“Mùa gieo chữ” ở trường Tiểu học thị trấn Mèo Vạc

07:45, 28/08/2013

HGĐT- Năm học mới bắt đầu cũng có nghĩa lại thêm một “mùa gieo chữ” về với mảnh đất Mèo Vạc gian khó. Đối với trường Tiểu học thị trấn Mèo Vạc, bên cạnh thuận lợi là một trong 3 ngôi trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 trên địa bàn nhưng chính điều đó đang trở thành nỗi niềm trăn trở của thầy, trò nơi đây khi cơ sở vật chất đáp ứng cho năm học mới vẫn còn trong tình trạng thiếu và chưa đồng bộ.



Nhà Hiệu bộ trường Tiểu học thị trấn Mèo Vạc còn thiếu nhiều phòng chức năng so với yêu cầu trường chuẩn.

Được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 từ năm 2009, trường Tiểu học thị trấn Mèo Vạc được xem là một trong những ngôi trường có chất lượng giáo dục thuộc loại “bậc nhất” trên địa bàn. Điều này càng làm cho trách nhiệm của thầy, cô trong nhà trường thêm nặng nề. Với nỗ lực không ngừng trong việc đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục, trong lộ trình tiến đến chuẩn Quốc gia mức độ 2, nhà trường vẫn đang khẳng định là “cánh chim đầu đàn” trong hệ thống giáo dục của huyện nhà. Tuy nhiên, bước vào năm học 2013 – 2014, khi học sinh chuyển đến tăng đột biến, đi đôi với việc cho thấy “thương hiệu” của nhà trường thì chuyện thiếu cơ sở vật chất, thiếu lớp học lại đang đặt ra cho nhà trường một bài toán khó giải. Bên cạnh đó, sang năm học mới này, toàn trường có tới trên 200 em học sinh không được hưởng chế độ theo Nghị định 49 của Chính phủ do nằm trong diện cận nghèo, dẫn đến chuyện thiếu sách giáo khoa, thiếu vở học tập cho học sinh. Tuy là trường chuẩn Quốc gia nhưng nhà Hiệu bộ của trường vẫn không đủ đáp ứng, thiếu hội trường và phòng chức năng. Những điều đó đang là trăn trở của thầy, cô nơi đây khi năm học mới đã về.


Hiệu trưởng trường Tiểu học thị trấn Mèo Vạc Hoàng Thị Ngọc chia sẻ: “Trung bình mỗi năm nhà trường tuyển mới khoảng 100 em học sinh, sang năm học này trường tuyển gần 200 em, cộng với số học sinh chuyển đến nhiều nên cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu dạy và học không đảm bảo so với điều kiện một trường chuẩn. Nhưng với nỗ lực khắc phục khó khăn, dựa trên những kết quả đạt được, nhà trường vẫn quyết tâm đảm bảo chất lượng giáo dục một cách toàn diện. Cách đây không lâu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã ghi nhận và biểu dương những cố gắng của thầy, cô khi ghé thăm nhà trường. Ngoài những chia sẻ khó khăn, đồng chí cũng cho rằng cần bố trí, xây dựng hợp lý nhà Hiệu bộ đáp ứng với yêu cầu của trường chuẩn Quốc gia. Tuy nhiên do nguồn kinh phí hạn hẹp nên đến nay với các thầy cô đó vẫn đang là niềm mong mỏi”.


