Mèo Vạc nỗ lực thực hiện các giải pháp bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

09:28, 29/10/2012

HGĐT - Trong những năm trở lại đây, do ảnh hưởng của xu thế toàn cầu hóa nên bản sắc văn hóa riêng biệt của một số dân tộc trong tỉnh đang đứng trước nguy cơ mai một. Là huyện có đông dân tộc sinh sống, Mèo Vạc luôn coi công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.


Mèo Vạc là huyện còn gặp nhiều khó khăn về mọi mặt, trình độ dân trí nói chung còn thấp, có tới 17 dân tộc anh em chung sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 77% dân số toàn huyện, tiếp đến là các dân tộc khác như: Giấy, Dao, Tày, Nùng, Lô Lô... sống quần tụ theo dân tộc, dòng họ ở các thung lũng hoặc sườn đồi và mỗi dân tộc lại có một phong tục, tập quán riêng. Điều này đã tạo nên những bản sắc văn hóa riêng biệt, không thể trộn lẫn của vùng cao nguyên núi đá. Trong xu thế phát triển chung của xã hội, sự đa dạng mầu sắc dân tộc như huyện Mèo Vạc bên cạnh việc tạo dựng thêm nhiều cơ hội phát triển tiềm năng du lịch thì nguy cơ mai một những bản sắc văn hóa riêng của mỗi dân tộc trên địa bàn lại đang đặt ra cho huyện nhiều thách thức trong bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Nhận thức rõ điều này, huyện Mèo Vạc đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp mang tính chiến lược để không chỉ bảo tồn, giữ gìn mà còn lấy đó làm lợi thế thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

 

Trong những năm qua, từ sự hỗ trợ, đầu tư của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình, dự án, cộng với tinh thần đoàn kết và quyết tâm XĐGN của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Mèo Vạc đã làm cho đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số từng bước được nâng lên. Những con đường được trải rộng, các phương tiện thông tin đại chúng cũng đang ngày một đến gần hơn với người dân. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trao đổi, giao lưu hàng hóa, phát triển kinh tế, nhất là giao lưu văn hóa. Ai cũng có thể nhận ra những điều tốt đẹp ấy nhưng phía sau đó lại là một “bài toán khó giải” trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc. Bởi lẽ, nhìn vào thực tế hiện nay, đã có không ít dân tộc trên địa bàn huyện Mèo Vạc đứng trước nguy cơ mất dần những nghề truyền thống hay bản sắc văn hóa riêng. Đơn cử như nghề đúc lưỡi cày ở Sủng Trà, nghề may mặc ở Sủng Máng hay những điệu thổi, múa khèn Mông... cũng đang dần phai nhạt theo thời gian. Đồng chí Nguyễn Thị Chanh, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mèo Vạc cho biết: Có một thực tế hiện nay là nếu là người nơi khác đến thì không dễ gì nhận ra trong một đám đông thanh niên ai là người thuộc dân tộc nào. Vì hầu hết lứa tuổi trẻ ở các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Mèo Vạc không thích sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc mình, ít nói tiếng mẹ đẻ, không thuộc các làn điệu dân ca, không nắm và hiểu các nghi lễ của dân tộc mình. Đặc biệt là hoạt động của cộng đồng dân cư trong văn hóa tâm linh như tín ngưỡng, lễ hội, lễ thức, nghi thức; văn hóa ẩm thực, gia truyền, gia đình thân tộc... cũng đang dần bị mai một.

 

