Câu chuyện về "Rừng thương, núi nhớ"
HGĐT- Đã 11 năm rồi mà tôi không sao quên được ngày đi tìm các liệt sỹ văn công Trung đoàn 148 dưới trời mưa tầm tã. Mấy thập niên về trước, tôi được nghe cố nhạc sỹ Nguyễn Xuân Khoát kể về tấm gương hy sinh của các liệt sỹ văn công rồi dịch lại cho giáo sư, nhạc sỹ Xô Viết Bê La Ru Xét, người giảng dạy lớp sáng tác cho các nhạc sỹ lão thành của ta, sau này trở thành người cha nuôi của tôi.
Những cống hiến vô giá của lớp lớp thế hệ người có công đã góp phần quan trọng làm nên diện mạo Xín Mần tươi mới hôm nay.
Trong ảnh: Thác Tiên - Đèo Gió, di sản danh thắng cấp Quốc gia. Ảnh: NGUYỄN HÙNG
Nghe xong câu chuyện đau thương ấy, cha tôi lặng đi, cúi xuống lau những giọt nước mắt. Một lúc sau, người quay sang tôi, nói: "Con ơi, cha con ta phải làm gì để đền đáp công ơn của những người nghệ sỹ quả cảm ấy".
Câu chuyện cứ đi theo suốt quãng đời thanh xuân của tôi. Vậy mà, tôi vẫn chưa thể làm được gì. Năm 1989, tôi sang tham dự Liên hoan phim Truyền hình thế giới được tổ chức ở Maxcova, tranh thủ những ngày nghỉ, tôi lại thăm bố mẹ nuôi. Một buổi tối, cha tôi ngồi bên đàn piano đánh bản giao hưởng thơ "Rừng Việt
Tôi trở về nước mang theo lời dặn tâm linh của cha tôi. Vậy mà 12 năm sau (2001), tôi mới có dịp thực hiện được lời dặn của người cha thân yêu. Năm ấy, may mắn, tôi gặp cụ Đỗ Tùng, người chiến sỹ văn công Trung đoàn 148 may mắn còn sống sót sau vụ thảm sát ở Nàn Ma. Cụ trao cho tôi bản danh sách 11 đồng đội của cụ đã hy sinh đêm ngày 15.5.1952. Cầm bản danh sách ấy, tôi lên huyện Xín Mần dưới trời mưa tầm tã. Tôi ngồi trên xe ô tô, hứngnhững làn mưa xối xả mà thầm hỏi, những giọt mưa của trời hay chính những giọt nước mắt của tôi.
Lên đến Xín Mần, tôi được gặp các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện. Cácanh, chịcho tôi mượn chiếc xe u oát để lên Nàn Ma, tìm cô gái Mông năm xưa đã cùng chiến sỹ Đỗ Tùng chôn các nghệ sỹ bị phỉ giết ở Nàn Ma. Mấy ngày tìm kiếm khó khăn cuối cùng tôi cũng gặp được cô gái Sùng Thị Dèng năm xưa, nay đã ngoại bát tuần. Cụ kể lại chuyện phỉ giết các chiến sỹ văn công ở nhà ông Thào Seo Xừ và cùng một cán bộ (Đỗ Tùng) chôn xác những người chết. Rồi cụ thở dài, buông lời than buồn bã: "Các chiến sỹ văn công đàn giỏi, hát, múa rất hay. Vậy mà bọn Tráng Seo Khún lại giết văn công. Cái bụng người Nàn Ma thương bộ đội văn công lắm". Chính lời của cụ đã gợi cho tôi ý tưởng phim "Rừng thương, núi nhớ".
Một tháng sau, chúng tôi lên Xín Mần quay phim. Quay những cảnh ở Nàn Ma xong, chúng tôi trở lại huyện. Tối hôm ấy, tôi lên Nghĩa trang Cốc Pài, ngồi bên mộ những liệt sỹ văn công. Tự nhiên nước mắt rơi đầm ướt áo. Khi tĩnh tâm lại tôi mới hiểu, những giọt lệ của tôichia đôi: một cho những người nằm dưới mồ, một cho cha tôi đã về với thế giới người hiền. Tôi thầm nói với vong linh người: "Thưa cha, con đã làm được điều cha di huấn". Đêm hôm ấy tôi về, tôi viết ngay bài hát “Khúc hát tên anh” và bài thơ "Cảm tác".
Phim làm xong, được phát trên kênh VTV1 Đài THVN và gây tiếng vang lớn. Nhiều khán giả màn ảnh nhỏ viết thư yêu cầu phát lại. Có những kỷ niệm tôi không bao giờ quên: Một lần, tôi vào thành phố Hồ Chí Minh, các cụ cựu chiến binh trung đoàn 148 đến gặp, ôm tôi trong lòng khóc và nói "Anh ơi, anh đã cho tôi gặp lại những đồng đội quả cảm của mình".
Hôm nay, viết những dòng chữ này, ôn lại kỷ niệm xưa, chính tôi cũng rưng rưng lệ và thầm biết ơn các đồng chí lãnh đạo huyện đã giúp tôi làm việc nhân, việc nghĩa ấy. Chính các đồng chí đã góp phần làm nên cuốn phim gây xúc động bao người.
Nghĩ đến chuyện xưa, lòng ta trong sáng biết bao. Vậy mà ngẫm cảnh ngày nay, lòng ngao ngán biết nhường nào: Những kẻ tự xưng là sao trên bầu trời ca nhạc liệu có lấy tấm gương của các liệt sỹ - nghệ sỹ văn công Trung đoàn 148 để soi mình không? Các người hãy sống và làm việc sao cho xứng với tấm gương hy sinh anh dũng của những nghệ sỹ chân chính, quả cảm. Hãy nhớ rằng, chính những người nghệ sỹ quá cố ấy mới là những ngôi sao sáng muôn đời bất tử.
Hà Nội ,15 tháng 7 năm 2012
Ý kiến bạn đọc