Qua tìm hiểu được biết, những năm học trước và ngay từ ngày đầu trong năm học mới này, trường Tiểu học thị trấn Mèo Vạc đã tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ theo sát chủ đề “Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”. Đây là năm thứ 12 thực hiện chương trình sách giáo khoa mới ở cấp Tiểu học, năm thứ 5 thực hiện theo chuẩn kiến thức kỹ năng mới và là năm thứ 2 thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT nên nhà trường luôn chú ý đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng dạy học ở các lớp. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Hiện nay, với tổng số 41 cán bộ, giáo viên quyết tâm khắc phục khó khăn, nhà trường đã duy trì đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1, một số tiêu chí đạt mức độ 2, chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt. Số giáo viên, học sinh đạt giỏi tăng hàng năm. Giáo dục toàn diện được chú trọng và công tác xã hội hóa giáo dục phát triển mạnh mẽ. Thầy giáo Nguyễn Xuân Nam tại điểm trường Tò Đú cho biết: “Tuy là điểm nằm cách xa trường chính nhưng chất lượng giáo dục không vì thế mà bị ảnh hưởng. Có được điều này là do các giáo viên luôn triển khai dạy học theo đúng chương trình, mục tiêu, chuẩn kiến thức kỹ năng. Đẩy mạnh công tác chuyên môn và tổ chức có hiệu quả các chuyên đề”.


Đối với một huyện nghèo, trình độ dân trí không đồng đều như Mèo Vạc thì công tác giáo dục luôn được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Có được trường đạt chuẩn Quốc gia đã là niềm tự hào nhưng để duy trì và tiến đến chuẩn mức độ cao hơn lại rất cần đến sự quan tâm đầu tư hơn nữa. Đó cũng là mong mỏi của không chỉ trường Tiểu học thị trấn Mèo Vạc mà còn là trăn trở của hầu hết các trường trên địa bàn huyện Mèo Vạc hiện nay khi mỗi “mùa gieo chữ” vẫn còn là nỗi gian nan.


KIM TIẾN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bắc Quang: Nhà lớp học 2 tầng - Trường Tiểu học Lê Lợi được đưa vào sử dụng sau nhiều năm... dở dang
HGĐT- Như Báo Hà Giang từng thông tin qua bài viết “Nỗi niềm từ một ngôi trường tạm” nói về công trình nhà lớp học 2 tầng Trường Tiểu học Lê Lợi, xã Vô Điếm (Bắc Quang) bị kéo dài xây dựng ngót chục năm. Do thiếu lớp học, nhiều năm qua thầy trò nơi đây phải dạy học, sinh hoạt trong những gian nhà xuống cấp, chật trội. Đến đầu năm học mới 2013 – 2014 này, với nhiều lần đốc
28/08/2013
Dòng họ Hoàng (xã Xuân Giang) phát huy truyền thống hiếu học
HGĐT- Về Xuân Giang (Quang Bình) vào một ngày giữa trung tuần tháng 7, cái nắng hè tuy gay gắt nhưng cảm nhận đầu tiên khi đặt chân về vùng đất này mà chúng tôi thấy được đó là cái chân chất mộc mạc, giản dị thật thà mến khách hiện lên từ khuôn mặt đến cử chỉ hành động của mỗi người dân nơi đây. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về truyền thống hiếu học của dòng họ Hoàng, Bí thư
28/08/2013
Hoàn tất công tác chuẩn bị đón năm học mới
HGĐT- “Mùa” khai giảng đang rộn ràng “gõ cửa”, thầy và trò các trường trên địa bàn thành phố Hà Giang lại vững tin tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp “Trồng người” cao cả, với quyết tâm cao nhất. Để có niềm tin đó, phòng GD - ĐT thành phố đã chuẩn bị chu đáo từ đội ngũ giáo viên, đến trang thiết bị dạy học, cơ sở vật chất trường, lớp...
27/08/2013
Agribank Hà Giang trao tặng 3 tỷ đồng xây dựng trường Tiểu học xã Niêm Sơn
HGĐT- Chiều 20.8, tại Trụ sở HĐND-UBND huyện Mèo Vạc, ông Nguyễn Văn Lý, Phó giám đốc Agribank Hà Giang đã trao tặng cho UBND huyện Mèo Vạc số tiền 3 tỷ đồng để xây dựng nhà lớp học Trường Tiểu học xã Niêm Sơn.
22/08/2013