Hiền tài thêm... “đất dụng võ”
HGĐT- Những người có trình độ đến tỉnh công tác, được tạo điều kiện cho vợ hoặc chồng vào làm việc tại các cơ quan; được bố trí nhà ở công vụ hoặc trợ cấp thuê nhà, được ưu tiên mua nhà theo dự án nhà ở xã hội; được hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn tại các tổ chức tín dụng để ổn định cuộc sống... Đó là những điểm mới trong chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao vào địa bàn tỉnh.
THU HÚT NGUỒN LỰC
“Hiền tài là nguyên khí của Quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi mới lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp” - câu nói của Thân Nhân Trung, một trí thức nổi tiếng thời hậu Lê đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dù ở hoàn cảnh nào, người tài vẫn luôn được Đảng, Nhà nước trọng dụng và tạo điều kiện để họ đóng góp công sức, cống hiến trí tuệ. Đối với Hà Giang - địa phương thuộc tốp khó khăn nhất nước, cách xa các trung tâm KT-XH... nên luôn khát khao, mong có nhiều tri thức đến làm việc, đóng góp trí tuệ để khai thác tiềm năng, lợi thế phục vụ sự phát triển của tỉnh.
Trí thức trẻ Sằm Thị Nguyện, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Luốc (Hoàng Su Phì) hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả.
Hà Giang ngày nay đang vươn lên, trở thành một trong những địa phương năng động, phát triển với nhiều diện mạo mới. Con đường phát triển của mảnh đất cực Bắc, được ghi nhận bằng sự đóng góp công sức rất lớn của những cán bộ có trình độ ở khắp miền Tổ quốc tụ hội về. Nhiều cán bộ từ các tỉnh miền xuôi, có trình độ đã lên Hà Giang cống hiến và họ cũng trưởng thành cùng sự phát triển của tỉnh, nhiều người đã, đang đảm nhiệm các cương vị lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan, đơn vị. Với niềm khát khao, mong mỏi có thêm nhiều hiền tài, từ nhiều năm trước, dù còn khó khăn, nguồn lực kinh tế còn hạn chế, nhưng tỉnh ta đã xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ những người có học hàm, học vị, có kiến thức chuyên sâu đến công tác.
Tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua, một lần nữa chính sách thu hút người có trình độ tiếp tục được đưa ra bàn thảo. Những người thuộc diện thu hút gồm: Chuyên gia, nghệ nhân, Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ, Dược sỹ chuyên khoa I, II, Thạc sỹ, sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi trở lên. Sự đổi mới của chính sách thu hút lần này quy định rõ, ngoài tiền lương và các chế độ do Nhà nước quy định, cán bộ có trình độ đến tỉnh công tác còn được hưởng mức hỗ trợ từ 25 - 200 lần lương cơ sở. Bên cạnh đó, họ còn được tạo điều kiện để vợ hoặc chồng vào làm việc tại các cơ quan khi có nhu cầu; được bố trí nhà công vụ hoặc trợ cấp thuê nhà trong 5 năm, được ưu tiên mua nhà theo dự án nhà ở xã hội của tỉnh, được hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay tại tổ chức tín dụng để bảo đảm ổn định cuộc sống. Người thuộc diện thu hút, được bố trí làm việc đúng ngành nghề đào tạo, được tạo điều kiện về môi trường làm việc để hoàn thành nhiệm vụ. Căn cứ vào năng lực công tác, được xem xét đưa vào quy hoạch, cử đi đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo theo đúng quy định.
TẠO NGUỒN TẠI CHỖ
Ngoài việc thu hút nguồn cán bộ từ bên ngoài vào công tác, tỉnh ta cũng chú trọng, có cơ chế, khuyến khích cán bộ đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị tham gia đào tạo, nâng cao trình độ. Nhiều năm trước, dù cơ chế hỗ trợ đào tạo chưa cao, nhưng đã có cán bộ làm việc trong các cơ quan Nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học theo học chương trình đào tạo Thạc sỹ, Tiến sỹ; nhiều cán bộ được cử đi đào tạo cao cấp quản lý Nhà nước, cao cấp lý luận chính trị. Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đến nay, chương trình đào tạo Thạc sỹ được đông đảo cán bộ theo học. Việc người đứng đầu các cơ quan chủ động tham gia đào tạo, nâng cao trình độ đã tạo sức lan tỏa, khích lệ tinh thần ham học hỏi của mỗi cán bộ, công chức, viên chức.
Nhằm tạo nguồn cán bộ có trình độ cao, tỉnh ta tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học. Những người thuộc diện được hỗ trợ gồm cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức hội đặc thù. Các cán bộ tham gia chương trình đào tạo ở nước ngoài sẽ được hỗ trợ một lần từ 60-80 lần mức lương cơ sở, tùy theo trình độ đào tạo Thạc sỹ, Bác sỹ, Dược sỹ chuyên khoa I, II, Tiến sỹ; đào tạo sau đại học tại các cơ sở trong nước được hỗ trợ từ 40-60 lần mức lương cơ sở.
Nhằm tránh tình trạng đào tạo tràn lan, không theo quy hoạch, cán bộ học sau đại học chỉ được hưởng chính sách hỗ trợ khi tham gia khóa học Tiến sỹ, Bác sỹ, Dược sỹ chuyên khoa II không quá 50 tuổi đối với nam và 45 tuổi đối với nữ; không quá 40 tuổi đối với đào tạo Thạc sỹ, Bác sỹ, Dược sỹ chuyên khoa I. Các chuyên ngành đào tạo sau đại học phải đảm bảo yêu cầu như phù hợp với nhu cầu của tỉnh, với chuyên ngành đào tạo ở bậc đại học và vị trí công việc đang đảm nhiệm hoặc chức danh được quy hoạch.
Việc thu hút, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, có tâm huyết sẽ giúp tỉnh ta tận dụng được trí tuệ, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế. Hy vọng, với các cơ chế, chính sách linh hoạt vừa được ban hành, sẽ có thêm hiền tài tụ về Hà Giang, đóng góp cho sự phát triển của mảnh đất miền cực Bắc.
Ý kiến bạn đọc