Khai thác và sử dụng các công trình văn hóa, thể thao: Để không còn lãng phí
“Công tác quản lý, sử dụng và khai thác hệ thống các công trình văn hóa, thể thao thời gian qua còn nhiều bất cập, chưa hiệu quả, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp tập trung, thậm chí một số nơi chưa phát huy tốt điều kiện cơ sở vật chất của thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đã được đầu tư xây dựng...”
Thứ trưởng Lê Khánh Hải đã nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về kinh nghiệm quản lý, khai thác và sử dụng các công trình văn hóa, thể thao do Bộ VHTTDL tổ chức ngày 23.5 tại 3 đầu cầu Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Nhiều thiết chế xuống cấp, hoạt động không hiệu quả.
Thứ trưởng Lê Khánh Hải khẳng định, trong những năm qua, nhiều thiết chế VHTT như Trung tâm Văn hóa, Nhà văn hóa, SVĐ, Nhà thi đấu, nhà tập luyện đa năng, sân tập thể thao, bể bơi, khu vui chơi... đã được quan tâm đầu tư xây dựng và căn bản đã phát huy được chức năng. Tuy nhiên, so với yêu cầu chung thì nhiều thiết chế vẫn chưa thực sự được khai thác tối đa công năng, thậm chí rơi vào tình trạng lãng phí.
Báo cáo tổng quan về quản lý, khai thác và sử dụng thiết chế VH-TT cơ sở, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cho biết, hiện cả nước có 60 trung tâm văn hóa, 3 NVH, 4 trung tâm Thông tin- Triển lãm, 75 trung tâm TDTT cùng 572 công trình đủ tiêu chuẩn thi đấu thể thao cấp quốc gia, trong đó có một tỉ lệ nhỏ các công trình đủ tiêu chuẩn thi đấu quốc tế. Ở cấp huyện có 541/698 quận, huyện có trung tâm văn hóa, TDTT, đạt tỉ lệ 78%; cấp xã có 4703 xã, phường, thị trấn (42%) có trung tâm văn hóa, TDTT; 43% số thôn có NVH, khu TDTT.
Bên cạnh những ưu điểm đã được khẳng định qua thực tế hoạt động trong nhiều năm qua, hệ thống thiết chế văn hóa- TDTT cơ sở trên toàn quốc so với mục tiêu cụ thể nêu trong các quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt còn thấp, các chỉ tiêu về số lượng, trình độ cán bộ và diện tích đều ở mức độ khiêm tốn.
Nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất không có thiết chế VH-TT phục vụ đời sống văn hóa tinh thần, luyện tập TDTT của người lao động. Bên cạnh đó, các thiết chế VH-TT ở cấp xã phần lớn bị xuống cấp và thiếu đồng bộ về trang thiết bị cho hoạt động sự nghiệp. Việc xây dựng về quy mô, kiểu dáng, vị trí còn tùy tiện. Nhiều nơi xây dựng được trụ sở nhưng trang thiết bị thiếu thốn, không đủ điều kiện hoạt động, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa. Đáng chú ý, đội ngũ cán bộ VH-TT cơ sở còn thiếu và yếu, nhất là ở cấp xã, phường, thị trấn. Ở cấp huyện, đặc biệt là cấp xã, còn tình trạng sử dụng cán bộ trái ngành nghề. Kinh phí tổ chức còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu nội dung tổ chức hoạt động.
Đối với nhiều trung tâm VH-TT cấp huyện, nhất là tại các huyện miền núi, vùng sâu vùng xa, kinh phí chỉ đủ để tổ chức vài hoạt động trong năm. Cấp xã kinh phí càng hạn hẹp hơn, chủ yếu chi theo hoạt động kỳ cuộc, không có nguồn chi cho hoạt động thường xuyên. Đối với làng, thôn ấp, bản, chi phí duy trì mọi hoạt động chủ yếu do nhân dân đóng góp; ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc hầu như không có kinh phí nên không thể triển khai được các nội dung hoạt động cần thiết...
Ảnh Thành An
Không phải chỉ chăm chăm vào cái “vỏ”
Các ý kiến, tham luận với những nhìn nhận đa chiều đã chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm, mô hình tốt trong khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống thiết chế VH-TT cơ sở cũng như những bất cập cần khắc phục.
Ông Bùi Hải Sơn, Giám đốc Trung tâm VHTT TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) cho hay, bên cạnh những hiệu quả thì việc khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế VHTT tại Trung tâm vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn.
Cơ bản và được nhìn thấy rõ nhất là sự xuống cấp, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các công trình nhà thi đấu đa năng, NVH thiếu nhi do thời gian sử dụng đã lâu. SVĐ Trung tâm thiếu và hỏng một số thiết bị, hạng mục; máy chiếu phim NVH công nhân không còn đủ điều kiện đáp ứng để chiếu các bộ phim phiên bản mới phục vụ nhân dân...
Tại Yên Bái, những khó khăn cũng bộc lộ khá rõ. Theo Phòng VH-TT TP Yên Bái, vẫn còn có một số NVH do được xây dựng từ nhiều năm trước nên diện tích sử dụng chưa đạt chuẩn; thiếu các trang thiết bị phục vụ hội họp, tổ chức các hoạt động văn hóa...
Bên cạnh đó, quá trình thực hiện việc quy hoạch đất cho các thiết chế văn hóa cơ sở cũng gặp không ít khó khăn. Quy hoạch đất, chọn địa điểm để xây dựng NVH, sân thể thao theo quy định của Bộ VHTTDL trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc tạo quỹ đất. Việc huy động vốn để sửa chữa, nâng cấp, làm mới lại NVH ở một số thôn thuộc vùng sâu, vùng xa cũng vấp phải những vướng mắc không nhỏ...
