Sắc mầu Cao nguyên đá giữa đất trời Ban Mê

16:09, 29/08/2012
  HGĐT- “Trời Tây Nguyên xanh

Hồ trong nước xanh

Trường Sơn xa xanh

Ngút ngàn cây xanh”…

(Tình ca Tây Nguyên – Hoàng Vân)



 Một góc thành phố Buôn Ma Thuật.

Đắk Lắk, trung tuần tháng 8.2012, “Đến hẹn lại lên”, những con đường đổ về TP. Buôn Ma Thuột thủ phủ của Tây Nguyên thường ngày vốn đã nhộn nhịp bởi những chuyến hàng đầy ắp cà phê, hồ tiêu, hạt điều đi về như con thoi, nay càng thêm tấp nập bởi nơi đây được Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) lựa chọn là địa phương đăng cai Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc (Đợt 2) năm 2012 - Sự kiện văn hóa tầm cỡ quốc gia được tổ chức theo chu kỳ 3 năm/một lần.

 

“Trẻ trung”, “dễ thương”, “độc đáo!”


Phải nói ngay, đến với những cuộc “so tài” như thế này, chẳng có đơn vị nghệ thuật nào “yếu” cả mà chỉ có những đoàn chưa khai thác một cách hiệu quả những “mầu sắc góc cạnh” làm nên “bản vị” cho riêng mình mà thôi. Nên lọ mọ đủ thứ, từ sân khấu đến phục trang, nhạc cụ, đạo cụ, tất tật đều phải “bê” nguyên xi từ “nhà”. Riêng âm thanh, ánh sáng, các đoàn có điều kiện đều “xài sang”, mang theo đủ bộ. Đoàn không có điều kiện thì sử dụng “đồ” của Ban tổ chức. Gần 2.000 nghệ sỹ, diễn viên của 32 đoàn, trong đó có những đoàn rất mạnh như Nhà hát Quân đội, Ca múa Bông Sen (TP. Hồ Chí Minh)…hội tụ đông vui ở Buôn Ma Thuột. Mỗi đoàn một vẻ, góp phần tạo nên bức tranh đa sắc cho Liên hoan. Đoàn Nghệ thuật Hà Giang cũngđược công chúng khán giả đất thủ phủ cà phê rô-buýt-ta Tây Nguyên “để mắt” vì mang theo chương trình không “đụng hàng” với tên gọi “Sắc mầu Cao nguyên Đá”.Trung tâm Văn hóa Đắk Lắk sáng 13.8, đông như nêm cối nhưng nhiều người vẫn háo hức nán lại “xem Hà Giang diễn” sau khi đã “mãn nhãn” với sự mở đầu hoành tráng của Nhà hát Quân đội và Đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu. Khán giả công tâm nhận xét: “Điểm cộng của Đoàn Hà Giang là sự“trẻ trung”, “dễ thương”, “độc đáo”. Trước khi đến với Liên hoan, các nghệ sỹ trong Đoàn đã trải qua mấy tháng trời miệt mài trên sàn tập. Ngay cả lúc đi đường, mọi người vẫn tranh thủ tập. Việc thu thanh, ghi hình tại trường quay NTV (Đài PT-TH Nghệ An), BTV (Đài PT-TH Bình Định) nằm trong kế hoạch “tập nhắc”, “tập nhẹ” vừa khoa học, vừa hiệu quả mà lãnh đạo Đoàn đã lựa chọn. “Sắc mầu Cao nguyên Đá” cũng nhờ thế mà lung linh hơn, vang xa hơn, đến được với hàng triệu khán thính giả yêu nghệ thuật biểu diễn ca múa nhạc của các tỉnh duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, đông đảo công chúng trong nước, ngoài nước.

 

Nỗ lực “biến đá thành vàng!”


