Lên Hạ Thành nghe câu cọi, điệu then
HGĐT- Không biết từ bao giờ, tôi yêu câu hát then, yêu những mái nhà sàn đơn sơ. Nơi đây vào những ngày hội xuân hay sau mỗi mùa lúa mới thơm nồng hương cốm, các cô gái Tày trong trang phục truyền thống, tay cầm đàn tính quây quần bên bếp lửa lại vang lên những điệu then, điệu cọi làm say đắm lòng người.
Đội văn nghệ thôn Hạ Thành biểu diễn phục vụ du khách đến thăm Làng văn hóa du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới thôn Hạ Thành, xã Phương Độ (TPHG).
Sinh ra và lớn lên tại nơi được coi là cái nôi hát then của Tuyên Quang, song tôi lại không có nhiều cơ hội để được nghe những câu dân ca này. Nhưng không phải vì thế mà tôi quên đi làn điệu say đắm, ngọt ngào, vì tiếng đàn tính hòa cùng lời then vang vọng như đã ngấm vào máu, thôi thúc tôi đến với Làng Văn hóa du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới thôn Hạ Thành, xã Phương Độ (TPHG), để được đắm chìm trong câu hát cọi, hát then.
Nằm cách trung tâm thành phố Hà Giang 6km, Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Hạ Thành hiện lên trước mắt chúng tôi thật yên bình. Cả thôn có 117 hộ, chủ yếu là đồng bào Tày. Nơi đây bà con vẫn giữ được nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, trong đó nổi bật là các làn điệu dân ca như hát then, hát cọi, đặc biệt là những điệu múa cổ truyền như: Múa đàn tính, múa gậy, múa còn, múa chầu then… đó là những vũ điệu dân gian làm đắm say lòng người bởi chất phóng khoáng và giàu tính ước lệ.
Tiết mục "Múa đàn tính" của Đội văn nghệ thôn Hạ Thành.
Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Ngân, phụ trách Đội văn nghệ thôn Hạ Thành cho biết: Đội của chị có 10 thành viên, là những người có chung niềm đam mê hát then. Mỗi khi có sự kiện, hội nghị, hay những buổi giao lưu với các thôn, xã khác, thì các thành viên trong đội dù có bận đến đâu, các chị cũng sắp xếp công việc để tham gia biểu diễn.
Còn chị Nguyễn Thị Mai, một thành viên trong đội cho biết: “Ban ngày các chị đi làm, cứ đêm đến chị em lại phấn khởi rủ nhau đi tập đàn, tập hát, vui lắm. Ngày đi lao động vất vả là thế, nhưng được hát những giai điệu truyền thống của quê hương, các chị như được góp sức vào bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc. Hiện nay trong thôn, hầu như ai cũng biết một vài câu hát then…”.
Ở mỗi vùng quê đều có những làn điệu hát then khác nhau, then Hà Giang nhấn nhá từng tiếng một và mở đầu câu hát bằng từ “ới la”. “Ới la” nghĩa là khát vọng giao đãi của con người với đất trời, thiên nhiên, vạn vật. Trong hát then, nhạc cụ đệm được sử dụng là đàn tính. Đàn tính là loại nhạc cụ độc đáo âm thanh ngọt ngào, có sức hấp dẫn, gắn chặt với đời sống tinh thần của dân tộc Tày bao đời nay. Đàn tính thường có 3 dây; hộp đàn làm bằng vỏ quả bầu khô; cán làm bằng thân cây gỗ. Một nghệ nhân hát then giỏi phải biết kết hợp cả 3 yếu tố: Miệng hát, tay gẩy đàn tính, ngón chân đeo chùm nhạc, xóc nhẹ theo từng câu hát, tạo nên giai điệu khi réo rắt, du dương, khi thì thầm như tiếng suối gọi… Các chàng trai, cô gái nghe thấy phải lần theo tìm bạn, người già nghe được như thấy mình trẻ ra.
Vốn văn hóa truyền thống của người Tày như những mạch ngầm của đầu nguồn con suối, chảy qua từng gốc cây, khe đá không bao giờ cạn, song cùng với dòng chảy của thời gian, vốn văn hóa đáng quý ở thôn Hạ Thành cũng đang bị mai một. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn những người rất tâm huyết như cụ Nguyễn Thị Định, thôn Tân Tiến, xã Phương Độ. Dù đã 77 tuổi, cụ Định vẫn miệt mài ngày đêm sáng tác và truyền dạy những lời then, điệu múa cho con cháu. Hiện nay, trên địa bàn xã Phương Độ, cụ Định là người duy nhất còn hát và nhớ được những động tác múa của then cổ. Không những truyền dạy cho đội văn nghệ trong thôn mình, mà các đội văn nghệ của các thôn khác như thôn Hạ Thành đều được cụ truyền dạy nhiệt tình. Nhờ có những người như cụ Định và nhiều nghệ nhân khác, giờ đây, tiếng đàn tiếng hát ngày đêm vẫn réo dắt ở thôn Hạ Thành, đem lại niềm vui cho người già con trẻ, dòng suối được khơi nguồn vẫn ngọt ngào xuôi chảy. Dẫu vậy, cụ Định vẫn đau đáu nỗi lòng, bởi trong nhịp sống ngày nay, nghệ thuật hát then, đàn tính đang bị mai một dần, thế hệ trẻ ngày càng thờ ơ với nguồn cội của mình. Những nghệ nhân già như cụ rồi cũng sẽ đi xa, nếu không có những giải pháp gìn giữ thì chẳng bao lâu nữa, lớp con trẻ chẳng còn biết thế nào là hát cọi, múa then.
Để nghệ thuật hát then, đàn tính được tồn tại và phát triển, chúng tôi thiết nghĩ, các cấp, các ngành cần nhanh chóng vào cuộc. Ngoài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp người dân, nhất là giới trẻ yêu thích hát then, đàn tính. Hàng năm, tỉnh nên tổ chức hội nghị tôn vinh các nghệ nhân, hạt nhân văn hóa, nhằm động viên và cổ vũ họ truyền dạy điệu then, đàn tính cho thế hệ trẻ và đào tạo người kế nghiệp. Bên cạnh đó, thành lập các câu lạc bộ hát then, đàn tính gắn với phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; tổ chức các cuộc thi hát then, đàn tính tại các địa phương và ở tỉnh...
Chia tay thôn Hạ Thành, với những ngôi nhà sàn đơn sơ núp dưới đồi cọ và tấm lòng mến khách của người dân nơi đây, cùng những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày đã để lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng chúng tôi. Dẫu biết rằng trong cuộc sống hôm nay, mọi người đều chăm lo phát triển kinh tế, nhưng với người dân thôn Hạ Thành, hát then, đàn tính đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, là linh hồn trong đời sống văn hóa của đồng bào nơi đây, góp phần làm động lực cho bà con hăng hái tăng gia sản xuất. Ban ngày, những lời then theo chân người lao động ra đồng ruộng, đêm về mọi người lại quây quần bên bếp lửa cùng nhau hát những lời then, làm vang vọng núi rừng, khe suối.
Ý kiến bạn đọc