Trong khi đó, cũng có một thực tế được nhiều đại biểu nêu lên là sự đầu tư hoành tráng không đi kèm với hiệu quả hoạt động tương xứng của nhiều thiết chế VH-TT. Giám đốc Sở VHTTDL Bà Rịa- Vũng Tàu, ông Trần Văn Thông cho rằng, quan trọng là cần tham mưu để có cơ chế, chính sách và hướng dẫn khai thác, phát huy hiệu quả các thiết chế VH-TT đã có.
Ở nhiều nơi, cán bộ địa phương còn thiếu trách nhiệm khi chưa biết lo đời sống tinh thần, hoạt động TDTT cho dân khi các công trình VH-TT đã có. “Các thiết chế đã đầu tư rồi thì phải thấy rằng đó là tài sản quý giá, cần phát huy công năng phục vụ nhu cầu của người dân, không thể tất cả cứ đổ cho ngành văn hóa, thể thao được...”, ông Trần Văn Thông nói.
Ông Nguyễn Đức Tuấn, GĐ Cơ quan đại diện Văn phòng Bộ tại Đà Nẵng cũng cho rằng, hệ thống thiết chế VH-TT ở nhiều nơi hiện nay được đầu tư xây dựng khá hoành tráng, tuy nhiên nếu hoạt động kém hiệu quả sẽ rất lãng phí.
Vậy nên, chuyện cần quan tâm là làm thế nào khai thác tốt nhất mỗi thiết chế, không phải chỉ chăm chăm vào cái “vỏ”, xây thật nhiều rồi thì chỉ mở cửa xuân thu nhị kỳ. Ông Tuấn nói, nhà văn hóa thì phải đỏ đèn quanh năm, sân bóng đá cũng phải hoạt động thường xuyên... mới được.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Khánh Hải chỉ đạo các Tổng cục, Cục, Vụ và các đơn vị có liên quan của Bộ VHTTDL, các Sở VHTTDL triển khai thực hiện các nhiệm vụ nhằm phát huy hiệu quả quản lý, khai thác và sử dụng các công trình văn hóa, thể thao cơ sở trong thời gian tới.
Trọng tâm là quán triệt các Nghị quyết của Đảng về công tác văn hóa, TDTT; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lý nhà nước và cán bộ nghiệp vụ trực tiếp quản lý các công trình văn hóa, thể thao cơ sở.
Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế, chính sách, tổ chức hoạt động, hướng dẫn quản lý, khai thác và sử dụng các công trình văn hóa, thể thao cơ sở.
Từng bước đổi mới phương thức quản lý, hoạt động của các thiết chế VH-TT cơ sở, tạo điều kiện cho đông đảo quần chúng tham gia hoạt động văn hóa, tập luyện, biểu diễn và thi đấu thể thao theo nhu cầu và sở thích của mọi người, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương, đơn vị. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, đánh giá hiện trạng và hiệu quả hoạt động của các thiết chế VH-TT cơ sở...
“Trung tâm VH-TT quận Tân Bình hiện đang quản lý và khai thác 7 CLB và cụm thể thao với hệ thống cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư đúng mức nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tập luyện của người dân trên địa bàn; đồng thời đảm bảo đủ điều kiện tổ chức các giải từ cấp quận, thành phố, toàn quốc và quốc tế trong những năm qua. Tuy nhiên, hệ thống thiết chế này vẫn chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao hiện nay. Nhiều môn thể thao mới đòi hỏi phải có cơ sở vật chất có tính chuyên môn cao, nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu như: các môn thể thao giải trí, mạo hiểm… Ngoài ra, các trang thiết bị, dụng cụ tập luyện ngoài trời, khu vực đi bộ… nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn tuy có đầu tư song cũng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu hiện nay.” (Ông PHẠM NGỌC SƠN, GĐ Trung tâm VH- TT quận Tân Bình, TP.HCM) “Công tác xã hội hóa TDTT tại địa phương được nhân dân và các Mạnh Thường Quân nhiệt tình ủng hộ, đóng góp vật chất lẫn tinh thần đã đưa phong trào huyện Chợ Mới phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng, các CLB TDTT được hình thành và hoạt động có hiệu quả ở các xã, thị trấn. Kết quả vận động đã được tư nhân đầu tư phát triển mới 5 sân cầu lông có mái che (trên 600 triệu đồng), 5 sân cỏ nhân tạo (trên 4,5 tỷ đồng) và cùng với tỉnh đầu tư xây dựng NTĐ thể thao huyện với kinh phí 26,5 tỷ đồng… Tuy nhiên, do địa bàn đa số người dân sống bằng nghề nông nghiệp theo vụ mùa nên nhiều lúc các sân và NTĐ phải để trống. Nếu như có tổ chức giải thi đấu thì BTC phải “né” vào thời gian không vào vụ mùa, hoặc phải xuống tận ấp, xã để vận động người dân tham gia.”(Ông NGUYỄN THANH TRƯỜNG, GĐ Trung tâm TDTT huyện Chợ Mới, An Giang) “Trong quá trình quản lý, khai thác và sử dụng hệ thống thiết chế VH-TT đã bộc lộ không ít khó khăn, nhất là quỹ đất để quy hoạch cho việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao còn hết sức hạn chế so với nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, dẫn đến tình trạng quá tải. Kế đó là kinh phí dành cho việc đầu tư nâng cấp, sữa chữa các thiết chế văn hóa, thể thao còn thấp.”(Ông NGUYỄN TUẤN THANH, GĐ Trung tâm VHTT TP Nha Trang, Khánh Hòa) |
Ý kiến bạn đọc