Sự nghiệp “trồng người” ở Tả Lủng

07:46, 23/05/2013

HGĐT- Là xã gần trung tâm huyện Đồng Văn nhất, nhưng Tả Lủng lại là một trong những xã khó khăn nhất của huyện về điều kiện tự nhiên và trong phát triển KT-XH và sự nghiệp GD-ĐT của xã cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, trước những khó khăn và muôn vàn thử thách, tập thể giáo viên các trường trên địa bàn xã đều nỗ lực vươn lên, làm tròn trách nhiệm của người thầy, góp công sức, tri thức của mình vào công cuộc phát triển chung của xã.


Có dịp được cùng đồng chí Nguyễn Thanh Viễn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã leo ngược con dốc từ trung tâm huyện vào xã. Quãng đường chỉ hơn 5 km mà đi mất gần 1 giờ đồng hồ (trong đó có đoạn đã được rải nhựa) mới thấy rằng cung đường vào xã rất khó đi. Ngồi sau chiếc xe Win của đồng chí Viễn, có những lúc, chiếc xe về số 1, gằn giật cục rồi đứng im trước con dốc quá tức và đầy đá trơn trượt. Khởi động lại xe, dắt qua quãng đường hiểm, chúng tôi lại tiếp tục vật lộn với con đường gập ghềnh đầy đá để vào trung tâm xã. Đến nơi, Bí thư Đảng ủy xã dựng chiếc “chiến mã” đầy bùn đất vào gần một ngôi nhà cấp IV và giới thiệu: Đây là trụ sở xã. Nhìn quanh, thấy trụ sở nằm lọt thỏm giữa 2 dãy trường học, một bên là trường PTDT bán trú, một bên là trường THCS của xã. Đang giờ ra chơi, học sinh (HS) nô đùa ồn ào, cán bộ xã đóng cửa phòng để làm việc. Sau khi được giới thiệu tóm tắt về tình hình sản xuất nông nghiệp của xã, chúng tôi được đồng chí Đỗ Thị Lợi, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú dẫn đi xem phòng học, nơi ăn, chốn ở của HS. Có thể thấy, mặc dù nằm trên địa bàn một xã khó khăn nhưng HS bán trú ở đây được quan tâm hỗ trợ nhiều trang thiết bị trong sinh hoạt. Phòng học thoáng mát, đủ ánh sáng; phòng ở tuy còn chật chội nhưng gọn gàng, sạch sẽ, ngăn nắp; bếp ăn đảm bảo VSATTP. Đồng chí Đỗ Thị Lợi cho biết: Toàn trường (gồm cả cấp Tiểu học và THCS) có 55 giáo viên, trình độ chuyên môn từ trung cấp đến đại học. Về HS, Tiểu học có 28 lớp với 416 HS; tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào học lớp 1 đạt 100%; tỷ lệ trẻ 6 đến 14 tuổi đến trường đạt 98,5%. Tổng số HS duy trì hàng ngày trên lớp đạt 93%, không có HS bỏ học. Cấp THCS có 9 lớp với 172 HS; trong tổng số HS của trường, có 418 HS nội trú dân nuôi... Ngoài việc truyền đạt kiến thức ra, tập thể giáo viên nhà trường luôn chú trọng công tác chăm, nuôi cho HS nội trú đảm bảo sức khỏe và rèn luyện tính tự lập cho các em khi sống xa gia đình. Mỗi thầy, cô giáo của trường phải xác định mình không những là người thầy mà còn là người cha, người mẹ thứ 2 của học sinh.


