày càng chuyên nghiệp, tạo trải nghiệm hấp dẫn cho công chúng ở mọi độ tuổi và trên nhiều nền tảng.

Đổi mới phương thức tiếp cận và lan tỏa giá trị

Một trong những yếu tố tạo nên sức hút của các bảo tàng ở Hội An là sự kết hợp giữa trưng bày tĩnh và hoạt động trải nghiệm. Nhiều hoạt động như vẽ tranh dân gian, chuốt gốm, dập giấy dó, pha trà, làm bánh cổ truyền, bắt mạch, ngâm chân thảo dược... được tổ chức thường xuyên, giúp du khách được “chạm” vào di sản, “sống” giữa di sản.

Vào các dịp lễ hội như Tết Nguyên đán, Trung thu, các bảo tàng phối hợp tổ chức phiên chợ dân gian, hướng dẫn làm mặt nạ giấy, trang trí quạt mo, gấp hoa đăng... thu hút nhiều đối tượng như gia đình có trẻ nhỏ, du khách nước ngoài, thanh, thiếu niên.

Hệ thống bảo tàng còn hỗ trợ mạnh mẽ cho công tác nghiên cứu, giáo dục và quảng bá. Hội An đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để bảo tàng đến gần công chúng hơn. Hình thức trưng bày online, livestream, tích hợp mã QR trên hiện vật, tổ chức cuộc thi clip tuyên truyền di sản... được triển khai rộng rãi.

Các bảo tàng phối hợp ngành giáo dục địa phương thường xuyên tổ chức chương trình khám phá và học tập cho các nhóm trẻ em theo độ tuổi 5-17. Nổi bật nhất có thể kể đến chương trình “Chúng em cùng nhau khám phá bảo tàng” của Bảo tàng Hội An, nơi các em chia nhóm theo độ tuổi, tham gia tìm hiểu chủ đề văn hóa, làm đồ thủ công, tham gia trò chơi tương tác...

Nhiều nghệ nhân, thầy thuốc, thợ thủ công địa phương trở thành “người kể chuyện” tại các bảo tàng, truyền lại tri thức dân gian cho du khách và thế hệ trẻ. Sự kết nối giữa bảo tàng và đời sống thường nhật giúp di sản không bị tách rời khỏi cộng đồng, mà còn trở thành nguồn lực nuôi dưỡng niềm tự hào.

Cách làm bài bản và gắn bó chặt chẽ với cộng đồng đã giúp hệ thống bảo tàng Hội An góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, giảm áp lực cho các điểm tham quan đông đúc như chùa Cầu, các hội quán, nhà cổ.

Thời gian tới, các bảo tàng chuyên đề sẽ tiếp tục được đầu tư về công nghệ, ứng dụng học liệu số, liên kết với các điểm đến lân cận như làng nghề, khu sinh quyển Cù Lao Chàm, làng gốm Thanh Hà... để mở rộng tuyến tham quan văn hóa-sinh thái, đưa bảo tàng trở thành một phần không thể tách rời trong hành trình khám phá Hội An.


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sức hấp dẫn của bộ phim về chiến sĩ công an ở tuyến đầu cơ sở
Kịch tính, hài hước, đầy ắp hơi thở cuộc sống và giá trị nhân văn, đó là những điều làm nên sức hấp dẫn của “Có anh nơi ấy bình yên”.
18/07/2025
Trưng bày chuyên đề “Bút sắc, lòng son” tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò
Nhân kỷ 78 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã trưng bày chuyên đề "Bút sắc, lòng son" giới thiệu ý chí đấu tranh, tinh thần bất khuất của nhiều chiến sĩ cách mạng, thể hiện qua những vần thơ, trang viết trong sự nghiệp của mình.
17/07/2025
“Phá đám: Sinh nhật mẹ”- Phim về tình mẫu tử ra mắt mùa Vu lan
Bộ phim mới nhất của Bột Creative Hub mang tên “Phá đám: Sinh nhật mẹ” dự kiến sẽ ra mắt khán giả trong dịp lễ Vu lan năm nay, mang thông điệp về tình cảm gia đình, về tình mẫu tử.
17/07/2025
Cách người trẻ kể chuyện văn hóa truyền thống
Dự án “Xin chào Việt Nam” là một sáng kiến truyền thông - văn hóa đa nền tảng, với mục đích lan tỏa và gìn giữ những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc.
17/07/2025