Đứng trước tình hình đó, huyện Mèo Vạc đang không ngừng thực hiện các giải pháp nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trong huyện. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Sùng Minh Sính, Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc cho biết: “Bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn luôn là công tác được huyện Mèo Vạc coi trọng. Để phát huy hơn nữa những bản sắc đó, huyện Mèo Vạc đã, đang và sẽ thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa trong cộng đồng các dân tộc, tạo ra sự đoàn kết, gắn bó. Mặt khác, thông qua tổ chức các cuộc thi dân ca, dân vũ, đặc biệt vào những ngày lễ hội như Chợ tình Khau Vai, các hoạt động như chọi bò, chọi dê... vừa để động viên, khích lệ bà con phát triển kinh tế, cũng vừa tạo ra một cách giữ gìn văn hóa dân tộc”. Bên cạnh đó, huyện Mèo Vạc cũng rất chú trọng đến công tác phục dựng và tổ chức lễ hội để xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, phát huy những giá trị nhân văn và ý nghĩa lịch sử. Đồng thời phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc và đẩy mạnh hoạt động của Hội nghệ nhân dân gian. Bởi những người tham gia Hội nghệ nhân dân gian đều là những người hoạt động tự nguyện, tự quản, bình đẳng, không vì mục đích lợi nhuận, tuân thủ các chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, đây còn là những người có uy tín, giỏi nghề truyền thống, am hiểu về văn hóa dân gian, văn nghệ dân gian. Nhiều khi còn là thầy cúng, thầy thuốc, làm các thủ tục tín ngưỡng cho người dân. Được biết, tính đến nay huyện Mèo Vạc đã thành lập Hội nghệ nhân dân gian ở 18 xã, thị trấn và Hội này đang mang lại kết quả cao trong công tác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Chúng tôi đã có dịp đến thăm những người tham gia trong Hội nghệ nhân dân gian ở một số xã và xem lớp dạy múa khèn Mông ở xóm Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc hay ở xã Pải Lủng do các nghệ nhân cao tuổi trực tiếp giảng dạy. Điều ấn tượng nhất chính là qua niềm đam mê của những trẻ nhỏ trong các buổi học cho thấy, công tác giữ gìn văn hóa truyền thống của các dân tộc ở Mèo Vạc đang có nhiều tín hiệu vui. Nghệ nhân Thào Thị Chúa, người dạy múa khèn chia sẻ: “Lớp học có sự tham gia của rất đông trẻ em. Lớp học không chỉ khơi dậy niềm đam mê, thích thú của thế hệ trẻ mà qua đây, những điệu khèn, động tác múa khèn sẽ được lưu giữ qua nhiều thế hệ sau”.

 

Trong thời gian tới, huyện Mèo Vạc đang xây dựng một số đề án khôi phục, bảo tồn những nét văn hóa truyền thống ở một số dân tộc trên địa bàn. Trong đó có lẽ phải kể đến hướng xây dựng đề án khôi phục nghề đan lát tại một số xã như Cán Chu Phìn, Giàng Chu Phìn, Nậm Ban, Tát Ngà... Bởi đây sẽ là hướng đi vừa giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân, vừa khôi phục nghề truyền thống, lại vừa tạo ra sự đối trọng với truyền đạo trái pháp luật của những kẻ có âm mưu phá hoại. Bên cạnh đó, Mèo Vạc không ngừng đẩy mạnh xây dựng làng văn hóa, thôn, xóm văn hóa, gia đình văn hóa; thực hiện toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng NTM...


KIM TIẾN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phường Ngọc Hà: Tổ chức lễ hội đường phố lần thứ nhất, năm 2012
HGĐT - Tối 28. 9(13.8 âm lịch), Phường Ngọc Hà (TP Hà Giang) đã tổ chức Lễ hội đường phố lần thứ nhất, năm 2012.
30/09/2012
Vững vàng niềm tin
(Kỷ niệm 50 năm tuổi Đảng 7/9/1962-7/9/2012)
29/09/2012
Mong manh
Núi có cây che xanhLá có thân cành nâng đỡ
29/09/2012
Văn hóa giao thông qua những góc nhìn
“Mẹ ơi đèn đỏ rồi, dừng xe lại đi. Bố ơi đội mũ bảo hiểm cho con. Lời nói của con trẻ năm nay vào lớp một khiết tôi thực sự suy nghĩ và nghiêm túc nhìn nhận lại hành vi, thái độ tham gia giao thông của mình”. Đó là câu chuyện của các bậc phụ huynh mà chúng tôi tình cờ nghe được đã gợi mở cho mỗi người nhiều điều suy ngẫm về văn hoá giao thông.
29/09/2012