Văn hóa giao thông qua những góc nhìn

08:50, 29/09/2012

“Mẹ ơi đèn đỏ rồi, dừng xe lại đi. Bố ơi đội mũ bảo hiểm cho con. Lời nói của con trẻ năm nay vào lớp một khiết tôi thực sự suy nghĩ và nghiêm túc nhìn nhận lại hành vi, thái độ tham gia giao thông của mình”. Đó là câu chuyện của các bậc phụ huynh mà chúng tôi tình cờ nghe được đã gợi mở cho mỗi người nhiều điều suy ngẫm về văn hoá giao thông.


BÀI HỌC TỪ CON TRẺ

Câu chuyện của anh Hà (thị trấn Vinh Quang - Hoàng Su Phì) khi tôi tình cờ nghe được vào ngày khai giảng năm học mới vừa qua khiến tôi thực sự xúc động và cũng mở ra nhiều hy vọng. “Ngày khai giảng năm học mới, gia đình chúng tôi dậy từ rất sớm để chuẩn bị cho cậu con trai vào lớp 1”, anh Hà mở đầu câu chuyện như vậy. Con trẻ đến trường, bố mẹ bận rộn lo bao nhiêu thứ, nào là quần áo, sách vở, chọn cặp gì cho con, rồi còn lo lắng con đến trường khi bố mẹ không ở bên cạnh có khóc không, có đùa nghịch như ở nhà không...? Giờ tập trung đã đến, hai bố con lên xe máy, cậu con trai ngồi trước, vai đeo cặp siêu nhân rất tự tin. Tôi nổ máy, chuẩn bị xuất phát thì cậu con trai nói “Bố ơi đội mũ bảo hiểm cho con”. Nghe con nói, tôi mới nhớ ra, ừ đúng rồi, theo Luật Giao thông đường bộ thì trẻ em 6 tuổi phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Định tặc lưỡi bỏ qua vì đoạn đường từ nhà đến trường chưa đầy 500 m, cần gì phải đội mũ. Thế nhưng, cậu con trai không thoả hiệp với bố, cháu cương quyết không đi còn nói cô giáo dặn phải đội mũ bảo hiểm khi đến trường. Vậy là hai bố con, trên đầu đội hai mũ bảo hiểm đến trường trong niềm vui khôn tả, đứng chờ con bên ngoài cổng trường, tôi cứ nghĩ mãi, trẻ em đã có ý thức tham gia giao thông, vậy tại sao người lớn lại không thể thực hiện.

 

Quá trình hình thành ý thức, tư cách con trẻ chịu tác động rất lớn từ hành vi, cách hành xử hàng ngày của người lớn. Người lớn trong gia đình gương mẫu thì trẻ em cũng hình thành được tính tự giác, tôn trọng mọi người và ngược lại. Trong giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông cũng vậy, nếu người lớn tôn trọng, thực hiện đúng quy định thì cũng có tác động rất lớn đến hành động của con trẻ. Chính vì vậy, việc đưa giáo dục ATGT vào nhà trường ngay từ bậc học mầm non sẽ rất hữu ích. Chị Hải Anh, phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang có lần tâm sự: Còn nhớ cách đây 3 năm, khi con gái tôi mới 4 tuổi, buổi sáng Chủ nhật, cả nhà chở nhau đi ăn sáng, bố mẹ có mang theo mũ bảo hiểm nhưng không đội. Đang trên đường về gần tới nhà thì có hai chú cảnh sát giao thông (CSGT) ra hiệu lệnh dừng xe. Biết mình vi phạm nên tôi nghiêm chỉnh chấp hành, nộp phạt theo đúng quy định. Cứ tưởng mọi chuyện chẳng có gì đáng nói, người lớn nhanh quên vì còn nhiều việc phải lo. Khác với người lớn, con trẻ lại nhớ rất lâu, mỗi lần đi ra đường, nhìn thấy các chú CSGT đang làm nhiệm vụ, cô con gái lại nhắc đến lần bố mẹ bị phạt tiền vì không đội mũ bảo hiểm. Rồi có lần đón con từ trường mầm non về nhà, đến đoạn đường có đèn tín hiệu giao thông đã chuyển từ xanh sang vàng, đang định nhấn ga vượt tiếp nhưng con gái đã kéo áo nhắc “Mẹ ơi, đèn đỏ rồi, dừng xe lại đi”. Đem câu chuyện này kể với mọi người trong gia đình và cùng thống nhất, trong mọi trường hợp đều phải chấp hành nghiêm Luật giao thông. Con trẻ đã chấp hành, không có lý do gì người lớn lại bỏ qua. Cả gia đình chúng tôi đều mong muốn, con mình lớn lên sẽ trở thành công dân tốt, có tinh thần thượng tôn pháp luật.

