Tác giả Việt Nam giao lưu với độc giả Trung Quốc về văn hóa Việt

08:21, 16/07/2025

Trong khuôn khổ Ngày hội Đọc sách quốc tế và thư pháp thành phố Sùng Tả năm 2025 (Quảng Tây, Trung Quốc) và chuyến giao lưu ra mắt sách của Chibooks, tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng đã có cuộc trò chuyện với độc giả Trung Quốc về văn hóa truyền thống các vùng miền của Việt Nam.

Tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng (thứ hai từ phải sang) tại buổi giao lưu. (Ảnh: Chibooks)
Tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng (thứ hai từ phải sang) tại buổi giao lưu. (Ảnh: Chibooks)

Chương trình Ngày hội Đọc sách quốc tế và thư pháp thành phố Sùng Tả năm 2025 được diễn ra tại trường Cao đẳng Sư phạm Sùng Tả (tỉnh Quảng Tây), và phát sóng trực tiếp bởi Đài Truyền hình thành phố Sùng Tả.

Tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng là khách mời chính của cuộc giao lưu, cùng hai nhà văn nổi tiếng Trung Quốc là Dương Khắc và Từ Tắc Thần (tác giả từng đoạt giải văn học Mao Thuẫn, có nhiều tác phẩm đã được dịch hơn 10 ngôn ngữ).

Tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng đã trò chuyện với độc giả về cuốn sách “Vắt qua những ngàn mây” ấn bản tiếng Trung, đưa ra những lời khuyên tới lớp trẻ để nuôi dưỡng thói quen đọc sách…

Tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng cho biết: “Tôi viết cuốn sách ‘Vắt qua những ngàn mây’ với niềm đam mê tìm những mạch nguồn văn hóa truyền thống của 54 dân tộc ở Việt Nam, tuy âm ỉ chảy nhưng thẩm thấu trong đời sống hằng ngày. Chính những người dân bình thường ở những nơi xa xôi, hẻo lánh nhất lại đam mê và thể hiện trách nhiệm nhất trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống”.

Tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng cũng giới thiệu tới độc giả Trung Quốc tập truyện ngắn “Hương rừng Cà Mau” của nhà văn Sơn Nam: “Đây có thể ví là một lối vào miền Tây Việt Nam, lối vào văn hóa miệt vườn, văn hóa sông nước mênh mông của đồng bằng sông Cửu Long, tập quán mưu sinh, tâm hồn, lời ăn tiếng nói... của người dân miền Tây. Điều đặc biệt yêu thích của tôi là nhà văn Sơn Nam đã kết hợp nhuần nhuyễn lối viết “trong văn chương có khảo cứu, trong khảo cứu có văn chương”.

Nói về việc đọc và viết, tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng cho rằng, đọc sách, chơi sách, trước hết là một thú vui ít chi phí mà lợi ích rất nhiều. Đọc sách cũng như khai khoáng, chúng ta cần sự bền bỉ, đam mê và kỳ công thì mới khai thác được những vảy vàng trong mỗi con chữ. Có thể đó là chi tiết đắt giá của nhân vật giúp bạn khai mở trí tuệ, thay đổi cuộc đời; đó có thể là một cách làm ăn hay để bạn học theo mà phát triển kinh tế; có khi chỉ đơn giản là sự ngân nga đầy chất thơ của câu chữ... Tóm lại, chúng ta có thể tìm được rất nhiều niềm vui và lợi ích từ việc đọc sách, miễn là phải xem đó là món ăn hằng ngày.

Tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng cũng đưa ra lời khuyên với những ai muốn theo nghề viết, cần có phương pháp làm việc khoa học, làm tư liệu tốt, nghiên cứu đa ngành về lĩnh vực mình muốn viết. Tiếp đó phải trải nghiệm thực tế nhiều với tâm hồn rộng mở và sự tò mò chân thành.

“Bạn nên luôn có một cuốn sổ, bút ở bên mình để khi nhặt được một chi tiết hay, một câu nói đặc sắc, một ý tưởng lạ... thì có thể ghi ngay lại. Quan trọng nhất vẫn là phải viết mỗi ngày, làm việc khoa học chứ đừng chờ cảm hứng. Không có cách nào khác ngoài cách thẩm thấu cuộc sống - nghiên cứu-viết-sửa chữa... Đó là hành trình vô tận, nhọc nhằn nhưng đầy niềm vui”, ông nói.

Tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng và dịch giả Nguyễn Lệ Chi, đại diện Chibooks đã tặng sách “Việt Nam ăn mặc thong dong” cho đại diện thành phố và một số đơn vị của thành phố Sùng Tả. Cuốn “Việt Nam ăn mặc thong dong” đã được Chibooks cho chuyển ngữ sang tiếng Trung, dự kiến hoàn tất phần dịch trong tháng 8 tới và xuất bản tại Trung Quốc.

Trước đó, từ ngày 3-6/7, tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng đã giao lưu với độc giả thành phố Nam Ninh tại Tuần lễ Sách Văn hóa Trung Quốc- Asean 2025, giới thiệu về văn hóa Trà Việt và giới thiệu cuốn sách “Ngàn năm Trà Việt” do Chibooks xuất bản.


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mặt nạ Việt Nam góp sắc màu tại triển lãm giao thoa văn hóa châu Á ở Ấn Độ
Triển lãm “Pratirupa: Mặt nạ trong sự giao thoa văn hóa châu Á” tại Ấn Độ tôn vinh giá trị văn hóa dân gian, trong đó mặt nạ Việt Nam với hình tượng cụ già mùa gặt gây ấn tượng với bạn bè quốc tế.
16/07/2025
Lễ cấp sắc của người Dao - sợi chỉ đỏ nối con cháu với tổ tiên
Giữa đại ngàn Tây Bắc, khi tiếng trống vọng vang trong đêm, ánh đèn lập lòe soi sáng từng nếp nhà sàn, đó cũng là lúc một nghi lễ thiêng liêng và giàu giá trị nhân văn của người Dao được cử hành - lễ cấp sắc. Không phân biệt Dao đỏ hay Dao chàm, lễ cấp sắc từ bao đời nay đã trở thành dấu mốc trưởng thành không thể thiếu trong hành trình làm người của nam giới dân tộc Dao.
15/07/2025
Quảng bá làng nghề ở quy mô quốc tế
Hà Nội có 1.350 làng nghề các loại, trong đó có những làng nghề nổi tiếng thế giới như: gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc… Hoạt động sản xuất ở các làng nghề đem lại giá trị kinh tế lớn. Do đó, thành phố tích cực triển khai các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị.
15/07/2025
Tăng cường quảng bá hình ảnh Việt Nam qua điện ảnh Ấn Độ
Chiều 14/7, tại Hà Nội, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong tiếp và làm việc với ông Rahul Bali, Giám đốc điều hành Công ty Innovations India (Ấn Độ), nhà sản xuất chính của dự án điện ảnh hợp tác Việt Nam-Ấn Độ mang tên Love in Vietnam.
15/07/2025