Trường Trung cấp Kinh tế - kỹ thuật:
Chú trọng chất lượng đào tạo
HGĐT- Thực tế cho thấy nhiều tổ chức, doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng lao động có trình độ, có khả năng đáp ứng nhu cầu đối với điều kiện phát triển của xã hội. Chính vì vậy, vai trò của các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng là hết sức quan trọng, nhất là cung ứng lực lượng lao động phù hợp với nhu cầu thực tiễn ở địa phương.
Trao đổi với chúng tôi về việc nâng cao chất lượng đào tạo trong trường, Thạc sĩ Nguyễn Trung Hiếu, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật tỉnh cho biết: Việc nâng cao chất lượng dạy và học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm luôn được nhà trường đặt lên hàng đầu. Để đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng, hàng năm nhà trường trực tiếp xuống cơ sở nắm bắt tình hình thực tế cũng như yêu cầu về kiến thức, chuyên môn, tư chất đạo đức mà các tổ chức, doanh nghiệp cần đến ở học viên sau khi tốt nghiệp, lấy đó làm điểm tựa đề ra mục tiêu đào tạo trong năm học mới. Hiện nay, toàn trường có 2.324 học viên, trong đó TCCN hệ chính quy là 541 học viên, 255 học viên hệ VLVH, 1.525 học viên hệ CĐ, ĐH liên kết đào tạo. Trong năm học 2013, trường tuyển sinh đào tạo trình độ TCCN các ngành: Kế toán doanh nghiệp, Chăn nuôi thú y, Lâm sinh, Trồng trọt, Quản lý đất đai, Pháp luật, Hành chính văn thư, Quản lý và kinh doanh nông nghiệp.
Nâng cao chất lượng đào tạo qua giờ thực hành tin.
Với phương châm “Đào tạo nguồn nhân lực lao động mang tính thực tế, phù hợp với thị trường lao động vì chất lượng đào tạo luôn gắn liền đến sự tồn tại của trường và cũng là mục tiêu cuối cùng trong quá trình đào tạo”. Xác định rõ tầm quan trọng trong việc đào tạo học viên, nhiều năm qua nhà trường luôn tuân thủ nghiêm ngặt chương trình khung đào tạo do Bộ quy định và đặc biệt chú trọng đến chất lượng học viên sau khi ra trường. Để có đầy đủ năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức khi ra trường, chất lượng đội ngũ thầy và trò cũng như quá trình thực tập của các học viên cũng được nhà trường đặc biệt quan tâm. Ngay từ những năm học đầu, dưới sự theo dõi sát sao về nhận thức, học lực của từng học viên trong suốt quá trình học và dựa vào bảng thành tích học tập của những năm tiếp theo để phân loại thành hai nhóm học viên và giao cho các khoa, giáo viên trực tiếp phụ đạo thêm kiến thức cho các học viên có nhận thức chậm hơn để các em có thể theo kịp chương trình học... Thời gian thực hành nghề nghiệp trong khóa đào tạo mang tính trực quan vì nhà trường thông qua các đợt thực tập chuyên môn, kiến tập tạo điều kiện cho học viên tiếp cận các đơn vị sử dụng lao động một cách thuận lợi và thành lập các nhóm chuyên đề, thảo luận đưa ra các phương án giải quyết phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, mời các chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm trong từng lĩnh vực về trường trao đổi trực tiếp với học viên về cách giải quyết và hướng cho các em theo những hướng đi đúng nhằm phát huy tối đa khả năng sáng tạo của mỗi học viên trong việc xử lý các tình huống... qua đó, các em sẽ tích lũy thêm được kinh nghiệm, cũng như trau dồi kiến thức với nhiều bài học từ các hoạt động của các tổ chức doanh nghiệp trong điều kiện môi trường thực tế và rèn luyện kỹ năng, nhân tố cần có về khả năng nhận định tình huống, xây dựng, tổ chức thực hiện các kế hoạch, nhạy bén khi đưa ra quyết định linh hoạt để giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tế. Đồng thời, thường xuyên duy trì việc quản lý hoạt động đào tạo qua từng giờ dạy học, các kỳ học và từng năm học nhằm phản ánh được những nhiệm vụ chủ yếu mà học viên thực hiện được sau tốt nghiệp khóa học.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, bên cạnh lòng nhiệt huyết, ý thức trách nhiệm cao trong quy chế chuyên môn, nhà trường thường xuyên bổ sung kiến thức thực tiễn vào nội dung bài giảng. Áp dụng vào thực tế phương pháp giảng dạy mới, đội ngũ giáo viên trong trường sẽ biên tập lại chương trình khung đào tạo trong các học phần từ bài giảng cho đến trình học, định mức khối lượng kiến thức, kỹ năng, thời gian đào tạo với các nội dung được ứng với mỗi ngành đào tạo..., các phương pháp đánh giá kết quả học tập, sao cho mọi kiến thức truyền tải đến học viên sẽ đi xuyên suốt các đơn vị học trình và gắn liền với yêu cầu thực tế của địa phương mà vẫn đáp ứng được chuẩn về kiến thức, kỹ năng trong khung đào tạo đã đưa ra. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, điều chỉnh kịp thời này sẽ giúp học viên cập nhật được kiến thức mới, thích ứng nhanh với trình độ công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh trong thực tế. Kết thúc chương trình học, kết quả cho thấy chất lượng lao động năm sau luôn cao hơn năm trước. Hầu hết số học viên được đào tạo tại trường sau khi tốt nghiệp đều đã có việc làm và nguồn thu nhập ổn định.
Tuy nhiên, bên cạnh việc nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo học viên thì các trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập trong phòng thực nghiệm còn nhiều hạn chế. Do chưa có vườn thực hành cho học viên nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo. Song việc đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, học tập, nhà trường tiếp tục sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất hiện có phục vụ công tác đào tạo, trong đó chú trọng việc sử dụng hệ thống các trang thiết bị trong công tác dạy và học như phòng thực hành tin với 50 máy vi tính, máy phô tô, máy chiếu và các loại máy móc, thiết bị phục vụ cho công tác chuyên môn... Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động thể dục thể thao ngoài giờ, không những rèn luyện kiến thức trên lớp, các em sẽ được tôi luyện thể chất một cách đồng bộ thông qua các môn thể thao có ích cho sức khỏe.
Ý kiến bạn đọc