Ứng dụng công nghệ trong nghệ thuật biểu diễn

08:55, 15/07/2025

Nghệ thuật biểu diễn muốn hấp dẫn công chúng hiện đại, không thể tách rời sức mạnh của công nghệ. Đây là xu hướng, cũng là cơ hội của nghệ thuật biểu diễn Việt Nam.

 

Gia tăng tương tác, kết nối cảm xúc

Những ứng dụng như 3D mapping, hologram, drone light, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR)… đang mở ra cơ hội chưa từng có cho những người làm nghệ thuật.

Công nghệ là “trợ thủ” đắc lực của nghệ thuật biểu diễn. (Trong ảnh: Một cảnh trong vở cải lương Cánh cửa khép hờ)
Công nghệ là “trợ thủ” đắc lực của nghệ thuật biểu diễn. (Trong ảnh: Một cảnh trong vở cải lương "Cánh cửa khép hờ")

Có thể thấy rõ qua một số chương trình nghệ thuật thời gian vừa qua, như: “Ký ức để lại”, “Mùa xuân thống nhất”, “Người là Hồ Chí Minh”… Cũng cần kể đến những show diễn gây tiếng vang như “Tinh hoa Bắc Bộ”, “Ký ức Hội An”, hay “Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng”.

Phương pháp dàn cảnh số (digital scenography) đã chứng minh được khả năng tạo ra những “vũ trụ sân khấu” linh hoạt, với sự thay đổi tức thời của hàng chục bối cảnh theo diễn biến kịch bản, giúp khán giả không chỉ được “xem”, mà còn được “sống” cùng thế giới của nhân vật.

Thành công của một số vở diễn thời gian qua, như “Tai biến” (Nhà hát Kịch Việt Nam), “Hà thành chính khí” (Nhà hát Kịch Hà Nội), “Cánh cửa khép hờ” (Nhà hát Cải lương Việt Nam), “Thượng Thiên Thánh Mẫu” (Nhà hát Cải lương Việt Nam kết hợp Liên đoàn Xiếc Việt Nam)… đều có dấu ấn của công nghệ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam chia sẻ: Công nghệ đã làm thay đổi cách nhìn, phương pháp, hình thức thể hiện cũng như góp phần quan trọng giúp nghệ thuật biểu diễn lan tỏa giá trị...

Gỡ bỏ những rào cản

Theo Tiến sĩ Phạm Ngọc Hiền, Trưởng ban Lý luận và Phê bình, Hội Nghệ sĩ múa Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những trở ngại lớn nhất hiện nay là hạ tầng công nghệ. Nhiều nhà hát, sân khấu vẫn chưa được trang bị các thiết bị trình chiếu hiện đại, hệ thống âm thanh-ánh sáng thông minh, hay không gian tương thích với công nghệ số như VR, AR, hay 3D mapping, khiến cho các buổi biểu diễn ứng dụng công nghệ cao trở nên khó khăn, tốn kém. Cùng với đó là sự thiếu hụt nhân lực có khả năng kết hợp giữa nghệ thuật và công nghệ.

Thêm một trở ngại nữa là đến nay, nước ta vẫn tồn tại “khoảng trống” về chiến lược phát triển nghệ thuật số cũng như chính sách hỗ trợ, tài trợ cho các dự án nghệ thuật ứng dụng công nghệ mới.

Trao đổi tại hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn - Thực trạng và giải pháp” vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Hà Nội, Tiến sĩ Phạm Việt Hà (Vụ Khoa học Công nghệ, Đào tạo và Môi trường - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, cần xóa bỏ tâm lý e ngại, bảo thủ, cho rằng công nghệ làm mất “phẩm chất” của nghệ thuật, hay làm sai lệch bản sắc văn hóa truyền thống; thay vào đó, nên nhìn nhận công nghệ như một công cụ hỗ trợ sáng tạo, truyền tải và mở rộng không gian biểu diễn.

Tiến sĩ Phạm Việt Hà đề xuất nên nghiên cứu, mở mã ngành đào tạo về nghệ thuật-công nghệ số. Trước mắt, các cơ sở đào tạo chuyên sâu về âm nhạc, sân khấu, múa… cần cập nhật, bổ sung các môn học liên quan công nghệ và nghệ thuật.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Quyền, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần có sự vào cuộc của Nhà nước với những chương trình đầu tư trọng điểm, mang tính chiến lược, tập trung vào việc nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các nhà hát, rạp chiếu, và các trung tâm biểu diễn nghệ thuật lớn.

Để khắc phục nguy cơ lạm dụng, phụ thuộc vào công nghệ, dẫn đến làm sai lệch bản sắc nghệ thuật, Thạc sĩ Trần Văn Hiếu, Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam cho rằng: Cần thúc đẩy sự chủ động của nghệ sĩ trong học hỏi, thử nghiệm các công cụ công nghệ mới, từ đó tạo ra những hình thức biểu đạt sáng tạo độc đáo, mang dấu ấn cá nhân nhưng vẫn kết nối được với công chúng trong môi trường số; tạo điều kiện để các nghệ sĩ truyền thống có cơ hội làm việc, giao lưu và hợp tác với chuyên gia công nghệ, từ đó hình thành đội ngũ nghệ sĩ-kỹ thuật viên-nhà sản xuất có năng lực sáng tạo liên ngành.

Theo Nhandan.vn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Lai Châu công bố Quyết định và trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2025
Sáng 14/7, tại xã Khổng Lào, tỉnh Lai Châu tổ chức công bố Quyết định và trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2025.
14/07/2025
9 Di sản Thế giới ở Việt Nam được UNESCO vinh danh
Tính đến tháng 7/2025, Việt Nam có 9 Di sản thế giới được UNESCO công nhận, gồm 6 Di sản Văn hóa thế giới, 2 Di sản Thiên nhiên thế giới, và 1 Di sản hỗn hợp Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
14/07/2025
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản
Việt Nam có nhiều di sản thế giới được UNESCO ghi danh, từ di sản văn hóa như: Hoàng thành Thăng Long, Thành nhà Hồ… cho đến di sản thiên nhiên như: Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng…
14/07/2025
Lan tỏa giá trị cao quý của di sản thế giới
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc vừa được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.
14/07/2025