Hoàng Su Phì - Đất “nở hoa”
HGĐT- “Quê em Hoàng Su Phì, quanh năm nghe rừng thông hát. Vi vu gió thổi mà nghe như khúc nhạc chiều...”. Chìm trong giai điệu mượt như nhung đó mà chẳng bao lâu tôi đã đứng giang tay trên Cổng trời I, đón gió lộng về từ 4 phương.
Ruộng bậc thang ở xã Nậm Ty (Hoàng Su Phì). Ảnh: BÌNH MINH
Trong tầm mắt mùa Thu xanh ngắt, một bức hoạ khổng lồ ai vẽ trong không gian xanh của mùa Thu hiện lên giữa sông núi hùng vĩ. Bức hoạ đó có cả không gian mênh mông của trời đất, sự kết lắng sâu thẳm của lòng người được hoà trộn quấn quýt vào nhau. Trong bức hoạ đó có các bước sóng do trời đất tạo thành với những đường ven tuyệt đẹp. Nét đẹp đó là khung cảnh ruộng bậc thang đang mùa vàng lúc Thu sang. Nét đẹp đặc trưng của Hoàng Su phì cứ bám theo tôi dọc từ Cổng trời I, chạy dọc theo tỉnh lộ 177 qua cua Tả Quan vào Cổng trời II, cứ thế đẹp mãi, rực rỡ mãi trên con đường tới miền Tây của tỉnh.
Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì Hoàng Hải Lý cho biết: Mùa này, huyện cấy gần 3.500 ha lúa chủ yếu là giống mới. Việc đưa giống mới có chọn lọc vào cấy thâm canh trong nhiều năm nay đã tạo cho Hoàng Su Phì cơ bản đảm bảo an ninh lương thực cho trên 60.000 con người. Mỗi năm bình quân trên “bức hoạ” đồng quê ấy, đồng bào trong huyện thu về trên 25-27.000 tấn thóc. Ngoài ra, ở trên đó còn có trên 3.000 ha đậu tương, hàng ngàn ha ngô đậu các loại nữa cộng dồn vào thu về trên 37 – 38 ngàn tấn lương thực vừa nuôi sống, vừa kiến thiết xây dựng Hoàng Su Phì ngày một giàu mạnh. Thông tin trên của anh Chủ tịch UBND huyện nếu không tận mắt nhìn thấy, chắc hẳn ít ai hình tượng được. Một kỳ tích nữa của dải ruộng bậc thang uốn lượn trong lưng núi kéo dài như nét “Hào hoa cô thôn nữ miền sơn cước” tuổi đôi mươi làm đắm say bao chàng trai trong bản. Nét uốn cong tuyệt vời đó làm nên bởi đôi bàn tay, khối óc của bà con các dân tộc Hoàng Su Phì đã miệt mài trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt
Làm gì để gìn giữ và phát huy “Di sản ruộng bậc thang”? Bí thư Huyện uỷ Hoàng Su Phì Nguyễn Văn Mão cho biết: Bảo vệ vững chắc mảnh đất cha ông để lại là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc. Tiếp đó là làm cho “Di sản” ngày càng đem lại lợi ích to lớn cho con người, từ lợi ích kinh tế, đến giá trị văn hoá, giá trị tinh thần. Giá trị đó thuộc về các dân tộc Hà Giang, dân tộc Việt
Có thể nói bức hoạ khổng lồ là “Di sản ruộng bậc thang” mà các thế hệ tiếp nối nhau làm nên hôm nay chính là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc Hoàng Su Phì. Mảnh đất khó xưa, nay đã đơm hoa, kết thành trái ngọt. Hãy đến Hoàng Su Phì ngay bây giờ để thấy vùng miền này, đất đã “nở” hoa.
Ý kiến bạn đọc