Phát huy giá trị khoa học và văn hóa của di sản bãi cọc Bạch Đằng

08:08, 11/07/2025

Các bãi cọc trận Bạch Đằng là những thành tố quan trọng trong hệ thống di tích chiến thắng Bạch Đằng. Việc bảo tồn di tích cần được đặt trong tổng thể không gian, địa tầng, bối cảnh lịch sử, nhằm phát huy đúng tầm giá trị khoa học và văn hóa của di sản đặc biệt này.

Bãi cọc trận Bạch Đằng. (Ảnh: XUÂN TẤN)
Bãi cọc trận Bạch Đằng. (Ảnh: XUÂN TẤN)

Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 là mốc son chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, gắn liền với nghệ thuật quân sự kiệt xuất của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

Yên Giang, Đồng Vạn Muối, Đồng Má Ngựa - ba bãi cọc trận Bạch Đằng đã phát lộ thuộc Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng là những cứ liệu khảo cổ quan trọng phản ánh tầm vóc và cấu trúc của chiến dịch Bạch Đằng in dấu ấn lên cả vùng rộng lớn của Quảng Yên trước đây, theo các dòng sông Chanh, sông Rút, sông Kênh, sông Bạch Đằng.

Những cây cọc Bạch Đằng đầu tiên được phát hiện vào năm 1953, khi người dân đào đất, đắp đê. Thời điểm đó, nhiều cọc đã bị nhổ lên để làm xà nhà, cọc rơm, một số do bảo tàng các nơi lấy về trưng bày.

Năm 2012, khu di tích được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Các mẫu cọc được định tuổi bằng phương pháp C14 cho kết quả tập trung vào thế kỷ 13.

Trong ba bãi cọc được phát lộ, Yên Giang là bãi cọc duy nhất đang có một ao cọc lộ thiên với diện tích khoảng 120m2. Còn hai bãi cọc Đồng Vạn Muối và Đồng Má Ngựa sau khi khai quật, đã được lấp lại để bảo tồn nguyên vẹn. Tất cả các bãi cọc đều được tư liệu hóa.

Từ năm 2005 đến nay, các cuộc khảo sát và nghiên cứu tiếp tục được tiến hành trong khu vực phường Nam Hòa, Yên Hải, thị xã Quảng Yên (nay là phường Phong Cốc, tỉnh Quảng Ninh) và phường Yên Giang (nay là phường Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh). Các phương pháp nghiên cứu mới, sử dụng các thiết bị tiên tiến như máy GPS để xác định vị trí các di tích, máy siêu âm quét cạnh và thiết bị đo từ trường để khảo sát các vật thể lạ dưới đáy sông hoặc trong lòng đất, khoan thăm dò để nghiên cứu sự biến đổi của dòng chảy, địa hình cổ... đã xác lập rõ đặc điểm địa hình, địa mạo, môi trường cảnh quan xưa, góp phần làm rõ chiến lược, chiến thuật mà Trần Hưng Đạo đã xây dựng cho trận đánh Bạch Đằng.

Từ khía cạnh nghiên cứu lâu năm, Tiến sĩ Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á chia sẻ: Cọc gỗ Bạch Đằng tồn tại đã hơn 700 năm là nhờ môi trường trầm tích sú vẹt yếm khí nơi cửa biển. Để tiếp tục bảo tồn cọc Bạch Đằng đúng cách đòi hỏi phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt.

Những cọc đã đưa ra khỏi môi trường tự nhiên cần được ngâm tẩy muối lưu huỳnh trong môi trường nước trung hòa, sau đó ngâm trong môi trường Polyethylene Glycol (PEG) nâng cao dần. Hợp chất PEG sẽ thay thế dần nước trong gỗ. Đây là hợp chất có khả năng ổn định cấu trúc gỗ, ngăn ngừa nứt nẻ, biến dạng khi gỗ khô, duy trì hình thái ban đầu. Cuối cùng là chế độ khô chậm mới bảo đảm giữ cứng nguyên trạng. Các cọc gỗ khác cần tiếp tục để nguyên trong tình trạng tự nhiên, khoanh vùng bảo vệ, tránh xâm hại từ môi trường và con người.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Phong Cốc, tỉnh Quảng Ninh Ngô Đình Dũng cho rằng, từ thực tế các hoạt động gần đây, có thể thấy việc đầu tư nhân lực, tài chính đúng tầm cho một kế hoạch nghiên cứu, khai quật, bảo tồn là rất quan trọng.

Bên cạnh sự hỗ trợ về chuyên gia, thiết bị của các tổ chức, cá nhân quốc tế thì sự quan tâm đầu tư của tỉnh Quảng Ninh cho dự án bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Bạch Đằng, trong đó có ba bãi cọc Bạch Đằng, cần sớm được triển khai. Hiện nay ba bãi cọc đã được lập hồ sơ nằm trong quần thể di tích, danh thắng Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Ông Phạm Chiến Thắng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Quản lý Di tích và Danh thắng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết: Trước khi triển khai sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính, Ủy ban nhân dân thị xã Quảng Yên đã trình Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đề án nghiên cứu quy hoạch, thiết kế xây dựng các hạng mục cải tạo hệ thống kè bê-tông hiện có để bãi cọc tại phường Yên Giang liên kết trực tiếp với cảnh quan tự nhiên (nước sông).

Đề án cũng đề xuất bổ sung công trình trưng bày phục vụ công tác nghiên cứu và giới thiệu tham quan, du lịch như điểm dừng chân cầu/hào đi bộ, với phần hào đi bộ âm xuống lòng sông giúp du khách hình dung rõ hơn về cấu trúc địa chất dòng sông cổ và hình thái cọc...


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đoàn thí sinh Hoa hậu Doanh nhân Hòa bình Việt Nam 2025 trao học bổng tặng học sinh nghèo vượt khó
Ngày 10/7, tại xã Hàm Thuận (tỉnh Lâm Đồng), Ban tổ chức và các thí sinh cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Hòa bình Việt Nam 2025 đã tổ chức Đoàn đi thăm và trao 50 suất học bổng tặng học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương, tiếp sức cùng các em vượt khó đến trường.
11/07/2025
Chiêu Lầu Thi – điểm đến hấp dẫn du khách
Chiêu Lầu Thi có độ cao khoảng 2.402m thuộc xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang cũ nay là tỉnh Tuyên Quang mới sau sáp nhập và là một trong 2 đỉnh cao nhất nhì Đông Bắc Việt Nam.
10/07/2025
Nữ đạo diễn kể chuyện Kinh Bắc bằng nghệ thuật và tình yêu quê hương
Chương trình “Bắc Ninh ngàn năm văn hiến - Khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên mới” chào mừng sự kiện thành lập tỉnh Bắc Ninh (mới) vừa qua do đạo diễn Thu Hoài dàn dựng là một thử thách lớn và cũng là lần vượt ngưỡng khó trong nghề nghiệp, mang lại nhiều cảm xúc đặc biệt cho chị.
10/07/2025
Phát động Giải thưởng Quảng cáo sáng tạo Việt Nam - Vạn Xuân Awards 2025
Ngày 9/7, tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, số 51 Ngô Quyền, Hà Nội, Giải thưởng Quảng cáo sáng tạo Việt Nam - Vạn Xuân Awards 2025 đã chính thức được phát động.
10/07/2025