 

Được biết, triển khai thực hiện năm ATGT 2012, các cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của mọi người dân. Trong đó, việc đưa giáo dục ATGT vào nhà trường đã có tác động tích cực. Dự Lễ khai giảng năm học mới với cô, trò trường PTDT Nội trú Hoàng Su Phì, phần thi tìm hiểu Luật giao thông với hình thức hái hoa dân chủ, và tiểu phẩm hài do các em học sinh biểu diễn có sức lan toả lớn, tạo sự hào hứng cho trên 250 học sinh. Nếu như việc giáo dục ATGT được làm thường xuyên trong nhà trường, thì sau này chúng ta sẽ có được thế hệ công dân mới, sống trong tinh thần tôn trọng pháp luật, tôn trọng chính mình và mọi người xung quanh.

 

CÁCH HÀNH XỬ CỦA NGƯỜI LỚN

Năm ATGT 2012 đã đi qua 3/4 chặng đường với hàng loạt các hoạt động tuyên truyền triển khai đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, bằng nhiều hình thức khác nhau đã góp phần quan trọng, quyết định làm giảm thiểu TNGT trên cả ba tiêu chí. Đặc biệt, sự kết hợp các lực lượng công an cùng tham gia tuần tra đảm bảo TTATGT ở các địa bàn trọng điểm đã lập lại trật tự trên các tuyến đường. Tuy nhiên, theo số liệu của cơ quan chức năng, ngày nào trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra các vụ vi phạm giao thông với những lỗi cơ bản như uống rượu bia khi điều khiển phương tiện, vượt quá tốc độ, chở quá số người quy định, đi không đúng phần đường...

Quan sát tại các nút giao thông trên địa bàn thành phố Hà Giang, các vị trí có tín hiệu giao thông vào những giờ không có lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, chúng tôi vẫn ghi nhận được nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không chấp hành tín hiệu đèn, trong đó có nhiều người là cán bộ công chức thuộc các cơ quan Nhà nước. Còn ban đêm, chạy xe trên các tuyến phố, chúng tôi thường xuyên bắt gặp những trường hợp không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định. Đặc biệt trên tuyến đường Hà Giang - Thanh Thuỷ, nhiều khi lực lượng Cảnh sát cơ động vừa đi tuần qua là có 2-3 tốp thanh niên điều khiển xe máy kẹp 3-4 không đội mũ bảo hiểm, rú ga lạng lách gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Có nhiều trường hợp cán bộ Nhà nước, khi vi phạm bị lực lượng CSGT tạm giữ xử phạt thì liên tục viện dẫn lý do vội đến cơ quan, vội họp... để tìm kiếm sự thông cảm. Nhưng, người viết bài nhiều lần chứng kiến, chính cán bộ đó lại la cà quán cafe khi đang trong giờ hành chính. Chẳng nhẽ, chỉ vì một chút vội công việc, họ lại dễ dàng chấp nhận vi phạm Luật giao thông! Sự vội vàng đó, không chỉ làm xấu đi hình ảnh của chính bản thân cán bộ, công chức mà có thể gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

 

Bàn về văn hoá giao thông qua câu chuyện của con trẻ và những điều người lớn chúng ta đang làm hàng ngày, hy vọng mỗi người sẽ rút ra cho mình một cái nhìn đúng để cùng hành động đúng.


THIÊN THANH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mong manh
Núi có cây che xanhLá có thân cành nâng đỡ
29/09/2012
Vững vàng niềm tin
(Kỷ niệm 50 năm tuổi Đảng 7/9/1962-7/9/2012)
29/09/2012
Em bé Đồng Văn
Những em bé vùng caoCặp sách lệch vai, tíu tít vẫy chào
29/09/2012
Mặt trời của mẹ
Tặng con trai yêu quý!
29/09/2012