Người “lái đò” kiên cường

16:02, 29/04/2013

HGĐT - Trong cuộc sống, ai cũng có thần tượng để yêu quý, kính trọng, khâm phục và noi theo. Như bao người khác, tôi cũng có thần tượng của riêng mình. Không phải ca sĩ, diễn viên nổi tiếng, không phải giáo sư, tiến sĩ...; người mà tôi thần tượng hết sức bình dị, đó chính là Thầy giáo Trần Bá Duy, dạy môn Giáo dục công dân của lớp tôi.


Thầy Duy năm nay mới ngoài ba mươi tuổi, nhưng có lẽ do những sóng gió trong đời đã tôi luyện Thầy giáo của chúng tôi trở nên già dặn và cứng cỏi hơn tuổi. Mọi người kể lại, sau một lần bị tai nạn, Thầy đã mang di chứng (chân phải không được lành lặn, những bước đi thật khó khăn). Đến giờ, di chứng đó vẫn đeo bám Thầy tôi từng ngày. Nhưng ông trời vẫn muốn thử thách sự kiên cường của Thầy. Mấy năm gần đây, Thầy lại mang trên mình căn bệnh suy thận độ 4. Căn bệnh quái ác này khiến Thầy tôi đau đớn, mệt mỏi rất nhiều. Trước đây, ba lần một tuần phải chạy thận trên Hà Giang, nhưng giờ, Thầy Duy phải chạy thận tận Hà Nội với chi phí rất tốn kém. Đó chỉ là hiện tại, còn tương lai người Thầy giáo trẻ của chúng tôi? Bệnh viện sẽ là nhà của thầy ư ?... Đó là những điều tôi thường tự hỏi mình và thấy sống mũi cay cay...!

 

Nếu chỉ một mình đối mặt với con đường đầy rẫy khó khăn đó, có lẽ Thầy khó có thể vượt qua. Nhưng, đằng sau Thầy luôn có một người phụ nữ, đó là vợ Thầy. Đối lập với nghị lực to lớn của mình, cô ấy có vóc dáng nhỏ bé. Các thầy, cô trường tôi kể lại rằng, ngày trước, thầy Duy yêu một người con gái khác. Nhưng sau khi thầy “gặp chuyện” với chân của mình, người con gái đó đã không còn... với Thầy tôi nữa. Khép lại quá khứ buồn, thầy Duy đã gặp tình yêu thực sự của đời mình ở ngôi trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, đó là người vợ của Thầy bây giờ. Nhưng không phải ai cũng dễ dàng nắm bắt được hạnh phúc của mình. Trước khi đến với nhau, họ đã gặp phải những cản trở của gia đình. Vợ thầy, sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Cao Bằng cách xa Bắc Quang gần 600km, nên bố mẹ vợ Thầy không muốn con gái lấy chồng xa, một phần cũng là lo ngại bệnh tật của Thầy. Song, với tình yêu cháy bỏng và sự đồng cảm sâu sắc, cô ấy đã vượt qua, để đến với quê hương Hà Giang, làm vợ người đàn ông không được khỏe mạnh như bao người khác. Khi đó, cô còn chưa có công ăn việc làm ổn định. Ngoài đồng lương ít ỏi của Thầy Duy, cô phải làm rất nhiều việc để cùng chồng nuôi nấng đứa con trai bé nhỏ. Giờ, khi đã là một giáo viên, nhưng cô vẫn làm những công việc như: Nhập quần áo lỗi mốt về bán... kiếm thêm thu nhập cho Thầy chạy thận. Vào những ngày quan trọng như đêm ba mươi Tết, trong khi nhà nhà quây quần sum họp bên nhau gói bánh chưng, cùng nhau trò chuyện và tạm biệt năm cũ, đón năm mới, thì hai vợ chồng Thầy lại bên nhau đón giao thừa tại... bệnh viện!

