Vùng quê nghèo... bừng sáng
HGĐT- Chúng Trải, xã Phố Là (Đồng Văn) là thôn còn nhiều khó khăn, nhiều gia đình không đủ tiền mua dụng cụ sản xuất nông nghiệp... Tài sản duy nhất họ có là những... đứa con, bởi họ đã dồn tất cả tâm lực, trí lực để chúng được cất cao đôi cánh ước mơ tại những giảng đường Đại học. Với họ, được hy sinh cho con ăn học thành người mới là điều quý giá.
Từ người có công gây dựng phong trào khuyến học...
Đi suốt chặng đường... ngửa mặt lên thấy núi, cúi xuống thấy vực thẳm... mới thấy cái khổ của người dân nơi mảnh đất “thừa đá, thiếu đất canh tác”. Tuy vậy, từ đầu làng đến cuối thôn chỉ có một hình ảnh được lặp lại đều đều: Các cụ già ngồi trông đàn cháu nhỏ để cha mẹ chúng cặm cụi, cần mẫn bên những nương ngô đang mùa vun xới. Anh Củng Phủ Suẩn, Trưởng thôn cười bảo: “Giờ trong thôn chỉ có người già và cháu nhỏ thôi. Trẻ con đến tuổi đi học hết rồi!”.
Nhiều hủ tục được bài trừ, thôn Chúng Trải thêm phát triển.
Ngày còn nhỏ, anh Suẩn hỏi một cán bộ: “Người ta đi học để làm gì?”. Câu trả lời anh nhận được hết sức đơn giản: “Đi học để hết khổ”... Nhưng lúc ấy, hoàn cảnh gia đình khó khăn, ước mơ đến trường của anh dang dở. Cũng chính điều đó hun đúc trong anh quyết tâm: “Nhất định con cháu mình, dòng họ mình và cả thôn mình phải được đến trường. Có học mới biết làm kinh tế, mới thoát được nghèo “. 13 năm nay, anh Suẩn được bà con tín nhiệm bầu giữ chức Trưởng thôn. Anh cho biết: “Ngay sau khi được bầu, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là thảo Hương ước, quy định việc đưa con em trong độ tuổi đến trường. Có như vậy, mới mong dân trí thay đổi, đời sống bà con bớt nghèo khổ”. Điều khiến anh trăn trở nhất trong việc vận động là làm sao thay đổi nếp nghĩ: “Đi học cũng ăn cơm. Không đi học cũng ăn cơm” đã ăn sâu vào tiềm thức của bà con? Cuối cùng, anh quyết định đưa vào Hương ước: Nếu gia đình nào không cho con đến trường, thì việc ma chay, cưới xin... hàng xóm không ai đến giúp”. Nhờ đó, phong trào đi học được gây dựng. Anh kể, trước đây, việc vận động đưa trẻ đến trường khó lắm! Người dân chưa ý thức được vai trò của việc học chữ. Hơn nữa, đường sá đi lại khó khăn, bà con thường xuyên vắng nhà. Anh phải chờ mặt trời khuất núi, đợi đúng lúc bà con gùi những bắp ngô về bên bếp lửa, mới gặp được họ. Nhiều lần, anh trở về nhà lúc nửa đêm, khi mâm cơm đã nguội lạnh, người vợ đang ngủ gật vì đợi anh... Nhưng chỉ cần nghĩ, ngày mai sẽ có trẻ đến trường “bi bô” học chữ, lòng anh lại thêm vững tin.
