“Chuyện miền đá”

10:24, 18/10/2012

HGĐT- Câu chuyện về cuộc sống của 96 hộ đồng bào người Mông nơi rẻo cao Lao Xa, xã Sủng Là (Đồng Văn) được tái hiện một cách chân thực, sinh động và đầy nhân văn trong bộ phim “Chuyện miền đá” mà nhóm làm phim thuộc Dự án “Truyền thông dựa vào cộng đồng tại Việt Nam” do quỹ Ford tài trợ sẽ được trưng bày và trình chiếu vào ngày 21.10 tại Bảo tàng tỉnh là một cách tiếp cận mới trong việc chuyển tải thông tin về cuộc sống của cộng đồng các dân tộc đến với đông đảo công chúng.



    Đoàn làm phim giới thiệu với cộng đồng về phương pháp làm phim mới.

Một bộ phim không có... “kịch bản”

“Chuyện miền đá” có lẽ sẽ là một bộ phim không mới đối với khán giả khi nói về cuộc sống của cộng đồng người Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn với những phong tục, tập quán sinh hoạt và nét văn hóa đặc trưng của đồng bào, nhưng xem “Chuyện miền đá” chắc chắn công chúng sẽ có cái nhìn mới mẻ hơn, đủ đầy hơn và sâu sắc hơn về những giá trị cuộc sống của người dân nơi đây. Nguyên nhân là lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh Hà Giang, một phương pháp làm phim mới đã được thử nghiệm và áp dụng, đó là “Truyền thông dựa vào cộng đồng: Những câu chuyện với giọng nói chủ thể”. Đoàn làm phim bao gồm 2 phóng viên Đài PT – TH Hà Giang và 2 cán bộ Bảo tàng dân tộc tỉnh đã mất khoảng thời gian gần một năm để tiếp cận phương pháp mới và triển khai thực hiện bộ phim này. Điều đặc biệt là những người làm phim giờ đây chỉ đóng vai trò hướng dẫn gợi mở và hỗ trợ về mặt kỹ thuật quay và dựng phim, còn cộng đồng người Mông ở Lao Xa là chủ thể thảo luận, đưa ra ý tưởng, xây dựng nội dung, quyết định các câu chuyện, hình ảnh, bố cục bộ phim và lựa chọn những hiện vật phản ánh cuộc sống của người dân để trưng bày tại Bảo tàng. Sau khi ghi lại được ý tưởng của cộng đồng và nhiều lần dựng, bộ phim đã được trình chiếu cho cộng đồng xem để nhận phản hồi, chính họ sẽ đúc rút lại những điều cô đọng nhất, nét văn hóa đặc trưng nhất, phản ánh đầy đủ, sâu sắc nhất về đời sống của cộng đồng mình. Lần đầu tiên, họ được trao quyền để nói lên ý tưởng, suy nghĩ của chính mình về cuộc sống, điều mà trước đây, họ không hoặc chưa có điều kiện, cơ hội để bày tỏ. Cuộc sống của người Mông ở thôn biên giới Lao Xa đang gặp rất nhiều khó khăn, không có điện, nước sinh hoạt, giao thông đi lại không thuận lợi, các vấn đề về văn hóa - xã hội còn nhiều hạn chế... Thế nhưng người dân Lao Xa không quản ngại khó khăn, đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống để tìm hướng đi thoát nghèo, bảo vệ vững chắc biên cương, đồng thời gìn giữ những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào không bị mai một trước xu thế hội nhập hiện nay. Đây chính là lý do mà đoàn làm phim đã chọn Lao Xa là nơi để thực hiện bộ phim này với mong muốn thông qua ý tưởng của cộng đồng, họ sẽ có thêm nhiều cơ hội để bày tỏ và nhận được nhiều hơn sự quan tâm, sẻ chia sẻ từ mọi người. Anh Nguyễn Văn Phước, phóng viên Đài PT – TH tỉnh, người tham gia trong đoàn làm phim chia sẻ cảm xúc trong quá trình học và triển khai làm phim theo phương pháp mới: “Bộ phim chỉ dài trên dưới 30 phút, nếu làm theo cách truyền thống, có sẵn nội dung, kịch bản thì chúng tôi có thể quay và dựng trong 2 – 3 ngày và phát sóng được ngay, nhưng làm phim theo phương pháp này, đoàn làm phim phải trải qua 4 khóa học trong suốt một năm, vừa học, vừa tiếp cận cộng đồng, vừa hướng dẫn gợi mở để cộng đồng nói lên ý tưởng của mình, rồi bấm máy quay theo đúng ý tưởng của họ mà không can thiệp vào nội dung những câu chuyện họ kể... Với phương pháp mới này, tính chân thực, sống động và giá trị nhân văn về hiện thực cuộc sống được nâng lên rất nhiều, những người làm phim và cả công chúng sẽ có được một cái nhìn đầy đủ hơn đối với cộng đồng...”.

 

Khi cộng đồng được trao quyền ý tưởng...

