Trung tâm Dạy nghề huyện Vị Xuyên:
Phát triển dạy nghề cho lao động nông thôn
HGĐT- Nhận thức rõ vai trò của công tác đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn đối với sự phát triển KT-XH của huyện, mặc dù gặp không ít khó khăn do tác động suy giảm của nền kinh tế trong và ngoài nước; nhưng trong năm 2013, Trung tâm Dạy nghề huyện Vị Xuyên đã nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Một lớp học nghề sửa chữa máy nông nghiệp tại xã Tùng Bá (Vị Xuyên).
Căn cứ vào nhu cầu thực tế, bám sát các mục tiêu phát triển KT-XH của huyện; ngay từ đầu năm, Trung tâm đã chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các xã trong huyện tiến hành rà soát, thống kê nhu cầu học nghề theo từng lĩnh vực cụ thể; qua đó, xây dựng kế hoạch đào tạo, dạy nghề cho lao động khu vực nông thôn. Trong năm, Trung tâm đã tổ chức đào tạo được 51 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 1.644 học viên, đạt 121% so với kế hoạch; tăng 21,09% so với năm 2012. Các ngành nghề đào tạo chủ yếu là trồng chè, nuôi và phòng trị bệnh cho lợn, gà; trồng lúa năng suất cao; trồng rau an toàn; trồng nấm; sửa chữa máy nông nghiệp... Đặc biệt trong quá trình đào tạo dạy nghề ngắn hạn, Trung tâm luôn ưu tiên cho các đối tượng lao động là người dân tộc thiểu số chưa qua đào tạo nghề cư trú trên địa bàn các xã, thôn vùng cao, làm điểm trong xây dựng Nông thôn mới. Bên cạnh việc đào tạo, dạy các lớp học nghề ngắn hạn, Trung tâm còn liên kết với Trường Trung cấp nghề huyện Bắc Quang, Trường Cao đẳng Nghề cơ điện và luyện kim Thái Nguyên và Phú Thọ mở các lớp trung cấp Điện công nghiệp, chế biến chè, kế toán doanh nghiệp.
Để công tác dạy nghề đạt chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nông thôn được tiếp cận, đào tạo nghề, trung tâm đã trực tiếp mở các lớp dạy nghề ngay tại xã, thôn; thường xuyên kiểm tra kế hoạch, tiến độ giảng dạy, tổ chức thăm lớp, dự giờ để đánh giá, rút kinh nghiệm nhằm giúp cho cán bộ giáo viên trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng, phương pháp truyền đạt, biên soạn nội dung cho phù hợp với đặc thù của địa phương và nhận thức của người học. Tiến hành ký hợp đồng, mời một số giáo viên thỉnh giảng là các kỹ sư, cử nhân công tác lâu năm tại Phòng NN&PTNT, Trạm Khuyến nông, Thú y, Bảo vệ thực vật huyện tham gia giảng dạy. Thông qua cách làm sáng tạo, linh hoạt này, nhiều học viên sau khi tham gia các lớp học nghề đã tìm được việc làm, biết áp dụng các kiến thức được học vào trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh của gia đình; một số học viên có vốn đã tự mở các dịch vụ sửa chữa xe máy, điện tử, tham gia thành lập HTX dịch vụ... qua đó góp phần tích cực trong phát triển kinh tế, XĐGN tại địa phương. Tuy nhiên, theo anh Phạm Đức Thụ, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Vị Xuyên: Khó khăn nhất của Trung tâm hiện nay là cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu, chưa có đủ biên chế giáo viên theo cơ cấu ngành nghề nên việc nâng cao chất lượng dạy nghề còn hạn chế; công tác giải quyết việc làm sau đào tạo gặp nhiều khó khăn do các doanh nghiệp đầu tư về lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, sản xuất hàng hoá trên địa bàn huyện còn ít, chậm phát triển, nhu cầu sử dụng lao động chưa cao nên chưa thu hút được nhiều người dân trong độ tuổi lao động tham gia học nghề. Cá biệt tại một số xã, thôn, học viên tham gia học nghề lại chưa thực sự có nhu cầu học nghề, tạo việc làm mới để nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình mà còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước dẫn đến tình trạng bỏ học giữa chừng...
Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại hạn chế, thời gian tới, Trung tâm Dạy nghề huyện Vị Xuyên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tư vấn tuyển sinh, giải quyết việc làm; chỉnh sửa nội dung giáo trình cho sát thực tế, phù hợp với nhận thức của người học, linh hoạt trong tổ chức đào tạo để thu hút học viên tham gia học nghề, với quyết tâm cao nhất hoàn thành kế hoạch dạy nghề trong năm 2014 và các năm tiếp theo.
Ý kiến bạn đọc