“Mùa trồng người” nơi miền Tây Hoàng Su Phì
HGĐT- “Mùa trồng người” 2013-2014 đã về với thầy, trò mảnh đất miền Tây Hoàng Su Phì. Nó mang theo niềm tự hào về những thành quả đã đạt được, nhưng cũng báo hiệu nhiều áp lực cho chặng đường phía trước. Trong đó, việc thực hiện phổ cập cho trẻ 5 tuổi và triển khai Quy hoạch Phát triển nguồn nhân lực đang đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mới có thể giải quyết những khó khăn nội tại.
Tính đến cuối năm học 2012-2013, trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì có 14/25 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi. Theo kế hoạch, đến năm 2014 sẽ công nhận thêm 11 xã. Tuy nhiên, việc thực hiện phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi của Hoàng Su Phì có những khó khăn mang tính đặc thù. Kết quả đạt được thời gian qua, phản ánh sự nỗ lực rất lớn của thầy và trò nơi cửa ngõ miền Tây, nhưng chặng đường phổ cập tiếp theo cũng không “dễ thở” chút nào.
Trường PTDT Nội trú Hoàng Su Phì đang được đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập của giáo viên, học sinh.
Khó khăn bởi lẽ, những xã còn lại trong kế hoạch phổ cập đều thuộc diện nghèo, sự quan tâm, chia sẻ, đầu tư cho giáo dục chỉ như “đá ném ao bèo”. Theo quy định các điều kiện phổ cập, về cơ sở vật chất, huyện vẫn còn thiếu phòng học cho trẻ 5 tuổi và phòng học mầm non các độ tuổi khác. Vì vậy, các em phải học ghép nhiều nhóm tuổi, nên ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, nuôi dạy. Hơn nữa, số phòng học đạt chuẩn để thực hiện phổ cập còn khá khiêm tốn. Trong khi đó, tiêu chuẩn thực hiện Đề án Phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, phòng học phải được xây kiên cố, đạt chuẩn về trang thiết bị dạy học; phần mềm trò chơi ứng dụng công nghệ thông tin (Kissmas) cho trẻ 5 tuổi làm quen với học tập trên máy tính, mới áp dụng được ở 4 trường. Bên cạnh đó, do không có điều kiện nấu cơm cho các cháu ăn trưa tại điểm trường, thiếu giáo viên nên việc duy trì dạy 2 buổi/ngày gặp nhiều khó khăn.
Đối với việc thực hiện Quy hoạch Phát triển nguồn nhân lực ngành Giáo dục giai đoạn 2011-2020, cũng có cái khó riêng. Hiện nay, đội ngũ cán bộ, giáo viên của Hoàng Su Phì có gần 1,7 nghìn người, trong đó, giáo viên trực tiếp giảng dạy gần 1,4 nghìn. Hàng năm, huyện đều duy trì, công nhận lại công tác phòng, chống mù chữ, phổ cập giáo dục Tiểu học và THCS. Đồng thời, duy trì tốt hoạt động các Trung tâm Giáo dục cộng đồng, nhằm trang bị kiến thức cơ bản cho người dân, từ đó nâng cao dân trí, đáp ứng nguồn nhân lực cho huyện. Căn cứ điều kiện thực tế, Hoàng Su Phì phấn đấu đến năm 2015 xây dựng 9 trường đạt chuẩn Quốc gia; tỷ lệ huy động trẻ từ 0-2 tuổi đi nhà trẻ đạt 30% trở lên; trẻ 3-5 tuổi đi mẫu giáo đạt 98%; học sinh 6-14 tuổi đến trường đạt 98%, riêng trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99%; giáo viên có trình độ cao đẳng đạt 25%, đại học 30%, giáo viên THCS có trình độ đại học 45%...
Cũng giống như việc phổ cập giáo dục trẻ 5 tuổi, quy hoạch nguồn nhân lực của huyện đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân, do đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên mầm non vừa thiếu về số lượng, vừa chưa đáp ứng được chất lượng; cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trường còn thiếu nên ảnh hưởng đến việc đổi mới phương pháp dạy học, cũng như đảm bảo môi trường, điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh. Việc huy động học sinh trong độ tuổi đến trường đạt so với kế hoạch, nhưng tình trạng nghỉ “cài răng lược” diễn ra khá phổ biến, tỷ lệ học sinh trên lớp hàng ngày thấp, dẫn đến chất lượng giáo dục chưa cao, chưa đồng đều; chất lượng chuyển lớp, chuyển cấp cũng như tỷ lệ học sinh giỏi, giáo viên giỏi các cấp còn thấp.
Trước những khó khăn nội tại, Phòng GD - ĐT đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, huy động tối đa số trẻ trong độ tuổi đến trường; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trường, lớp học, nhà lưu trú giáo viên, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, bếp nấu ăn cho trẻ bán trú; xây dựng đội ngũ giáo viên đảm bảo về chất lượng, đủ về số lượng; củng cố, mở rộng quy mô, mạng lưới, loại hình cơ sở giáo dục mầm non, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; tuyển dụng và phân công hợp lý đội ngũ cán bộ, giáo viên. Từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy ở các cấp học, ngành học, xây dựng phương pháp dạy học tích cực, đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa nhằm thu hút học sinh tới trường.
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng phòng GD-ĐT Hoàng Su Phì, Nguyễn Hải Vịnh cho biết: Năm học mới 2013-2014, ngành phấn đấu tỷ lệ huy động trẻ 0-2 tuổi đi nhà trẻ đạt 27%; 5 tuổi đi mẫu giáo, 6 tuổi vào lớp 1 đạt 98,8%; giảm tỷ lệ học sinh bỏ học xuống dưới 2%; tăng tỷ lệ giáo viên, học sinh giỏi các cấp; nâng cao chất lượng giáo dục các bậc học... Nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, hàng năm ngay khi vào năm học, phòng có kế hoạch, chỉ đạo cụ thể việc thực hiện chương trình, hướng dẫn của cấp trên; thực hiện nghiêm quy chế chuyên môn, mở các hội thảo chuyên đề về phương pháp giảng dạy, tổ chức thi giáo viên dạy giỏi, thi đồ dùng dạy học, sử dụng hiệu quả đồ dùng dạy học được trang bị... qua đó, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên. Năm học 2012-2013 vừa qua, ngành Giáo dục Hoàng Su Phì đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch giao, chất lượng dạy, học có nhiều đổi mới. Trên cơ sở đó, ngành đang quyết tâm giành nhiều thành quả trong năm học mới 2013-2014.
Ý kiến bạn đọc