Phát huy “sức trẻ” đội ngũ giảng viên trẻ
(Xuân Giáp Ngọ)- Hiệu quả, chất lượng đào tạo luôn là mối quan tâm hàng đầu của các cơ sở Giáo dục - Đào tạo nói chung và hệ thống các trường đại học, cao đẳng nói riêng. Để nâng cao chất lượng đào tạo thì nhà giáo đóng vai trò quyết định. Xác định rõ điều đó, trong những năm qua, Trường CĐSP Hà Giang luôn quan tâm xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng. Đặc biệt, công tác bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trẻ luôn được đặt lên hàng đầu, bởi đây là những người quyết định sự phát triển, giữ gìn uy tín, thương hiệu của nhà trường trong hiện tại và cả tương lai.
Toàn cảnh Trường CĐSP Hà Giang.
Trường CĐSP Hà Giang có 120 giảng viên, trong đó có khoảng 60 giảng viên trẻ. Đội ngũ giảng viên trẻ đều đáp ứng yêu cầu cao về trình độ chuyên môn cũng như đạo đức, lối sống. Ngay từ khi tuyển dụng, nhà trường đã thực hiện nghiêm túc khâu tuyển chọn về chuyên ngành đào tạo, khả năng sư phạm, xem xét quá trình học tập, tu dưỡng tại các trường đại học. Họ có chung những ưu điểm như: Hăng hái, nhiệt tình trong công việc; nhạy bén, sáng tạo trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học; biết sử dụng thành thạo công nghệ thông tin và ngoại ngữ. Bên cạnh đó, trong thời gian mới tuyển dụng, các giảng viên trẻ tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của các giảng viên đi trước trong việc soạn bài và tập giảng, nhiều giảng viên khẳng định được mình ngay từ bước đi đầu tiên. Bên cạnh những ưu điểm thì giảng viên trẻ cũng có những điểm hạn chế nhất định, tác động đến hiệu quả công việc. Đó là thiếu kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy, hạn chế về kiến thức thực tiễn cuộc sống, điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn ảnh hưởng đến quá trình công tác.
Giờ dạy Tin học của một giảng viên trẻ.
Từ thực tế trên, nhà trường đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trẻ. Trước hết, để giải quyết vấn đề thiếu kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy, nhà trường đã yêu cầu các giảng viên ngay từ những ngày đầu bước chân lên bục giảng phải tự tích lũy kinh nghiệm và phương pháp thông qua quá trình giảng dạy và nghiên cứu. Bên cạnh đó, tích cực học tập từ những giảng viên đi trước đã có nhiều kinh nghiệm thực tế. Để tạo điều kiện cho giảng viên làm được điều đó, nhà trường cũng yêu cầu các tổ bộ môn giới thiệu những giảng viên có kinh nghiệm để giảng viên trẻ lên kế hoạch, lựa chọn mời trực tiếp các giảng viên đi dự giờ. Đồng thời, ngoài việc dự giờ thăm lớp theo kế hoạch, lãnh đạo nhà trường, khoa, bộ môn còn chủ động lên kế hoạch đi dự giờ, thăm lớp đối với các giảng viên trẻ. Sau mỗi buổi dự giờ, trao đổi, góp ý trực tiếp đối với giảng viên, đồng thời nêu ra những vấn đề, nội dung mà giảng viên trẻ cần phải chỉnh sửa hoặc thay đổi. Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn chung cho các giảng viên trẻ theo các nội dung chuyên sâu về phương pháp giảng dạy, kỹ năng xử lý tình huống nghiệp vụ sư phạm, cũng như về kiến thức chuyên môn đối với từng chuyên ngành và môn học. Qua đó, giúp các giảng viên trẻ không chỉ thu nhận được những kiến thức về mặt lý thuyết mà còn có cơ hộithực hành giảng dạy, xử lý tình huống được nêu ra trong quá trình đào tạo. Bên cạnh đó, nhà trường cũng yêu cầu các giảng viên tự mình, tích cực đọc, tìm hiểu, nghiên cứu các tình huống thực tế liên quan đến môn học qua việc cập nhật thông tin từ các kênh thông tin khác nhau, nghiên cứu các tình huống thực tế thông qua các hoạt động thăm lớp, dự giờ không chỉ ở trường CĐSP mà cả ở hệ thống các trường phổ thông. Tự bổ sung thêm những kiến thức thực tế để phục vụ cho công tác giảng dạy. Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Lan, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết: “Một trong những điểm nổi bật là trường luôn tạo điều kiện cho các giảng viên trẻ học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Để tạo điều kiện cho các giảng viên trẻ, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn đi học tập, nâng cao trình độ, nhà trường xây dựng, thực hiện chế độ, chính sách hỗ trợ kinh phí. Cụ thể, trong quy chế chi tiêu nội bộ, hỗ trợ các giảng viên đi đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ tiền học phí, tiền vé xe, tiền lệ phí thi đầu vào, hỗ trợ tiền hàng tháng, ngoài ra còn đảm bảo 100% lương và các chế độ cho cán bộ, giáo viên trong quá trình đi học. Do đó, trong những năm qua, đội ngũ giảng viên trong trường nói chung và giảng viên trẻ nói riêng đi học nâng cao rất lớn, nhờ đó trình độ chuyên môn của các giảng viên trong toàn trường được nâng lên. Đến nay, nhà trường đã có 50 giảng viên có trình độ thạc sỹ; 5 người đang theo học trình độ tiến sỹ; 14 người đang theo học thạc sỹ, trong đó các giảng viên có trình độ thạc sỹ chiếm tỷ lệ cao”.
Có được đội ngũ giảng viên trẻ mạnh về số lượng và đang ngày càng nâng cao cả về chất lượng, điều đó có ý nghĩa quan trọng giúp nhà trường luôn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đào tạo những “kỹ sư tâm hồn” trong tương lai.
Ý kiến bạn đọc