Chính nhờ sự kiên cường và tình yêu của người vợ hiền dành cho mình mà Thầy Duy đã vượt qua tất cả khó khăn, sự mặc cảm và tiếp tục sự nghiệp “Trồng người”. Hằng ngày, thầy vẫn đến lớp, dạy cho chúng tôi những điều hay, lẽ phải, đạo lý làm người... và vẫn luôn là người “lái đò”, đưa hết lớp học trò này đến lớp học trò khác qua “dòng sông” tri thức. Nhìn Thầy bước từng bước tập tễnh trên bục giảng, tôi rất khâm phục đức tính, nghị lực trong con người thầy. Thầy Duy giảng bài rất hay. Giọng thầy dõng dạc, nhiều khi lại ấm áp, truyền cảm lạ thường. Dường như, những điều đó xuất phát từ sâu thẳm trong tâm hồn Thầy, để rồi từ đó, chúng tôi hiểu bài, tiếp thu được cái hay, cái đẹp qua mỗi giờ học. Mỗi lời Thầy giảng, chúng tôi đều khắc sâu trong tâm trí:

 

“ Thưa thầy em đã thuộc

Bài học sáng nay trên bục giảng...

Giọng thầy như biển hát

Lời thầy như bài thơ

Cho em những ước mơ

Tới chân trời rộng mở...”.

 

Những câu hát trên cũng là những lời xuất phát từ đáy lòng tôi muốn nói với Thầy – người “lái đò” của trường THCS Nguyễn Trãi: Với tất cả sự ngưỡng mộ và lòng biết ơn, mong Thầy Duy tiếp tục kiên cường chiến đấu với bệnh tật, để mãi sát cánh bên chúng tôi, tiếp thêm nghị lực cho chúng tôi vươn tới ước mơ của mình.

                                                BÙI THU PHƯƠNG

                             (Lớp 7A, Trường THSC Nguyễn Trãi, huyện Bắc Quang)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Những Nghi thức dâng hương Miếu Ông, Miếu Bà - nét đẹp văn hóa truyền thống ở Khâu vai
HGĐT - Nằm trong khuôn khổ sự kiện Tuần Văn hóa du lịch Lễ hội Chợ tình Khâu Vai diễn ra hàng năm, nghi thức dâng hương Miếu Ông, Miếu Bà là tập quán vốn có của người dân xã Khâu Vai, bất kể lứa tuổi nào và sống ở nơi đâu đều biết đến.
29/04/2013
Công bố thành lập các Trung tâm thông tin khu vực CVĐCTC CNĐĐV
HGĐT - Ngày 26.4, tại huyện Yên Minh diễn ra Lễ Công bố quyết định thành lập các Trung tâm thông tin khu vực Công viên địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (CVĐCTC CNĐĐV). Đến dự có đồng chí Sèn Chỉn Ly, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh, lãnh đạo 4 huyện: Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ…
29/04/2013
Xây dựng Làng Văn hóa du lịch tiêu biểu gắn xây dựng NTM ở tỉnh ta - một năm nhìn lại
HGĐT - “Du lịch cộng đồng” - Cụm từ mà trước đây tưởng như rất xa lạ đối với bà con, ít được nhắc đến trong những cuộc trò chuyện, giao tiếp hàng ngày. Còn nay, du lịch, tour hay du lịch cộng đồng đã thấm sâu vào từng nếp nhà, cuộc sống hàng ngày của bà con các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Bởi Hà Giang là tỉnh có cộng đồng 19 dân tộc anh em sinh sống; mỗi dân tộc đều
29/03/2013
Đã sẵn sàng đón khách du lịch
HGĐT - Theo Ban tổ chức, Tuần Văn hoá, Du lịch Lễ hội Chợ tình Khâu Vai năm 2013 sẽ chính thức diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 4 - 6.5, (tức ngày 25 –27.3 âm lịch). Các hoạt động khởi động cho Tuần văn hoá được tổ chức bắt đầu từ ngày 30.4 – 3.5, (tức ngày 21 – 24.3 âm lịch), địa điểm tổ chức tại thị trấn Mèo Vạc và xã Khâu Vai.
26/04/2013