Ngoài trực tiếp vận động bà con đưa trẻ đến lớp, anh Suẩn còn gây dựng phong trào đóng góp củi, gạo, ngô và 30.000 đồng/hộ/tháng để nuôi các em học bán trú. Nếu trong thôn có người chặt phá hoặc đốt rừng làm nương đều bị lập biên bản, phạt tiền gây Quỹ khuyến học. Đến nay, 100% trẻ trong độ tuổi của thôn được đến trường. Dù sỹ số học sinh còn thấp, có lớp học dưới 10 em, nhưng đó là những con số đáng mừng, chứng minh người dân trong thôn ngày một ý thức được việc đưa trẻ đến lớp để nâng cao dân trí, thoát nghèo bền vững. Anh Suẩn chia sẻ: “Trẻ con chỉ cần biết nói thôi là chúng tôi đã muốn cho các em đến trường học chữ rồi. Giờ, phong trào thi đua học tập sôi nổi lắm. Hiện cả thôn có gần 40 em theo học các bậc học, 10 em có trình độ Đại học, trên 20 em theo học các trường Trung cấp, Cao đẳng đã có việc làm ổn định khi ra trường...”.
...đến vùng quê nghèo bừng lên ánh sáng:
Cả thôn Chúng Trải có 34 hộ với 168 khẩu, chủ yếu là người dân tộc Pu Péo. Trong đó đã có 16 gia đình và 3 dòng họ hiếu học lớn, như: Dòng họ Củng, Tráng, Ly... Tuy kinh tế các dòng họ còn nhiều khó khăn, nhưng phong trào hiếu học vẫn được đặt lên hàng đầu. Nhiều em trong các dòng họ vượt lên hoàn cảnh khó khăn, trở thành tấm gương sáng trong học tập, đỗ đạt cao, như: Củng Thị Hường (Đại học Y Hà Nội), Củng Chẩn Lượng (Đại học Xây dựng Hà Nội), Tráng Thị Phượng (Đại học Kinh tế Quốc dân), Tráng Thị Diện (Đại học Luật Hà Nội)... Ngoài việc quán xuyến, đưa con trẻ đến trường, các dòng họ còn có nhiệm vụ đôn đốc con em mình hăng say học tập, lập nhiều thành tích. Hàng năm, thôn đều họp bình xét thi đua, biểu dương các dòng họ có con em đạt kết quả học tập tốt. Điều ấy đã thúc đẩy phong trào thi đua khuyến học sôi nổi giữa các dòng họ. Quỹ khuyến học được trao thưởng kịp thời nhằm khích lệ, động viên các em có thành tích học tập tốt.
Từ ngày phong trào khuyến học, khuyến tài được chú trọng phát triển, thế hệ “trí thức” của thôn đã mang về vùng quê nghèo ánh sáng văn minh, xua đi những hủ tục còn vương lại trong cuộc sống của đồng bào. Cụ thể như: Tục tảo hôn, kết hôn trùng huyết thống được bài trừ; việc chỉ lấy người cùng dân tộc nay thay bằng những mối quan hệ mở; nam nữ được tự do yêu đương, tự do tìm hiểu; mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình thêm gắn bó, yêu thương hơn. Trước đây, mọi người phân biệt con dâu không được ngồi ăn chung với bố mẹ chồng. Nhưng nhờ sự phân tích của những người được học hành, khoảng cách con dâu với gia đình nhà chồng xích lại gần nhau hơn. Mọi người cùng quây quần, xum tụ bên mâm cơm trong không khí chan hòa, ấm cúng. Hay như cán bộ Khuyến nông xã không quên giúp bà con đưa những giống ngô mới vào sản xuất, cho năng suất cao, hoặc hướng dẫn họ cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi, tăng gia sản xuất,...
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Đồng Văn chia sẻ: “Thôn Chúng Trải tuy nghèo nhưng là một điểm sáng về cộng đồng dân cư khuyến học, khuyến tài. Nhiều gia đình bỗng nghèo đi... chỉ vì nuôi con học Đại học. Thế nhưng, chưa một học sinh phải nghỉ học giữa chừng”. Dù nơi đây, trên lưng những người mẹ vẫn gùi cả gánh nặng cuộc đời. Đôi tay người cha mãi sần lên những vết chai sạn do cày những “ruộng” đá thì họ vẫn thầm lặng: “Chắt trong hốc đá/ Những giọt sữa ngô/ Nâng bước chân con chập chững vào đời”... để vùng quê nghèo bừng lên ánh sáng văn minh.
Ý kiến bạn đọc