Trước đây, Ca múa Hà Giang đã nhiều lần tham dự các liên hoan, hội diễn toàn quốc. Thành tích cao nhất là Huy chương Bạc. Lần ra quân này, các nghệ sỹ của Đoàn đều đồng lòng tự nhủ, đến Đắk Lắk không chỉ để “học hỏi” mà phải nỗ lực để “đổi mầu huy chương!”. Kết quả, về ca, 2 tiết mục: “Giai điệu Cao nguyên Đá” (Sáng tác: Đỗ Hồng Quân; thể hiện: Ca sỹ Minh Đua - Sỹ Tùng) và“Lời ru chiều vàng” (Sáng tác: NSUT Quang Vinh; thể hiện: Ca sỹ Trọng Tuyên) đoạt Huy chương Bạc. Về múa, tác phẩm “Hồn Đá” (Âm nhạc: Quốc Tuấn; biên đạo: NSƯT Hữu Từ; thể hiện: Tập thể Đội Múa) đoạt Huy chương Vàng – Một thành tích khả quan, rất đáng khen trong điều kiện số lượng các đoàn, số diễn viên, số tác phẩm dự thi tại Liên hoan năm nay đông gấp 3 lần Liên hoạt đợt 1 (tại Sơn La) và cũng là Liên hoan có số lượng các đoàn, số diễn viên đông nhất từ trước tới giờ. Chả thế mà nhiều người đã nói một cách vui vẻ rằng Đoàn Hà Giang đãnỗ lực “biến đá thành vàng” là vì thế.

 

Hướng đi mới = Tư duy mới + Sáng tạo và sáng tạo


Sau 10 ngày thi đấu tranh tài, 143 bộ huy chương đã có chủ. 7 đơn vị có Huy chương Vàng toàn đoàn (Thực chất là Giải cho Chương trình) là “chủ nhà” Đắk Lắk và một số đơn vị nghệ thuật đến từ Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Qua cách chấm của Ban Giám khảo, các đoàn cũng có thể rút ra nhiều bài học bổ ích cho mình, nhất là về hướng phát triển riêng trong chiến lược chung của Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch và của từng địa phương. Cụ thể hơn là rút kinh nghiệm về sự gắn kết giữa nội dung và hình thức thể hiện, sự “lắp ghép”, phối hợp nhuần nhuyễn giữa “ca” với “múa” và “nhạc”. Đặc biệt là sự cân đối, tỷ lệ giữa yếu tố dân tộc truyền thống với yếu tố tân tiến, thời đại. Rõ nhất trong lĩnh vực múa, một lĩnh vực luôn đòi hỏi những sáng tạo mới mẻ không chỉ ở âm nhạc, phục trang, đạo cụ mà còn phải có sự thay đổi tư duy thực sự về ngôn ngữ vũ đạo. Các chuyên gia, biên đạo khi sáng tác, dàn dựng tác phẩm phải mạnh dạn gạt bỏ những “lối mòn” trong thiết kế, tổ hợp được những trình thức múa mới đậm đà hơi thở của cuộc sống đời thường đan xen với kỹ thuật ballet cổ điển, thể dục nhịp điệu (Aerobic), khiêu vũ thể thao (Dance Sport), Hip-hop (Break Dance). Nhạc phối khí theo phong cách giao hưởng thính phòng, bán cổ điển, dân gian đương đại như xưa nay vẫn làm nhưng nếu cần, có thể sử dụng cả nhạc điện tử (Electronic Music), Word Musique, thậm chí, cả nhạc Dj, miễn sao tập trung nêu được được chủ đề một cách hiệu quả. Chương trình thì có 2 model: Một là chạy theo lối “liên khúc”, “liền mạch” với kết cấu “chương hồi”, hai là “bài nối bài” nhưng không để “thời gian chết”. Sân khấu thiết kế theo lối mở (Open), có sự hỗ trợ tạo các hiệu ứng đặc biệt nhờ hệ thống thiết bị ánh sáng, âm thanh, máy chiếu hiện đại nên tự nhiên, “bắt mắt”, tránh được sự đơn điệu, cũ mòn, tạo ra sức hấp dẫn, mời gọi đối với người xem, nhất là giới trẻ, một đối tượng rất đáng được quan tâm nhưng dường như lâu lắm rồi, các đơn vị “văn công tỉnh” thường “lãng quên”! Suy cho cùng, nghệ thuật vừa phải “vị nghệ thuật” vừa phải “vị nhân sinh”. Sân khấu muốn tồn tại phải có người xem, có tiềm năng quảng bá, có sức hút đối với khán giả. Một tác phẩm nghệ thuật đích thực, sau khi lọt vào “mắt xanh” của ban giám khảo, phải có đời sống thực trên sàn diễn chứ không phải để “lưu kho”, trở thành “tiêu bản chết”. Muốn thế, tiết mục phải đạt chất lượng. Với tinh thần ấy, tác phẩm múa đương đại “Hồn Đá” do Đoàn Nghệ thuật tỉnh dàn dựng và biểu diễn tại Liên hoan năm nay thực sự là một khúc tráng ca ca ngợi tinh thần nhân văn, hào sảng, vượt khó, bám trụ vững vàng nơi biên cương địa đầu Tổ quốc của đồng bào các dân tộc Hà Giang. Cái tài của NSƯT Hữu Từ là đã hiện thực hoá được ý tưởng “sống trên đá, chết nằm trong đá” (Câu thơ nổi tiếng của một nhà thơ ở địa phương) thành hình tượng, ngôn ngữ múa sinh động, tạo nhiều “đất diễn” cho nghệ sỹ. Tác phẩm vì vậy sinh động, hấp dẫn, mới lạ. Một sự thể nghiệm thành công khởi đầu từ sự khác biệt so với tiền lệ, đạt các tiêu chí sáng tạo mà Cục Nghệ thuật - Biểu diễn, Ban tổ chức, Ban Giám khảo Liên hoan đề ra. Quan trọng hơn, nó đã phần nào đáp ứng được yêu cầu thưởng lãm ngày càng cao của công chúng yêu nghệ thuật đồng thời gợi mở một hướng đi mới trong thiết kế, “lên khung” nội dung, chương trình biểu diễn ca múa nhạc “thời kỳ hậu hiện đại” đối với các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp ở các tỉnh miền núi phía bắc.

