Hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ học sinh vùng dân tộc thiểu số
HGĐT- Là tỉnh có tỷ lệ trẻ mầm non, học sinh tiểu học dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 90% tổng số trẻ trong độ tuổi đến trường. Việc nâng cao chất lượng cho học sinh DTTS cũng như triển khai thực hiện chế độ, chính sách cho các em nói riêng và công tác phát triển giáo dục dân tộc nói chung ở tỉnh ta được cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm.
Từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, điểm trường Mầm non Tả Súng
Nhất là công tác chăm sóc, giáo dục trẻ ngành học Mầm non và học sinh tiểu học nhằm huy động tối đa học sinh mầm non và tiểu học ở vùng đồng bào DTTS ra lớp duy trì sĩ số, hạn chế tình trạng bỏ học.
Hết năm học 2012 – 2013, toàn tỉnh có 214 trường Mầm non với 61.091 cháu, 225 trường Tiểu học với 78.958 học sinh. Trong những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ học sinh vùng DTTS giúp cho các đối tượng trẻ em nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt, vùng sâu, vùng xa. Nhờ đó, cuộc sống và các quyền của trẻ em thuộc diện này được đảm bảo và tốt hơn. Cơ sở vật chất các trường PTDT nội trú (PTDTNT), PTDT bán trú (PTDTBT) và cơ sở giáo dục vùng DTTS từng bước được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu dạy và học. Các trường mầm non, tiểu học đủ điều kiện thực hiện chương trình dạy học 2 buổi/ngày. Theo thống kê toàn tỉnh hiện có trên 255 nghìn trẻ em từ 0 đến 16 tuổi, chiếm 34% dân số, trong đó trẻ em là người DTTS trên 200 nghìn trẻ, trẻ em dưới 6 tuổi chiếm trên 99 nghìn trẻ, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng 23,1%. Một số huyện có tỷ lệ đồng bào DTTS cao như: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Xín Mần... Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học thiếu thốn, cộng với tâm lý, tập quán của đồng bào DTTS còn nhiều lạc hậu đã khiến cho công tác phát triển giáo dục ở những vùng này gặp không ít khó khăn, thách thức, nhất là công tác huy động học sinh ra lớp. Thầy giáo Phạm Hải Cường, điểm trường Tiểu học Sì Lò Phìn (xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ) cho biết: “Mấy năm trước, tỷ lệ huy động học sinh đến lớp rất thấp, tuy nhiên, cùng với sự vào cuộc của cả ngành Giáo dục, chúng tôi đã đến tận nhà, vận động, động viên gia đình cho các em đi học. Nhờ đó, tư tưởng lạc hậu mới dần được xoá bỏ”.
Chính phủ, các Bộ, ngành đã có nhiều chính sách quan trọng dành cho đối tượng trẻ em DTTS. Bên cạnh những chính sách chung dành cho trẻ em về trợ cấp xã hội, y tế, giáo dục, gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 60 quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011 – 2015; Quyết định số 85 về một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú đã được triển khai, thực hiện hiệu quả ở địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh ta đã ban hành Nghị quyết 22 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ học sinh bán trú, học sinh nghèo không thuộc đối tượng hưởng theo Quyết định số 2123 của Thủ tướng Chính phủ; chính sách hỗ trợ đối với cán bộ quản lý, người phục vụ học sinh bán trú tại các trường phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh. Học sinh bán trú cấp tiểu học thuộc vùng khó khăn được hỗ trợ bằng 20% mức lương tối thiểu chung, học sinh tiểu học con hộ nghèo thuộc vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ bằng 10% mức lương tối thiểu chung. Tính đến hết tháng 5 năm nay, có tổng số 26.791 học sinh được hưởng chính sách theo Nghị quyết 22 của HĐND tỉnh với tổng kinh phí hỗ trợ 31.895,5 triệu đồng (trong đó có 21.079 học sinh tiểu học được hỗ trợ với tổng kinh phí 24.175,5 triệu đồng). Có thể thấy, với những chính sách hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, nỗ lực từ phía ngành Giáo dục, chất lượng giáo dục vùng khó khăn đã có chuyển biến khá rõ nét, tỷ lệ học sinh khá, giỏi các trường PTDTNT, PTDTBT đều tăng so với những năm học trước. Năm học vừa qua, tỷ lệ đi học tiểu học đúng độ tuổi đạt 99%; tỷ lệ huy động trẻ em từ 0 đến 2 tuổi đi nhà trẻ đạt 28,3%; tỷ lệ huy động trẻ từ 3 đến 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 93%; tỷ lệ huy động trẻ từ 6 đến 14 tuổi đến trường đạt trên 98,13%, trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,18% so với dân số trong độ tuổi. Hết năm học này toàn tỉnh đã công nhận được 109/195 xã, phường đạt chuẩn phổ cập trẻ mầm non 5 tuổi.
Để thực hiện có hiệu quả các sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non và tiểu học tại vùng đồng bào DTTS, cùng với nỗ lực của ngành Giáo dục, rất cần có sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành để tháo gỡ những khó khăn về cơ sở vật chất. Tập trung đầu tư nâng cấp, sửa chữa phòng học bán kiên cố, thay thế các phòng học tạm, xây dựng mới các phòng chức năng, nhà công vụ giáo viên, công trình vệ sinh, nước sạch; biên chế đủ số lượng giáo viên, nhất là giáo viên là người dân tộc bản địa; duy trì chế độ thu hút cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo để họ yên tâm công tác lâu dài tại các xã đặc biệt khó khăn. Tăng cường công tác tuyên truyền vận động để cộng đồng, gia đình nâng cao trách nhiệm trong việc khuyến khích, động viên con em đi học chuyên cần, không bỏ học giữa chừng. Đặc biệt tiếp tục hỗ trợ đồng bào DTTS bảo đảm cuộc sống để tạo điều kiện cho con em tới trường.
Ý kiến bạn đọc