Đối với cấp học Mầm non với 14 lớp, trong đó có 1 nhóm trẻ gồm 10 cháu và 13 lớp mẫu giáo gồm 236 cháu, đạt 100% so với kế hoạch. So với độ tuổi từ 3-5 tuổi đạt 97,52%. Riêng trẻ 5 tuổi đi học đạt 100%. Hiệu trưởng Trường Mầm non Lương Thị Khắc hào hứng cho biết: Những năm học trước, trường chính chưa được đầu tư xây dựng, cả trường không có một phòng học kiên cố hoặc phòng học cấp IV nào, toàn phòng học tạm và học nhờ. Vừa rồi được sự quan tâm của các cấp, các ngành, Trường Mầm non của xã đã được xây dựng kiên cố, khang trang đúng theo mẫu của Bộ GD&ĐT quy định. Có trường mới, giáo viên, HS tại trường chính đỡ vất vả hơn, đặc biệt là học sinh yêu cô, yêu trường và đến lớp đều đặn. Tuy nhiên, cô Khắc cũng đượm buồn khi nói về 13 điểm còn lại, hiện vẫn phải học nhờ điểm trường Tiểu học hoặc trụ sở thôn. Trang thiết bị dạy, học ở các điểm còn thiếu thốn rất nhiều; đường đến các điểm vô cùng khó khăn đối với cả cô và trò... Từ kết quả của những năm học trước cũng như kỳ I năm học này đã khẳng định được trách nhiệm của giáo viên, tấm lòng của người mẹ, tinh thần bám lớp, bám trường, yêu trẻ của tập thể giáo viên Trường Mầm non Tả Lủng đã rất nỗ lực, vượt khó trong điều kiện còn hết sức khó khăn, thiếu thốn. Cô giáo Bùi Thị Lanh, chia tay quê hương vùng núi huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) lên đây công tác đã 2 năm, tâm sự: Quê em cũng là vùng cao của tỉnh Phú Thọ nhưng không khó khăn như ở đây. Từ khi sinh ra, em chưa bao giờ gặp phải cảnh thiếu nước trong mùa khô như ở đây; chưa bao giờ thấy nhiều đá như ở đây; người dân ở đây hình như sống kham khổ hơn người dân ở những vùng nghèo khác... Khó khăn là vậy nhưng em đã yêu mảnh đất này, yêu những gương mặt trẻ thơ vùng đá này nên sẽ làm việc hết sức mình để góp một phần nhỏ bé xây dựng Tả Lủng, nơi đã để lại trong em quá nhiều ấn tượng và cảm xúc...


Chia tay giáo viên, học sinh các trường của xã Tả Lủng, vẫn ngồi sau “chiến mã” của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, đi lò dò trên con đường dốc đầy đá, trong lòng mình ngổng ngang tâm sự và thật khâm phục lòng dũng cảm của các cô giáo Mầm non khi từng ngày vẫn đi lại trên quãng đường nguy hiểm đến với trường, với lớp; những người thầy, cô trường Tiểu học, THCS đi bộ miệt mài trên những lối mòn gập ghềnh đá hàng giờ đồng hồ đến từng nhà học sinh để vận động các em đến trường; vẫn những thầy, cô đứng lớp ấy lại chăm sóc, vỗ về, nâng niu các em từng bữa ăn, giấc ngủ... mới thấy rằng, trong cái khó của môi trường, điều kiện sống, làm việc... nhưng với những tấm lòng yêu trẻ, yêu nghề; trách nhiệm với công việc của lực lượng giáo viên xã Tả Lủng chắc chắn trong một tương lai không xa, sự nghiệp giáo dục của xã sẽ có những bước tiến vượt bậc.


An Dương

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội thảo dạy học theo mô hình trường Tiểu học mới VNEN và tài liệu Tiếng Việt lớp 1
HGĐT -Vừa qua, tại huyện Quản Bạ, Sở Giáo dục và đào tạo tổ chức Hội thảo dạy học theo mô hình trường Tiểu học mới VNEN và tài liệu Tiếng Việt lớp 1, năm học 2012- 2013, theo cụm 4 huyện vùng cao phía Bắc. Tham dự hội thảo có 139 cán bộ, giáo viên các trường Tiểu học của 4 huyện.
30/04/2013
Gắn nhiệm vụ học tập với giáo dục đạo đức, lối sống
HGĐT- Cùng với việc thực hiện tốt phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, trường PTDN Nội trú huyện Vị Xuyên được biết đến là đơn vị có nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong gắn nhiệm vụ học tập với giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, hướng các em vào một môi trường giáo dục lành mạnh.
25/04/2013
Quản Bạ, thực trạng và giải pháp giáo dục Mầm non
HGĐT- Nhận thức được tầm quan trọng của việc đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển, cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, ngành, nhiều năm qua, huyện Quản Bạ có nhiều chính sách ưu đãi cho giáo dục, nhất là ngành học Mầm non, bằng việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng học tập, đáp ứng nhu cầu dạy và học, góp phần nâng cao chất
24/04/2013
Khát vọng Sì Lò Phìn
HGĐT- Đã sang đầu hè mà trời vẫn mù mịt sương, lạnh se sắt. Để đến được thôn biên giới Sì Lò Phìn, xã Tùng Vài (huyện Quản Bạ) phải đi hơn 12 km với quá nửa đường đất, đá gập ghềnh cùng con dốc cao ngược tầm mắt. Cơn mưa đầu mùa làm con đường đến Sì Lò Phìn trở nên trơn trượt, dễ nản lòng người. Sau những dãy núi cao là vùng đất đầy gian khó cùng những người dân ngày đêm cần
24/04/2013