Thành công từ những bộ phim đầu tiên theo phương pháp làm phim mới này vào năm 2006 là “Hà Nội, một thời gian khó” và “Một thời để nhớ”, nhóm làm phim của Bảo tàng dân tộc học Việt Nam đã giúp cộng đồng dân cư Hà thành ngày đó nói lên suy nghĩ về cuộc sống của chính mình, giúp công chúng có được sự cảm thông, chia sẻ nhiều hơn. Từ đây dự án làm phim “Truyền thông dựa vào cộng đồng tại Việt Nam : Những câu chuyện với giọng nói chủ thể” đã tiếp tục được quỹ Ford tài trợ để triển khai thực hiện thử nghiệm tại các tỉnh, thành là: Hà Nội, Kon Tum, Cà Mau, Hà Giang. Điều mà dự án hướng đến là trao quyền ý tưởng cho những cộng đồng người ít được có cơ hội để bày tỏ về mình, về những mong muốn, suy nghĩ của chính mình vì những điều kiện “khắc nghiệt” của hoàn cảnh, thông qua phương pháp này, họ sẽ có cơ hội để đến gần hơn với công chúng và toàn xã hội. Để hoàn thành bộ phim, đoàn làm phim phải hiểu và gây dựng được lòng tin từ cộng đồng, biết lắng nghe và chia sẻ với họ, kéo dần khoảng cách của người bấm máy với chủ thể tác phẩm; mục đích để cộng đồng được tham gia nhiều nhất vào việc thể hiện chủ đề, nội dung bộ phim. Phóng viên Đoàn Diệu Linh, Ban truyền hình tiếng dân tộc, Đài Truyền hình Việt Nam, người có vai trò là giáo viên hướng dẫn đoàn làm phim của tỉnh Hà Giang thực hiện phương pháp làm phim mới cho biết: “Khi mới tiếp cận về cách làm, trong đoàn làm phim có nhiều ý kiến trái ngược nhau nhưng khi trải qua khóa học, được tiếp cận, lắng nghe và chia sẻ với cộng đồng, những thành viên trong đoàn đều rất hứng thú và quyết tâm. Họ đều có chung nhận xét đây là một phương pháp làm phim hay, chân thực và ý nghĩa khi phản ánh hiện thực cuộc sống. Có thể, người làm phim sẽ phải mất thời gian và vất vả hơn so với phương pháp làm phim cũ như trước đây, nhưng ngược lại, hiệu quả xã hội sẽ lớn hơn rất nhiều lần...”.

 

Có mặt tại Bảo tàng tỉnh vào thời điểm này, không khí chuẩn bị cho buổi khai trương trưng bày và trình chiếu phim “Chuyện miền đá” đang diễn ra nhộn nhịp. Những người dân ở Lao Xa đã có mặt ở đây hơn tuần nay để trình bày ý tưởng của mình thông qua gian trưng bày tại Bảo tàng. Các hiện vật trưng bày đều do người dân sưu tầm và trang trí, thể hiện cuộc sống sinh hoạt đời thời một cách rõ nét, gắn với những nét văn hóa đặc trưng, qua đó nói lên ý tưởng, mong muốn của cộng đồng. Đó là một ngôi nhà trình tường, dãy đá được xếp để làm nương, những dụng cụ trong sinh hoạt hàng ngày như cày, dao, quẩy tấu, cối đá, xoong nồi, quần áo... và cả những bông ngô được chất đầy trên giá bếp; bên cạnh đó, tại gian trưng bày, công chúng cũng sẽ được tận mắt chứng kiến hình ảnh cộng đồng người ở Lao Xa tái hiện lại một cách sinh động các hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày và những trò chơi dân gian của mình... Ông Vừ Chứ Lùng, người đang tham gia trình bày ý tưởng của cộng đồng Lao Xa tại Bảo tàng chia sẻ: “Người dân Lao Xa đã được Đảng và Nhà nước quan tâm nhưng cuộc sống vẫn còn vất vả lắm, các chú trong đoàn làm phim đã cho người dân Lao Xa được xem một bộ phim theo đúng suy nghĩ chung của cộng đồng mình. Bộ phim này là ý tưởng của người dân Lao Xa muốn gửi đến mọi người về hiện thực cuộc sống của chính mình...”.

 

Có lẽ những ai chưa một lần tìm hiểu, chưa một lần được lắng nghe chính những người trong cuộc bày tỏ, hẳn cho rằng đây là một phương pháp truyền thông mới nhưng thật rối rắm, khó hiểu, mất thời gian nhưng chắc chắn một điều rằng: “Chuyện miền đá” sắp được trưng bày và trình chiếu sẽ đủ sức lay động trái tim công chúng, giúp công chúng hiểu rõ hơn về cộng đồng người Mông đang sinh sống và gìn giữ biên cương nơi cực Bắc của Tổ quốc.


BIỆN LUÂN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phường Ngọc Hà: Tổ chức lễ hội đường phố lần thứ nhất, năm 2012
HGĐT - Tối 28. 9(13.8 âm lịch), Phường Ngọc Hà (TP Hà Giang) đã tổ chức Lễ hội đường phố lần thứ nhất, năm 2012.
30/09/2012
Mặt trời của mẹ
Tặng con trai yêu quý!
29/09/2012
Em bé Đồng Văn
Những em bé vùng caoCặp sách lệch vai, tíu tít vẫy chào
29/09/2012
Vững vàng niềm tin
(Kỷ niệm 50 năm tuổi Đảng 7/9/1962-7/9/2012)
29/09/2012