 

Xin chung vui, chúc mừng tập thể Đội Múa, chúc mừng Đoàn Nghệ thuật Hà Giang trong chuyến đi dọc chiều dài đất nước, giữa Tháng Tám Mùa Thu lịch sử năm 2012. Cảm ơn các nghệ sỹ, diễn viên đã nỗ lực không mệt mỏi để giới thiệu những vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, đất nước, con người Hà Giang trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc qua Chương trình “Sắc mầu Cao nguyên Đá” nơi đất trời Tây Nguyên. Cảm ơn các bạn đồng nghiệp, văn nghệ sỹ, công chúng khán giả các miền quê, dọc “Hành trình xuyên Việt”, đã luôn yêu thương, song hành và sát cánh, khích lệ động viên Đoàn với tình yêu, hy vọng, các nghệ sỹ của chúng ta đang “trở lại”, mạnh mẽ hơn, tự tin hơn, đạt được những đỉnh cao mới trong lao động sáng tạo nghệ thuật, xứng đáng với hình ảnh, trọng trách là những “Đại sứ Văn hoá” chuyển tải thông điệp từ cuộc sống lao động bình dị của 22 dân tộc anh em sống trên dải đất biên cương cực Bắc đến với đồng bào và chiến sỹ cả nước./.


ĐÌNH PHÚC

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nhớ trường
HGĐT- Bao năm gắn bó với mái trườngBục giảng ngày nào bụi vấn vươngLớp lớp học trò rời bến đậuTrở về gieo chữ cho quê hương
29/08/2012
Chiều thôn Tha
Ai lên Phương Độ chiều nayTrời nghiêng nắng rắc hoa đầy thôn Tha
29/08/2012
Nhớ Trường Sa
HGĐT- Em phải về với cao nguyên xứ đáXa các anh lính đảo kiên trungTuổi đôi mươi chưa một lần ước hẹnĐêm nằm mơ nhơ mẹ, nhớ quê hương.
29/08/2012
Sắc mầu Cao nguyên đá giữa đất trời Ban Mê
HGĐT- “Trời Tây Nguyên xanh Hồ trong nước xanh Trường Sơn xa xanhNgút ngàn cây xanh”…(Tình ca Tây Nguyên – Hoàng Vân)
29/08/2012